CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:12

Cần lắng nghe trẻ em để đáp ứng nhu cầu của trẻ

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, để thực hiện nhiệm vụ tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em việc triển khai mô hình “Hội đồng trẻ em” cần được đánh giá kỹ về tính hiệu quả, tập hợp được ý kiến của các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mà không chỉ các em có điều kiện tốt. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường để trẻ em nói lên tiếng nói của mình, không có sự tác động của người lớn vào ý kiến của trẻ em. Theo quy định của Luật trẻ em 2016, trẻ em có quyền tham gia các vấn đề có liên quan đến trẻ em. Vì thế, việc lấy ý kiến trẻ em vào các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch cần được tổ chức hiệu quả, phù hợp với tâm lý thiếu nhi, có ý kiến tiếp thu và giải trình phản hồi cụ thể trở lại với thiếu nhi.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho rằng, công tác phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một trong những nhiệm vụ công tác lớn, quan trọng của tổ chức Đoàn. Công tác Đội và phong trào thiếu nhi hiện nay cũng đang đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần thông tin đầy đủ và xin ý kiến rộng rãi các đồng chí cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố. Ông  Lê Quốc Phong đề nghị, các tỉnh, thành Đoàn cần đẩy mạnh thực hiện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đội, nhất là về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đội, phong trào thiếu nhi, kỹ năng thực hành xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng với yêu cầu hiện nay.

 

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Trần Thị Bích Thủy và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong tặng học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn TP Đà Nẵng.

 

Đối với các Nhà Thiếu nhi phải là địa chỉ uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách thiếu nhi, cán bộ chỉ huy Đội. Là nơi xây dựng nhiều mô hình mới, hay, hiệu quả để hỗ trợ thiếu nhi trong học tập, rèn luyện, phát triển năng khiếu, vui chơi giải trí và chuyển giao cho cơ sở. Đồng thời, Nhà Thiếu nhi phải thật sự là mái nhà chung, là nơi thiếu nhi chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của mình...

Trong giai đoạn 2012 – 2017, T.Ư Đoàn đã chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng như: Triển khai rộng rãi cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”, trao tặng gần 1,6 triệu suất học bổng cho đội viên, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng hơn 300 tỷ đồng hỗ trợ thiếu nhi nghèo vượt khó vươn lên trong học tập; giúp đỡ hơn 1,4 triệu thiếu nhi bỏ học quay trở lại... Hệ thống cung/nhà thiếu nhi các cấp cũng tổ chức được gần 45 nghìn lớp năng khiếu, thu hút hơn 1,6 triệu lượt thiếu nhi tham gia với nhiều hoạt động thu hút như Trại hè kỹ năng, Sân chơi khoa học, Trại hè trải nghiệm thiên nhiên, các lớp năng khiếu.... “Nếu nhìn về số lượng và số lượt tham gia thì rất đông nhưng con số đó đã thể hiện được thực chất chất lượng và sự thu hút của phong trào thiếu nhi hay chưa. Các phong trào của thiếu nhi có thực sự thu hút các em học sinh và phụ huynh. Tại sao phụ huynh sẵn sàng chi tiền để con em mình tham gia các hoạt động bên ngoài nhưng nhiều hoạt động phong trào thiếu nhi thì phụ huynh không mặn mà”,  Bí thư thứ nhất Trung ương nêu vấn đề.

Để thu hút thiếu nhi tham gia các hoạt đông, theo ông Phong, các chương trình, hoạt động cần cụ thể, thiết thực, gần gũi, giải quyết được vấn đề thiết thân của thiếu nhi. Cần lắng nghe trẻ em trong tổ chức các mô hình, hoạt động để đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Phải có sự điều chỉnh để các hoạt động phong trào thực sự lan tỏa.

BẢO ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh