CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:28

Phim lịch sử, vì sao chưa xứng tầm?

Trong thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam, chúng ta từng có nhiều phim chiến tranh rất hay, như “Biệt động Sài Gòn”, “Ván bài lật ngửa”, “Cánh đồng hoang”, phim cổ sử thì có “Đêm hội Long Trì”…

Một số phim lịch sử như:  “Giải phóng Sài Gòn”, “Đừng đốt”, “Sống cùng lịch sử”, phim truyền hình “Đường lên Điện Biên”…  cũng được Nhà nước đầu tư kinh phí nhiều để làm nhưng sự thành công không như mong đợi. Dù được đầu tư với kinh phí  21 tỷ đồng  nhưng bộ phim “Sống cùng lịch sử” không hút khách khi ra rạp.

Lý do vì phim thiếu logic, áp đặt chủ quan, không hấp dẫn người xem. “Đường lên Điện Biên” vẫn chỉ dừng lại ở một bộ phim tái hiện một khung cảnh lịch sử mà chưa truyền tải được những thông điệp nghệ thuật. Được đánh giá là khá thành công , sản xuất dựa trên tác phẩm “Sài Gòn - Bản hùng ca” của nhà văn Hoàng Hà có lược bớt một số đoạn, phim “Giải phóng Sài Gòn” được đầu tư 12,5 tỷ đồng và sản xuất trong thời gian dài kỷ lục là 13 năm.

Tuy nhiên, bộ phim này mới mô tả được cái không khí của thời khắc Bộ Chính trị quyết tâm đánh thần tốc để giải phóng Sài Gòn. Ở đó ngổn ngang một số tâm trạng và phận đời của người Việt trong bối cảnh lịch sử đó. Ngổn ngang tâm trạng của những vị chỉ huy chiến dịch này. Tuy thế, nó mới là một lát cắt khá mỏng, chưa thể hiện được tầm vóc của sự kiện này.

Với phim cổ sử, tình hình cũng tương tự. Chúng ta đầu tư nhiều kinh phí cho nhiều bộ phim truyện truyền hình về cổ sử như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”… nhưng hiệu ứng nghệ thuật chỉ như “đá ném ao bèo”. Phát sóng xong, khán giả không còn nhớ gì về nội dung, nhân vật trong phim đó nữa!

Những ai yêu quý lịch sử dân tộc, đều trăn trở trước chuyện làm phim lịch sử của nước nhà hiện nay. Trước những làn sóng văn hóa ngoại ồ ạt đang dần chiếm lĩnh đời sống, tâm hồn của không ít công chúng, trước việc người Việt ngày càng ít biết về lịch sử dân tộc mà chỉ thuộc sử Trung Quốc, sử Hàn nhờ những bộ phim lịch sử và dã sử của họ, thì việc làm phim lịch sử của ta càng trở nên cấp thiết như một cách tự vệ và đối trọng văn hóa.

Ảnh trong bài: Một số cảnh trong các phim lịch sử.

Tuy nhiên, làm phim lịch sử không dễ, vì ít người xem nhưng đầu tư rất tốn kém nên khó thu hồi vốn. Ngoài ra,  khi làm phim lịch sử những nhà sản xuất còn gặp  nhiều trở ngại, khó khăn  khác nữa. Trở ngại lớn thứ nhất là khó khăn trong việc tìm kiếm bối cảnh cho phim lịch sử vì cuộc sống hiện nay biến đổi rất nhiều, không dễ tìm ra những khung cảnh phù hợp cho phim lịch sử. 

Rồi đạo cụ, phục trang… cho phim cũng rất khó làm, khó phục dựng vì chúng ta có rất ít hình ảnh lưu trữ về những giai đoạn lịch sử, nhất là với cổ sử. Đạo cụ trong phim phải thật, đúng với giai đoạn lịch sử, không giả tạo. Và việc đầu tư cho phục trang, đạo cụ phim lịch sử là vô cùng tốn kém. 

Việc làm phim lịch sử, theo nghệ sĩ Thế Anh, thì Nhà nước phải đứng ra lo liệu, chứ một cá nhân, một nhà làm phim tư nhân, không làm nổi. Lâu nay, Nhà nước vẫn chủ trương và ưu tiên làm phim lịch sử  nhưng chưa có tác phẩm xứng tầm, chưa sâu và hay. Để thành công với phim lịch sử, cần nhiều yếu tố, trong đó có hai yếu tố quyết định là người làm nghề giỏi và kinh phí đầu tư.

Nhà nước từng đầu tư  hàng chục tỷ đồng vào những phim  lịch sử nhưng phim làm ra vẫn không bán nổi vé, không thu hút người xem. Chỉ có một vài bộ phim coi được thì cất vào kho, lâu lâu mới đem ra chiếu khi có ngày lễ kỷ niệm. Tình cảnh đó thật đáng buồn! Đầu tư kinh phí lớn như thế mà chất lượng phim vẫn dở, không tương xứng, là do đâu?. 

Đức Khôi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh