Phim bom tấn: Liệu có là “cây đũa thần cho du lịch Việt Nam?
- Văn hóa - Giải trí
- 12:45 - 20/03/2016
Không được tận dụng
Những ngày qua, thông tin, hình ảnh xung quanh đoàn làm phim “Kong: Skull Island” quay tại một số địa danh của Việt Nam đã gây sự chú ý đặc biệt đối với dư luận, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đây là bộ phim được kỳ vọng trở thành bom tấn của Hollywood vào năm 2017, do vậy, không ngoa khi nói rằng đây là “cơ hội vàng” để thế giới nhắc đến Việt Nam và biết đến những cảnh đẹp của Việt Nam qua bộ phim.
Một chuyên gia du lịch nhận xét, những việc mà ngành du lịch đang làm để quảng bá, xúc tiến du lịch ở khắp nơi, có lẽ còn thua xa sức lan tỏa của thông tin đoàn làm phim Kong: Skull Island đến Việt Nam. Chính đoàn làm phim sẽ khiến hàng triệu độc giả trên thế giới say mê với bộ phim, đồng thời biết đến những phong cảnh tuyệt đẹp của Việt Nam qua những thước phim. Lời nói và hình ảnh của những diễn viên nổi tiếng và đoàn làm phim sẽ có sức lan tỏa hơn hàng nghìn tờ rơi, clip quảng bá du lịch...
Thực tế, câu chuyện du lịch được quảng bá miễn phí và hưởng lợi từ phim ảnh đã trở nên quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lịch sử từng có những ví dụ phi thường về việc phim ảnh trở thành công cụ quảng bá hiệu quả cho du lịch. Sau khi tác phẩm Roman Holiday ra mắt vào năm 1953, thành Rome đã trở thành điểm đến của hàng ngàn người ngưỡng mộ cặp đôi Audrey Hepburn và Gregory Peck. Hay như bộ phim “Lord of the Rings” với bối cảnh đẹp mê hồn đã thật sự biến New Zealand thành địa điểm du lịch “phải đến một lần trong đời” đối với không ít khán giả. Rất nhiều người biết đến đảo Hawoai khi xem bộ phim “Công viên kỷ Jur a” hay qua bộ phim “Điệp viên 007”, người ta biết đến nhiều địa danh du lịch của Thái Lan, ..
Đoàn làm phim Kong: Skull Island đang khai sáng các địa danh tại Quảng Bình.
Ngay tại nước ta, trước đây cũng từng có nhiều bộ phim nước ngoài chọn danh lam thắng cảnh của Việt Nam để quay phim như “Đông Dương”, “Người tình”, “Người Mỹ thầm lặng”... Gần đây nhất, bộ phim bom tấn của Hollywood "Pan và vùng đất Neverland" cũng đã chọn thắng cảnh Tam Cốc - Ninh Bình, Hang Én, vịnh Hạ Long - Quảng Ninh làm bối cảnh trong phim. Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc lại hiệu ứng đặc biệt mà những bộ phim như “Đông Dương”, “Người tình” đem lại cho du lịch cách đây hơn chục năm khi lượng khách châu Âu đến Việt Nam tăng đột biến. Nhiều du khách hạng sang đặt cho bằng được phòng 208 của khách sạn Hạ Long 1 mà ngôi sao của bộ phim - Catherine đã ở.Đáng tiếc là sau đó sức hút của những địa danh này dần giảm sút cùng với dư âm của bộ phim vì sự thiếu quan tâm đầu tư của cơ quan chức năng.
Cần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Trong những năm gần đây, lãnh đạo của Cục điện ảnh và Tổng cục Du Lịch đã có tư duy cởi mở hơn trong vấn đề quảng bá du lịch qua phim ảnh. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch từng nhiều lần phát biểu, sẽ trải thảm đỏ đón các đoàn phim nước ngoài. Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục điện ảnh cũng tuyên bố, Cục luôn quan tâm đến việc quảng bá hình ảnh đất nước và hợp tác quốc tế. Nhìn chung, đó là những tín hiệu tích cực rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bà Ngô Phương Lan cũng cho rằng, việc Hollywood đến quay ở Việt Nam là cơ hội lớn nhưng không phải là tất cả. Không phải chỉ một vài cảnh quay là hình ảnh Việt Nam ngay lập tức gây ấn tượng. Vì vậy, nếu thật sự muốn quảng bá du lịch Việt Nam, chúng ta cần có chiến lược dài hơi. Trước mắt, phải có tư duy thông thoáng và thủ tục nhanh gọn để thu hút các nhà làm phim. Kế đến, phải tạo điều kiện tối đa cho đoàn làm phim trong quá trình ghi hình. Và cuối cùng, hãy chờ ngày công chiếu và… cầu cho phim ăn khách.
Thực tế, nếu chỉ kỳ vọng và chờ đợi thôi chưa đủ. Ngành du lịch Việt Nam phải xem đây là cơ hội tốt nhất để nắm bắt, chủ động trong quảng bá. Mặc dù tại buổi họp báo ở Hà Nội diễn ra trước đó, đạo diễn phim đã hứa sẽ đưa nhiều cảnh quay ở Việt Nam lên phim và trên trailer (phim quảng cáo) của bộ phim này nhưng việc quảng bá cho du lịch Việt không phải trách nhiệm của họ. Đã có nhiều địa danh của Việt Nam xuất hiện trên các phim của Pháp, Mỹ nhưng hiệu ứng quảng bá du lịch không cao bởi thiếu sự nắm bắt cơ hội để đầu tư, gắn kết với phim nhằm quảng bá, xúc tiến du lịch của ngành du lịch Việt Nam.
Để tận dụng được “cơ hội vàng” này, thiết nghĩ ngoài việc cần nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng phục vụ du lịch, ngành du lịch cần phối hợp với địa phương tạo thêm những “cú hích” khác như chiến dịch quảng bá và đầu tư dài hơi đối với những địa danh và con người gắn với đoàn làm phim. Như vậy, du lịch mới có thể được hưởng lợi lâu dài và du khách mới đến thăm những địa danh nổi tiếng của Việt Nam ngay cả khi những bộ phim bom tấn đã “nguội”.