CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:07

Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần phát huy nguồn lực từ cộng đồng

 

Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2004. Tuy nhiên, với đặc thù có cư dân sinh sống trong lòng di sản, giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống của Khu phố cổ vẫn còn nhiều thách thức. Trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo các di tích có giá trị văn hóa, lịch sử trong khu phố cổ bằng ngân sách và nguồn xã hội hóa, đồng thời nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, tuyên truyền quảng bá giới thiệu về hình ảnh khu phố cổ. Một trong những điểm nhấn để bảo tồn và phát huy các giá trị tiềm năng của Khu phố cổ Hà Nội chính là việc mở rộng tuyến phố đi bộ sang khu bảo tồn cấp I gắn với tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân nhằm từng bước xây dựng và phát triển Khu phố cổ Hà Nội thành không gian đi bộ, tạo ra nét văn hóa đặc trưng riêng của quận Hoàn Kiếm.

 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển với yêu cầu bảo tồn không gian Khu phố cổ. Để khắc phục những bất cập đó, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc phố cổ Hà Nội, trong đó có việc huy động vốn tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Có thể nói rằng, việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội vẫn là bài toán khó. Tọa đàm lần này với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính là gợi mở nhiều giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhằm bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị phố cổ Hà Nội.

Theo Ths. Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, dưới tác động của cơ chế thị trường, giá trị đất ở trong khu phố cổ tăng cao, cơ hội kiếm lợi từ đất đai đã khiến nhiều gia đình không muốn rời bỏ mảnh đất này, đồng thời cũng nhiều gia đình từ nơi khác mong muốn có nhà ở khu vực này để thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số lượng lớn lao động từ các nơi khác cũng đổ về để kiếm sống, thậm chí chỉ đơn giản bằng các nghề phục vụ, lao động phổ thông… Trên lĩnh vực ngành nghề truyền thống, phong tục, tập quán cũng có nhiều thay đổi. Trước tiên là sự biến mất của các nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm, mặt hàng thủ công hầu như không còn mà thay vào đó là các cửa hàng nhỏ, bày bán đồ mỹ nghệ cùng với hàng tạp phẩm, hàng ngoại nhập… Các tên phố không còn có ý nghĩa gắn với các mặt hàng sản xuất hay buôn bán tại phố đó nữa. Phong tục tập quán dưới tác động của cơ chế thị trường cũng có nhiều thay đổi, lối sống truyền thống cũng bị mai một, thay vào đó là phong cách sống mới theo nhịp độ nền kinh tế thị trường.

TS Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội cho biết, bảo tồn văn hóa truyền thống của Khu phố cổ cần tập trung vào 4 giá trị, đó là: Nghề thủ công – phố nghề, nhà di sản tổ nghề; Sinh hoạt tín ngưỡng – lễ hội truyền thống; Giá trị ẩm thực và cuối cùng là Nếp sống thanh lịch, văn minh. TS Lưu Minh Trị khẳng định, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể khu phố cổ Hà Nội là một công việc rất khó khăn, phức tạp và lâu dài. Ông cho rằng đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp lãnh đạo chính quyền mà còn là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đang sinh sống trong khu phố cổ.

Trong khi đó, kiến trúc sư Tô Thị Toàn, nguyên Phó ban thường trực Ban Quản lý Khu phố cổ Hà Nội lại cho rằng, Nhà nước, thành phố, quận Hoàn Kiếm cần có chính sách cụ thể, thiết thực đối với nhân dân Khu phố cổ, tạo điều kiện để người dân tự nguyện tham gia công tác bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống Khu phố cổ Hà Nội, nhiệt tình, trách nhiệm, nhiều sáng kiến. “Chúng ta cần tuyên truyền, thuyết phục người dân Khu phố cổ Hà Nội nhận thức giá trị văn hóa truyền thống Khu phố cổ Hà Nội là di sản quý báu của chính họ, cần phải gìn giữ bảo tồn, phát huy. Bên cạnh đó cần phải vận động phát huy nguồn lực cộng đồng của nhân dân Khu phố cổ để bảo tồn, phát huy tốt nhất giá trị phố cổ Hà Nội.

HIỀN NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh