CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:13

Phim chiến tranh giữa thời bình

.*Tái hiện những ký ức hào hùng

Gần đây, đã có thêm nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh giải phóng tiếp tục được các đạo diễn thực hiện trong điều kiện kinh phí hạn hẹp như: Đường Hồ Chí Minh trên biển (dài 40 tập, đạo diễn Đinh Thái Thụy, Hồ Ngọc Xum), Huyền thoại 1C (dài 20 tập, đạo diễn Thanh Vân thực hiện, kịch bản: Đoàn Minh Tuấn, Anh Động), Chiến hạm nổ tung (đạo diễn: Nguyễn Chí Thành - NSƯT Khương Đức Thuận, kịch bản: đại tá Nguyễn Xuân Hải, cố vấn nghệ thuật: đạo diễn Long Vân), Nếu anh còn được sống (đạo diễn Lê Ngọc Linh, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Lê), Những người viết huyền thoại (tác giả: Nguyễn Anh Dũng, Trần Thế Thành, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), Mùi cỏ cháy (đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm, dựa theo cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc), “Đường lên Điện Biên” đạo diễn Bùi Tuấn Dũng...

Để có những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trong điều kiện nền điện ảnh nước nhà gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các nhà làm phim đã phải cố gắng rất nhiều. Có thể nói, các đạo diễn hiện nay đã góp phần thắp lên hy vọng từ các thế hệ làm điện ảnh đi trước, về một đội ngũ làm điện ảnh trẻ đang nuôi lòng nhiệt huyết, tin yêu, tận tâm cống hiến với dòng phim mà giới điện ảnh là dòng “phim cách mạng, phim chính luận”.

Ghi nhận là như vậy, nhưng so với chiều dài đấu tranh để có hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước, thì các bộ phim được sản xuất gần đây vẫn chưa thể khắc họa hết những năm tháng hào hùng ấy. Cách đây 10 năm khi bộ phim “Đường thư” được công chiếu rộng rãi tới công chúng, người trong nghề đã có những đánh giá khá lạc quan về sự tiếp nối của những người làm điện ảnh trẻ với thể loại phim về chiến tranh cách mạng. “Đường thư” do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện, kể về sự hy sinh thầm lặng và đau thương của những chiến sĩ quân bưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bộ phim là một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh, không đua tranh với những tác phẩm điện ảnh khác thuộc đề tài này về sự hoành tráng của những chiến dịch, những trận đánh lớn. Ê kíp làm phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh qua những bức thư gửi về hậu phương, qua cảm nhận của người lính trẻ.

 Còn ở phim “Mười ba bến nước” của đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền lại mang một sắc thái khác, bởi đây là một bộ phim về chiến tranh nhưng không hề có tiếng đại bác, xe tăng, khói lửa, không có máu rơi, không có cảnh chết chóc nơi chiến trường. Đó là một cuộc chiến của số phận người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh, chịu sự ảnh hưởng của di chứng chiến tranh. Thân phận đàn bà như trôi qua 12 bến nước và dừng lại ở bến nước thứ 13 - cái bến tuyệt vọng đến cùng cực, dù trong bi kịch vẫn giữ trái tim tràn đầy khát vọng yêu, khát vọng sống...Và còn rất nhiều, rất nhiều bộ phim khác của các thế hệ đạo diễn, trong đó có những đạo diễn trẻ chỉ biết đến chiến tranh qua những thước phim, tác phẩm văn học và lịch sử, nhưng cách thể hiện cũng đã mang đến cho khán giả sự xúc động thực sự.

*Khao khát “chạm đến trái tim khán giả”

Trong số những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam thực hiện gần đây, một số bộ phim đã  khắc họa khá chân thực, xúc động và nhân văn về những năm tháng hào hùng trong chiến tranh của quân và dân ta. Thế nhưng cũng có những phim thực hiện chưa đạt, chưa “chạm đến trái tim khán giả” như của các đạo diễn những thập niên 60-80 của thế kỷ trước. Đó cũng là một thực trạng đáng buồn của điện ảnh Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Cố NSND Hải Ninh đến giờ vẫn được coi là đạo diễn phim chiến tranh giải phóng hàng đầu của Việt Nam. Một trong những thành công của ông là sự trải nghiệm thực tế khi bắt tay làm phim, bởi  gần như cả cuộc đời ông đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng không phải đạo diễn nào làm phim chiến tranh cũng được trải nghiệm thực tế như vậy. Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn, tác giả kịch bản bộ phim truyền hình Huyền thoại 1C (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) cho biết, điểm hạn chế của phim chiến tranh Việt Nam là thiếu tính trải nghiệm, triết lý, mà đơn thuần chỉ là mô tả lại những cuộc chiến. Không ít bộ phim bị khán giả chê vì không khí, cảnh chiến đấu giả tạo. “Đa số các đạo diễn ở ta vẫn còn dàn dựng cảnh chiến đấu sơ lược, không có khả năng dàn dựng những trận đánh lớn, có sự phối hợp của nhiều bình chủng... nên thiếu sức thuyết phục cũng là điều dễ hiểu”-Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận xét.

Cảnh trong một số bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam.

Một trong những yếu tố góp phần tạo nên bộ phim về đề tài chiến tranh hấp dẫn là những cảnh quay, hiện nay một số quay phim không thực hiện cảnh quay theo điểm nhìn của nhân vật - người đang tham gia chiến đấu, vì thế gây cho người xem có cảm giác đang đứng ngoài chứ không phải trong cuộc chiến. Bên cạnh đó, trang phục trong phim chiến tranh cũng là yếu tố cần phải chân thực, “Không thể bước vào cuộc chiến, giữa hai làn đạn mà quần áo vẫn phẳng ly, còn nguyên mùi hồ mới... Ngoài khả năng diễn xuất, diễn viên cũng phải tạo hình tượng chân thực, như da phải đen, cháy nắng cho thấy sự ác liệt của chiến tranh..”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận xét: “ Chúng ta đang làm phim về chiến tranh cách mạng Việt Nam trong điều kiện không... có gì trong tay! Trước đây, việc “mượn” các phương tiện khí tài quân trang, quân dụng kể cả bộ đội tham gia còn dễ, nhưng sau này càng trở nên khó khăn. Làm phim chiến tranh tốn kém rất nhiều lần so với phim bình thường, trong khi kinh phí cho phép thường có hạn, nên những người thực hiện đành phải “giật gấu vá vai”, cố gắng làm sao thể hiện tốt... tinh thần của bộ phim là chính”. Cũng theo bà Ngát, các đạo diễn khi đã làm phim, ai cũng khao khát bộ phim của mình sẽ truyền tải tốt nhất thông điệp và làm lay động trái tim khán giả. Tuy nhiên, năng lực đạo diễn, kinh phí dành cho làm phim đang là những trở ngại không dễ tháo gỡ.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, bộ phim hay là phim mà người xem có thể yêu thích nhân vật chính, tự hào về họ và khơi gợi những cảm xúc khiến người xem trân trọng những thế hệ đã đổ xương, đổ máy vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, giữa thời bình, phim đề tài chiến tranh không đủ sức hấp dẫn và không còn cần thiết. Suy nghĩ đó có phần phiến diện. Bởi thực tế cho thấy, nhiều bộ phim chiến tranh nổi tiếng thế giới lại được làm giữa thời bình và mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc và có sức lay động lòng người. Hơn nữa, phim chiến tranh đặc biệt đề cao lòng yêu nước, ý chí quyết hy sinh tất cả để giành độc lập tự do cho dân tộc, sẽ là bài học lịch sử quý giá cho thế hệ tương lai.

Cần lắm những thước phim chiến tranh! Đó là khẳng định của không ít bạn trẻ khi chúng tôi làm một cuộc điều tra nho nhỏ với các bạn sinh viên các trường Đại học tại Hà Nội về phim chiến tranh Việt Nam.

Đa phần các bạn đều cho rằng, không thể thiếu phim chiến tranh, dù là thời chiến hay thời bình, bởi giá trị nhân văn trong những bộ phim sẽ là những bài học lịch sử, giáo dục có giá trị nhất. Và điều mà công chúng cần vẫn là những thước phim sống động, chân thực và có thông điệp rõ ràng đến với thế hệ trẻ. 

Minh Vũ- Lâm Nguyễn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh