THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:59

Phim ngắn khiến hàng triệu người không cầm được nước mắt

Được chia sẻ bởi một người dùng facebook có tên Ngoa Phùng, đoạn phim đã được hàng chục nghìn người chia sẻ. Không ít người đã để lại comment nhắn gửi những người thân về thời gian, về tiền bạc dành cho bố mẹ... Không ít người đã rơi nước mắt khi xem phim.

Mới đây trên các trang mạng xã hội truyền tay nhau một clip về tình cảm gia đình vô cùng ý nghĩa. Từng có nhiều bộ phim ngắn, clip về tình cảm gia đình hay, xúc động nhưng bộ phim ngắn "Lá thư cuối cùng" để lại trong lòng người xem những cảm xúc rất đặc biệt.

Bộ phim không có những cảnh quay đẹp, diễn viên không lung linh nhưng lại mang đến nhiều bài học thấm thía. 

Trong clip là hình ảnh của người cha cô đơn chỉ có bức ảnh của người vợ đã mất bầu bạn, trò chuyện sớm hôm. Ông phát hiện ra mình mắc bệnh nan y nhưng vì các con đều bận rộn xa nhà nên lần nào ông cũng một mình đi khám. Khi biết mình sắp phải đối mặt với cái chết, ông nhớ các con, các cháu. Nhưng không ai về với ông nên ông tự mình tìm đến thăm các con.

Trong khi người con trai cả vì nịnh sếp mà đưa đón cha của sếp đi viện, coi người đó như cha mình nhưng khi gặp bố đẻ lại tỏ ra lạnh nhạt, buông ra lời nói vô tình “cha về đi, con bận lắm”. Ông cụ mang cho con trai mớ rau tự tay ông trồng để con ăn được đảm bảo, nhưng người con vì ngại phải cầm vào cơ quan nên không nhận khiến cho ông cụ hụt hẫng chỉ buông ra tiếng thở dài.

Rồi ông gặp người con gái đã lấy chồng, nửa năm nay chưa về thăm nhà. Khi ông hỏi cuối tuần có về nhà được không thì người con gái bận với những chuyến du lịch nên hẹn bố khi khác. Ông mang món quà cho cháu gái, người con cũng tỏ ra ái ngại trước món đồ quê mùa nên không nhận.

Ông đến thăm cô cháu gái nội vừa đúng lúc cô nhận được điện thoại của bạn nên vội vã mừng rỡ chạy đi bỏ mặc ông cụ thẫn thờ một mình.

Thì ra thứ bảy mà ông nhắc mọi người về chính là ngày sinh nhật của người vợ đã mất. Con cái lấy vợ, lấy chồng, có thêm các cháu, nhà đông là vậy mà ông cụ cứ cô đơn lạnh lẽo một mình trong căn nhà nhỏ. Hình ảnh một mình ông ngồi nói chuyện, chúc mừng sinh nhật bà cụ đã mất khiến nhiều người xem clip lau vội giọt nước mắt.

Vì không muốn trở thành gánh nặng cho các con các cháu, biết con cháu còn bận rộn nhiều thứ ông cụ đã mua “một tấm vé nhanh” để sớm được trùng phùng cùng người vợ của mình. Trước khi ra đi ông viết lại lá thư giãi bày tâm sự với con cái rằng mọi khi ông ít nói nhưng lần này cho ông nói nhiều một chút, ông yêu thương và mong nhớ các con rất nhiều, nhưng ông vô cùng cô đơn...

Nghe xong bức thư của ông, tôi cũng nghẹn ngào rơi lệ và chợt giật mình nhận ra phải chăng cuộc sống hiện đại, bận rộn kiếm thật nhiều tiền, chúng ta vô tình đẩy đấng sinh thành của mình vào thế giới của cô đơn, lạc lõng? Và rồi một ngày nào đó chính chúng ta những đứa con đã bỏ mặc cha mẹ mình cũng sẽ bị con cái chúng ta bỏ rơi?

Câu chuyện nhẹ nhàng mà thấm thía, chắc chắn sẽ là bài học quý giá cho những đứa con. Nếu đã lâu bạn chưa về thăm nhà, còn đắn đo gì nữa, tiếc gì một ngày không được đi chơi với bạn bè, hãy quay về với cha mẹ để kịp được trao và nhận những yêu thương. Đừng viện lý do công việc bận rộn hay đã đặt vé đi du lịch để rồi một ngày khi mất người yêu thương nhất ta mới hối tiếc cũng không kịp. Vì thời gian nào có quay trở lại bao giờ.

Đoạn kết của "Lá thư cuối cùng" mà phụ đề được Ngoa Phùng làm và chia sẻ như một lời nhắn chạm đến lòng trắc ẩn của những người con, "Thời gian không thể trở lại. Xin hãy trân trọng những người thân yêu nhất. Bộ phim ngắn xin dâng tặng những ông bố bà mẹ vĩ đại của chúng ta".

Phim ngắn “Lá thư cuối cùng” ra đời từ năm 2011, do một người tên Vương Đông Giám đạo diễn sản xuất và từng gây sốt khắp các trang mạng Trung Quốc một thời. Nhưng mới đây đoạn phim được dịch phụ đề tiếng Việt và thực sự là một thước phim đáng xem dành cho tất cả mọi người.

Mời các bạn cùng xem phim ngắn "Lá thư cuối cùng"


Sưu tầm

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh