THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:33

Phát hành phim nhà nước: Cần có chính sách “đỡ đầu”

Hiếm có bộ phim nào do Nhà nước đặt hàng lại đạt doanh thu lên tới hơn 80 tỉ đồng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim nổi đình nổi đám trong năm 2015. Đây được coi là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm và cũng có thể nói là trường hợp duy nhất đối với phim do Nhà nước đặt hàng.

Thực tế, nhiều bộ phim được Nhà nước đặt hàng nhưng khi ra rạp bán được rất ít vé, hoặc chỉ được chiếu miễn phí trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Minh chứng gần nhất, bộ phim “Cuộc đời của Yến”- giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, song khi ra rạp lại là cả quá trình nan giải. Đạo diễn Vương Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cho biết, vấn đề đầu ra cho phim nhà nước thực sự vẫn khó khăn. Khi Bộ VH-TT&DL không quản lý hệ thống rạp thì phim nhà nước, phim đặt hàng không ra rạp được. Khi đưa “Cuộc đời của Yến” ra rạp, các cụm rạp lớn không mặn mà, thậm chí không có giờ chiếu, khi nào trống, không có phim chiếu thì mới đưa vào lấp chỗ trống.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim duy nhất do Nhà nước đặt hàng đã thắng lớn khi ra rạp.

Theo đạo diễn Vương Đức, vấn đề truyền thông, quảng cáo rất đáng bàn khi đưa phim ra rạp. “Chúng ta bao lâu nay vẫn chỉ được cấp vốn làm phim, không có tiền làm truyền thông. Phim “Cuộc đời của Yến” ra rạp, chúng tôi phải tự bỏ thêm 100 triệu đồng đầu tư quảng bá. Thị trường cho phim nhà nước, phim đặt hàng là vấn đề cần được chú trọng” - đạo diễn Vương Đức trăn trở.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, vấn đề quan trọng là đưa ra giải pháp để các hãng phim nhà nước hoạt động cho hiệu quả, bởi hiện nay hầu hết các hãng đều đang bế tắc. Các đơn vị chủ quản cần có giải pháp cụ thể và trọng tâm để vực các hãng phim lên. Điều bất hợp lý là, phim được đầu tư tiền tỉ để làm, nhưng không có kinh phí để quảng bá. Trong khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đầu tư hơn 1 tỉ đồng để làm quảng cáo thì các phim nhà nước khác hầu hết làm “phim kỷ niệm”, không có tiền đầu tư cho quảng cáo, điều này báo hiệu phim chắc chắn là thua ngay khi chưa ra rạp.

Không chỉ phim truyện khó ra rạp, phim hoạt hình cũng không khả quan hơn. Theo Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, mỗi năm đơn vị này sản xuất 15 phim, nội dung, chất lượng hình ảnh, âm thanh đều rất tốt, mỗi phim có độ dài 10 phút rất thích hợp để chiếu trên truyền hình, nhưng không được chiếu trên truyền hình quốc gia mà chỉ thường chiếu ở kênh địa phương. “Chúng tôi sản xuất phim ra, gửi sang VTV thì bị thẳng thừng từ chối. Phim hoạt hình Việt Nam là sản phẩm văn hóa, có ý nghĩa, có giá trị giáo dục, không thể so với các chương trình giải trí khác. Nếu đo đếm, buộc văn hóa phải có tiền thì khó”- đại diện Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nói.

Trước những khó khăn này, theo đại diện các đơn vị làm phim, vấn đề cốt lõi vẫn là chính sách. Theo bà Phạm Thị Tuyết, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương, Nhà nước không quan tâm và có chính sách thay đổi thì sẽ xóa sổ ngành điện ảnh, đặc biệt là phim tài liệu sẽ có nguy cơ… biến mất. Không có đầu ra, mỗi lần hãng sản xuất xong một bộ phim là phải mang ra chào bán cho đài truyền hình, điều này  rất khó khăn. Bà Tuyết nhấn mạnh: “Luật Điện ảnh 2006 có nhiều điểm đã quá lỗi thời, lạc hậu cần được sửa. Đặc biệt, cần bổ sung chức năng phát hành phim cho các hãng và xây dựng cơ chế cho việc đó”.

Đồng quan điểm, ông Trần Duy Hưng, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam cho rằng, vấn đề thị trường cho phim đặt hàng hết sức cần thiết và cần xây dựng đội ngũ PR trong Cục Điện ảnh. Ông Hưng nhấn mạnh: “Tại sao tư nhân làm được mà ta không làm được? Chúng ta cần giải bài toán này một cách triệt để!”.

HỒNG HÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh