Phim Tết đã thôi hấp dẫn?
- Văn hóa - Giải trí
- 01:35 - 06/01/2017
Hài mãi cũng nhàm
Trong số những phim Tết được nhắc tới trước đó (gồm Chạy đi rồi tính, Rừng xanh kỳ lạ truyện, Nàng tiên có 5 nhà, Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu, Vali tình yêu, Bạn gái tôi là sếp, Lạc lối về quê ăn Tết…), bộ phim Chạy đi rồi tính đã được đẩy lịch chiếu sớm hơn từ ngày 30-12/2016. Trong buổi giới thiệu phim, đại diện nhà phát hành BHD cũng đã nhận định: Những năm về trước, mọi người luôn nhận định rằng cứ Tết Nguyên đán là thời điểm dành cho phim Việt Nam, với hàng loạt tác phẩm điện ảnh nội đua nhau ra rạp. Nhưng giờ đây thực tế ấy là điều đó không còn nữa. Chúng ta phải chấp nhận.
Một cảnh trong phim chạy đi rồi tính
Đưa phim ra rạp sớm hơn, hoặc lùi lại thời điểm chiếu phim muộn hơn dịp Tết Nguyên đán cũng là một cách để các nhà phát hành giãn cách, hay nói chính xác hơn là “né” tình trạng cạnh tranh giữa các phim được coi là khủng. Nhưng cứ mặc định Tết là mùa của phim hài, thì khán giả có thực sự hào hứng nữa hay không? Và món ăn tinh thần ấy liệu có còn hấp dẫn? Nhìn lại mùa phịm Tết 2016 và chặng đường nửa đầu năm 2016 sẽ thấy, dù có đến hàng chục bộ phim được ra mắt ở nhiều thể loại khác nhau nhưng chưa tác phẩm nào để lại ấn tượng sâu sắc với giới chuyên môn và khán giả. Một số phim được đánh giá cao nhưng chưa thành công tại phòng vé, và ngược lại. Doanh thu từ những bộ phim đầu tư khủng không được như ý. Vì thế mùa phim Tết 2017 vẫn là ẩn số, bởi nếu nhìn vào nội dung phim vẫn chưa thấy tác phẩm nào có thể tạo những bất ngờ cho dù dàn diễn viên đều là “sao”, có tên tuổi được nhà sản xuất kỳ vọng là "bảo chứng" cho phòng vé. Thực tế cũng minh chứng, vài năm trở lại đây mức độ cạnh tranh của thị trường phim Tết đang ngày càng khốc liệt hơn trước sự ăn khách của phim ngoại.
Nhận định từ khán giả cho thấy: nhiều năm nay, công thức hài với các “sao” hài đã không còn là món lạ. Chưa kể là sự xuất hiện lặp đi lặp lại của một vài diễn viên cho nhiều phim kéo dài hết năm này sang năm khác, hết mùa phim này đến mùa phim khác. Khán giả thậm chí đã quá quen mặt họ ở các showgame truyền hình thực tế diễn trò hàng tuần, nên họ thấy đã hơi nhàm chán…Còn giiới chuyên môn nhận định, việc ra nhiều phim với công thức giống nhau vào cùng một thời điểm đã khiến cho thị trường phim Tết trở nên bão hòa. Trong khi đó, các nhà sản xuất Việt cũng chưa đủ tầm và chưa đủ lực để có thể sản xuất được những bộ phim “bom tấn” đúng nghĩa, hòng cạnh tranh với các bộ phim nước ngoài trên rạp chiếu. Vì lẽ đó mà doanh thu cứ giảm dần còn khán giả lại dịch chuyển sang xu hướng xem phim nước ngoài thay cho các phim Việt chưa có nhiều đột phá.
cảnh trong phim chạy đi rồi tính.
Không bỏ phí thị trường tiềm năng
Tất nhiên là không thể đánh đồng tất cả phim hài đều nhàm chán. Mới đây bộ phim Em là bà nội của anh đã được đánh giá là phim Việt ăn khách nhất nước Mỹ. Nhận định này được US Box Office Gross đưa ra dựa trên các con số thống kê tại các rạp thương mại Mỹ. Theo đó Em là bà nội của anh có doanh thu tại Mỹ được công bố là 71.000 USD. Với mức kinh phí làm phim chỉ vỏn vẹn có 700 ngàn USD, mức doanh thu trên cũng là khá ấn tượng so với nhiều phim khác trong danh sách này. Tại Việt Nam, Em là bà nội của anh cũng là phim Việt ăn khách nhất năm 2015 khi thu về hơn 100 tỷ đồng, trở thành phim Việt Nam ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé. Phim qui tụ dàn diễn viên ở cả 3 thế hệ, nên được đánh giá là bài thơ dành cho tuổi già, là bài hát dịu dàng dành cho những người trung niên, và là một khúc hoan ca dành cho những người trẻ.
Đành rằng món ăn tinh thần ngày Tết đòi hỏi nhẹ nhàng, nhưng như thế không có nghĩa tất cả các nhà làm phim đều đổ xô vào làm phim hài. Tiếc thay, chính mục tiêu này đã và đang khiến phim Tết trở nên nhàm và nhạt. Hậu quả là đã vài mùa trở lại đây, ít người hồi hộp đợi chờ phim Tết. Vì thế mục tiêu xa hơn của điện ảnh Việt là sớm nâng cao chất lượng của phim hài “made in Việt Nam”. Đã đến lúc các nhà sản xuất phim cần thay đổi tư duy về cách làm phim Tết, vì thị trường này vẫn đang để ngỏ và còn rất tiềm năng.