Phố cổ Hà Nội: Người dân sẵn sàng trả vỉa hè cho người đi bộ
- Dược liệu
- 19:46 - 27/02/2017
Các cửa hàng buôn bán trên phố Hàng Dầu lấn chiếm hết vỉa hè của người đi bộ. Ảnh: Trường Phong.
Liên quan đến việc chính quyền Quận 1, TP Hồ Chí Minh đang có những biện pháp mạnh để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Hoa, một người bán tranh, ảnh, tem… trong “cửa hàng” tự tạo khoảng 1 mét vuông trên vỉa hè phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nếu thành phố “đòi” lại vỉa hè thì bà sẵn sàng không bán hàng nữa.
“Tôi tranh thủ kiếm thêm thôi chứ chồng, con cũng không cho đi bán. Nếu cấm buôn bán trên vỉa hè thì tôi nghỉ luôn”, bà Hoa, nói.
Cùng quan điểm, bà Lan, một chủ cửa hàng nước trên phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, mấy ngày nay thông qua báo chí cũng biết được thông tin. “Nếu Hà Nội có chủ trương lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, tôi sẵn sàng không bán hàng nữa, hoặc lùi sâu vào bán trong ngõ thôi”, bà Lan nói.
Bà Lan chia sẻ, do nhà bà ở phố Hàng Bạc nên tranh thủ bán nước kiếm thêm đồng ra đồng vào để đi chợ. “Trung bình mỗi ngày cũng kiếm được vài chục nghìn. Tôi chỉ bán từ chiều đến tối. Hôm nào có chợ đêm, phố đi bộ thì bán đến khoảng 22h. Ngồi không cũng buồn mà không làm thì lấy tiền ở đâu ra. Nếu cửa hàng to, vốn to, mỗi ngày cũng có thể kiếm được vài trăm nghìn”, bà Lan cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo bà Lan, chuyện của thành phố Hồ Chí Minh rất khác so với ở Hà Nội. “Vỉa hè ở Hà Nội đã gắn bó với kinh doanh, buôn bán của bao nhiêu thế hệ các gia đình ở khu phố, nên cũng không thể nói cái là làm ngay. Cũng khó chứ không hề đơn giản. Cửa hàng của tôi nhỏ, dẹp lúc nào cũng được, nhưng những cửa hàng lớn thì khó lắm. Nguồn thu từ các cửa hàng này lớn chứ không phải chuyện đùa”, bà Lan nêu quan điểm.
Ông Nghĩa, một hộ kinh doanh trong khu vực phố cổ Hà Nội thì cho rằng, bao lâu nay, những hộ dân mặt phố vẫn được kinh doanh, buôn bán và đóng thuế nên bây giờ việc lấy lại vỉa hè là rất khó. “Cứ đơn giản như việc không cho để xe máy trên vỉa hè, nếu nhà tôi là nhà mặt phố thì phải được phép chứ? Tôi được quyền sử dụng chứ. Vì tôi có đóng thuế cơ mà”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, muốn lấy lại vỉa hè thì phải đảm bảo được cho những hộ dân sống dựa vào vỉa hè có một nguồn thu nhập tương đương. "Tại sao nhà ở phố cổ chật chội thế mà người ta vẫn muốn ở lại, không chuyển sang chung cư mới? Vì chung cư mới vừa không kiếm được tiền, lại vừa mất thêm chi phí hàng tháng. Trong khi đó, ở phố cổ có thể kiếm được tiền từ vỉa hè", ông Nghĩa nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một dân phòng ở khu vực phố Hàng Bạc nêu quan điểm, rất khó để có thể lấy lại vỉa hè. “Bao nhiêu năm nay, phố xá vẫn thế trong khi người dân sinh sống, vào ở càng ngày càng đông. Nói thật, một khoảnh vỉa hè nuôi được cả gia đình. Tôi nói thật, nếu lấy lại vỉa hè, dù có phạt thật nặng hay làm gì đi nữa thì vì miếng cơm, manh áo, họ cũng sẽ lại lao ra làm lại thôi”, ông này cho biết.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biêt, việc chống lấn chiếm vỉa hè luôn được quận coi trọng, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn. “Công việc này được Hoàn Kiếm ra quân làm thường xuyên. Chúng tôi ra quân làm công việc này từ năm 2016, năm nay quận sẽ tiếp tục triển khai. Năm 2017, chúng tôi ra quân làm từ mồng 5 Tết…”, ông Long nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, liệu Hà Nội có thực hiện quyết liệt được như ở TP Hồ Chí Minh, khi mà lãnh đạo quận 1 đã trực tiếp chỉ đạo liên ngành và xử lý rất cương quyết, không bỏ qua trường hợp vi phạm nào, ông Long cho rằng, “Hà Nội có cách làm của mình”.