Phim nghệ thuật đang dần chiếm thị phần
- Văn hóa - Giải trí
- 20:38 - 08/03/2016
“Cô gái Đan Mạch” được phát hành tại Mỹ ngày 27/11/2015 với 4 rạp chiếu tại Los Angeles và New York, dù ở tuần mở màn phim có doanh thu trung bình rất cao (hơn 46.000USD/rạp chiếu). Một số ít phim có thành công về doanh thu phòng vé là nhờ phản ứng dây chuyền, sau khi phim nhận được các giải thưởng danh giá. Kén khán giả, khó xem, không có ngôi sao ăn khách... là những mường tượng ban đầu của người hâm mộ về dòng phim nghệ thuật đã và đang được trình chiếu tại Việt Nam.
Trong xu thế phát triển của thị trường điện ảnh Việt, dẫu khó khăn nhưng với “gu” thưởng thức ngày càng văn minh, dòng phim này bước đầu được đón nhận. Phim “Cô gái Đan Mạch” ra mắt khán giả Việt từ ngày 15/1 tại các rạp chiếu trên toàn quốc. Khán giả đã bình luận về phim được nhiều giải thưởng tại Oscar 2016 này khá tích cực. Câu chuyện về một con người đi tìm bản ngã của mình, để rồi dù có chết cũng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc trong chính con người mà mình mong muốn trở thành. Một bộ phim đáng để đi xem lại nhiều nhiều lần. Trên khắp cộng đồng mạng và các diễn đàn phim ảnh, hầu hết khán giả sau khi xem phim cùng có chung cảm xúc yêu thích bộ phim.
“Cô gái Đan Mạch” trở thành phim nghệ thuật thế giới phát hành thành công nhất tại Việt Nam, bởi sau tuần đầu tiên đã thu về hơn 4 tỷ đồng, mặc dù phim không được nhận chiếu rộng rãi ở nhiều rạp và không có nhiều suất chiếu như các phim thương mại khác.Trước đây, một số phim như “Nghệ sĩ”, “Triệu phú ổ chuột”, “Thiên nga đen”... cũng nhận được phản hồi tương tự. Tuy nhiên, để tạo thành cơn sốt và ăn khách ở phòng vé là câu chuyện khác.
Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đạt doanh thu 80 tỷ đồng và “Em là bà nội của anh” cán mốc 90 tỷ đồng hay thành công bất ngờ của những bộ phim tài liệu như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Lửa Thiện Nhân”... là những tín hiệu lạc quan đối với dòng phim nghệ thuật Việt. Những bộ phim tưởng chừng kén khán giả khi không có những yếu tố câu khách, các diễn viên ngôi sao... lại thành công đầy bất ngờ. Điều đáng nói là, ngoài con số doanh thu, những bộ phim này đã tạo ra được cơn sốt chia sẻ cảm xúc, thông tin một cách đầy nhân văn trên báo chí và mạng xã hội. Hàng ngàn bình luận tích cực khiến các nhà phát hành thêm niềm tin về một thị trường với gu thưởng thức văn minh hơn trong tương lai gần.
Sau gần 10 năm đưa các phim nghệ thuật về Việt Nam, những tác phẩm này giống như viên ngọc quý của nghệ thuật thứ 7 và việc phát hành không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của bộ phận nhỏ khán giả thực sự mộ điệu mà còn giúp nâng cao thẩm mỹ và thị hiếu của thị trường. Việc làm này giống như gieo hạt cho ngày mai nên cần sự kiên nhẫn với rất nhiều tình yêu dành cho các tác phẩm xứng đáng được ra rạp.
Với sự phát triển mạnh mẽ hơn của hệ thống rạp phim và các phương tiện quảng bá trong thời gian tới, với sự đầu tư công phu hơn về chiến lược truyền thông cho các bộ phim này và thị hiếu khán giả đang ngày một được nâng lên qua những tín hiệu vui gần đây, người làm phim có thể lạc quan khi nghĩ về sức sống cho các bộ phim nghệ thuật tại Việt Nam.