Phim Tết Đinh Dậu 2017: Hài vẫn chiếm ưu thế
- Văn hóa - Giải trí
- 17:50 - 29/11/2016
Và mùa Tết Đinh Dậu 2017 sẽ có ít nhất 5 phim ra rạp với đủ “món” vui vẻ, ngọt ngào, tiền hung hậu kiết, rất “không khí” Tết: “Chạy đi rồi tính”, “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng tiên có năm nhà”, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu”- Hoàng Phúc, “Vali tình yêu”. Và 2 phim dự tính công chiếu dịp Tết: “Bạn gái tôi là sếp”, “Lạc lối về quê ăn Tết”…
Hài vẫn chiếm ưu thế
Trong 5 phim đã có lịch ra rạp dịp Tết, yếu tố hài dường như chủ đạo, dù có phim tâm lý hành động, hay có tính phiêu lưu kỳ bí (fantasy). Chỉ nhìn vào dàn diễn viên với những gương mặt “hài” thuộc hàng “sao” như: Hoài Linh trong 2 phim: “Rừng xanh kỳ lạ truyện”, “Nàng tiên có năm nhà”; Việt Hương trong “Chạy đi rồi tính”; NSƯT Thành Lộc, Kiều Mai Lý trong phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu”, thì hiểu ngay nội dung phim chắc chắn có tính hài.
Việt Hương (áo đen) và các diễn viên trong phim "Chạy đi rồi tính".
Có lẽ phim hài là tính toán an toàn cho nhà sản xuất khi đưa phim ra rạp mùa Tết, nên kiểu gì cũng phải biến bi thành hài, biến kinh dị thành hài, biến lãng mạn thành hài, dùng lại “chiêu” kiều nữ - đại gia với nhiều tình huống hài…
“Chạy đi rồi tính” kể câu chuyện cặp vợ chồng trẻ, vợ ca sĩ phòng trà, chồng ở nhà chăm con, bị tự kỷ. Một ngày kia họ bị rơi vào hành trình bất đắc dĩ, trải qua nhiều nguy khốn, cuối cùng gia đình bình yên an vui.
Phim “Rừng xanh kỳ lạ truyện” tạo không khí kỳ bí, kể câu chuyện người rừng với nhiều tình huống hài hước, bất chợt một ngày gặp nhóm bạn trẻ đi “phượt”, và lai lịch khu rừng dần hé mở.
Những tưởng phim cổ trang dựa vào một tuyệt tác văn học là “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu, thì khi chuyển thể thành phim “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu” trở thành một phim hài hiện đại, Lục Vân Tiên thế kỷ 21 lạc xuống một miền quê, tính học võ, thì gặp ông giáo mù chỉ dạy đạo làm người.
“Valy tình yêu” ngỡ là phim tâm lý lãng mạn thì lại mang tính kinh dị pha hài, phim kể câu chuyện một tài xế taxi chở một Việt kiều từ sân bay Liên Khương - Đà Lạt về thành phố, bất ngờ gặp cô gái treo cổ, ra tay nghĩa hiệp cứu người, rồi Việt kiều bị một nhóm người đuổi bắt, bỏ quên chiếc vali bí ẩn trên xe taxi…
Nghệ sỹ Hoài Linh trong phim "Nàng tiên có năm nhà”.
Và trong “Nàng tiên có năm nhà”, một bộ phim về đề tài kiều nữ- đại gia, kể câu chuyện khá cũ về một thôn nữ lên thành phố làm thuê trong nhà hàng và tìm cách đổi đời bằng cách cặp với đại gia với nhiều trò “câu” cười…
Chung quy các phim, cho dù mang yếu tố gì thì cũng có chất hài, để sau cùng là một cái kết, rất có hậu, phù hợp với không khí Tết.
Phim nào sẽ “nóng” phòng vé nhất?
Nhìn lại phim mùa Tết 2016 cũng ra rạp 5 phim, thì hết 4 phim thể loại hài và không phim nào có doanh thu như ý. Phim mùa Tết 2017 vẫn là ẩn số vì nhìn vào các phim, chưa thấy một phim nào có thể tạo những bất ngờ cho dù dàn diễn viên đều là “sao”, có tên tuổi được nhà sản xuất kỳ vọng là "bảo chứng" cho phòng vé.
Ngay cả với phim được dùng “chiêu” mới để PR là “Chạy đi rồi tính” với chiến dịch thực hiện một chuỗi sự kiện ra mắt (showcase), lần đầu tiên làm triển lãm công cộng có tên “Trại cừu chạy đi rồi tính”, tái hiện bối cảnh phim là trại cừu ở Ninh Thuận với 100 con cừu bông để khán giả chụp ảnh, tham quan, chơi các trò chơi tương tác, phát hành một cuốn sách ảnh về quá trình và hậu trường làm phim..
Miu Lê và Hứa Vĩ Văn trong phim "Bạn gái tôi là sếp".
Có lẽ, công thức hài với các “sao” hài đã không còn là “món” lạ, hết chiêu trò để gây hứng thú với khán giả. Chưa kể cứ “dùng” hoài một diễn viên cho nhiều phim hết năm này sang năm khác, hết mùa phim này đến mùa phim khác, mà diễn viên đó gần như tuần nào cũng thấy vài lần ở các showgame truyền hình thực tế diễn trò, đã tạo cảm giác ngán, thiếu hấp dẫn.
Nội dung các phim cũng thiếu hấp dẫn, ít phim nào mang tính hiện thực đương đại sâu sắc, thậm chí khá hời hợt, dễ dãi tình huống, chi tiết. Nhiều phim chất lượng chỉ như phim video nâng cấp, nên tính “điện ảnh” kém, mà chất sân khấu truyền hình đậm đặc.
Với các nhà sản xuất, thường xem phim Tết như “bánh mứt” cho vui, nên đầu tư từ kịch bản đến kỹ thuật vừa phải, thời gian thực hiện theo công thức “đánh nhanh, thắng nhanh”, xong mùa Tết là cất đi (trừ phim nào may mắn “nóng” thì chiếu lai rai), để lại tranh đua làm phim mùa khác trong năm.
Không đến 2 tháng nữa là vào mùa phim Tết 2017. Phim nào “nóng” nhất cũng rất khó đoán biết, bởi nhìn chung các phim Tết 2017 chưa thấy phim nào có sự đột phá hay sáng tạo, thậm chí có phim chủ đề quá cũ, và diễn viên cũng quá cũ. Đến khi nào phim Tết mang tính nghệ thuật và ý nghĩa nội dung chất lượng cao?.