Từ phim “Đông Dương” đến "King Kong": Vịnh Hạ Long có phung phí cơ hội?
- Văn hóa - Giải trí
- 15:10 - 28/02/2016
Tuy nhiên, phim trường chẳng bao lâu đã biến mất trong sự tiếc nuối của những người làm du lịch và những du khách tìm đến sau khi xem bộ phim; thậm chí đến nay nhiều du khách quốc tế đến Hạ Long vẫn hỏi về phim trường đó.
Trung tuần tháng 3 tới, đoàn làm phim “King Kong” sẽ có 2 ngày quay phim trên vịnh Hạ Long. Sẽ không có phim trường, nhưng vẫn có thể biến vị trí quay thành một điểm du lịch hấp dẫn sau này. Liệu vịnh Hạ Long có bị phung phí cơ hội lần nữa?
Phim trường Vụng Oản
Bộ phim “Đông Dương” được quay tại nhiều địa điểm ở Việt Nam và Malaysia, nhưng chỉ có một phim trường được dựng trên vịnh Hạ Long. Vụng Oản (tên được đặt theo những núi đá giống cái oản) được đạo diễn Regis Wargnier chọn ngay bởi gần bờ, yên tĩnh, phong cảnh đẹp và có các bãi để dựng phim trường. Khi ấy, tại đây chỉ có 2 xưởng làm nước mắm nhỏ của một công ty thủy sản; thấp thoáng giữa những đảo đá gần đó là những con thuyền buồm nâu dạng cổ của ngư dân…
Hàng ngày, những con tàu chở đoàn làm phim từ bến phà Bãi Cháy cũ (đối diện với khách sạn Vân Hải hiện nay) ra Vụng Oản để đóng phim. Các diễn viên Pháp tạm trú ở các khách sạn bên Bãi Cháy, trong đó nữ diễn viên Catherine Deneuve ở khách sạn Hạ Long 1, phòng 208 - được thiết kế lại theo yêu cầu của bà.
Các diễn viên quần chúng là những ngư dân, công nhân của Cty Xây dựng thủy lợi ở huyện Hoành Bồ - đơn vị được thuê dựng phim trường. Ngoài ra, hơn 100 thuyền đánh cá cổ của ngư dân cũng thường xuyên được sử dụng cho hậu cảnh. Đoàn làm phim còn mua một chiếc thuyền đánh cá và con thuyền bị đốt cháy trong phim “Đông Dương”, đoạn quay ở Malaysia, chính là con thuyền này.
Khi đó, ông Nguyễn Văn Sóng là một trong 5 thành viên của một gia đình tại Hạ Long vừa phiên dịch tiếng Pháp, vừa trực tiếp tham gia giúp việc cho đoàn làm phim. Từ một người làm những công việc vặt ban đầu, như nấu ăn cho đoàn, liên hệ mua gỗ, sắt… về dựng phim trường, nhờ uy tín, sau đó ông được thuê vác máy, đặt máy quay. “Vì thế, hàng ngày tôi được tiếp xúc với đạo diễn, các diễn viên, đặc biệt là siêu sao Catherine Deneuve. Đó là một phụ nữ vô cùng xinh đẹp, đài các…” - ông Sóng nhớ lại.
Tuy nhiên, bước sang ngày quay thứ 2 thì gặp sự cố - cả phim trường đổ sập, khiến hàng trăm người, gồm cả diễn viên chính và các diễn viên quần chúng rơi hết xuống biển, nhưng may không ai bị thương nặng.
“Phải mất gần một tuần làm cả ngày đêm mới dựng lại được phim trường. Khi đó thủy triều đã xuống thấp, nên cảnh quan đã thay đổi, không phù hợp với kịch bản, mà đợi thủy triều trở lại như cũ thì phải mất một tháng nữa. Vì thế, đoạn quay tại vịnh Hạ Long trên phim không dài như kịch bản ban đầu” - ông Sóng kể.
Không tính thời gian khảo sát, dựng phim trường, thời gian quay chính tại Vũng Oản là khoảng 1 tháng (tháng 4.1991). Ngoài Vũng Oản, tại Quảng Ninh, phim còn có một cảnh quay tại cảng rót than cây số 5, Cẩm Phả. Sau vịnh Hạ Long, đoàn còn quay tại chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây cũ), Đại nội Huế…
Năm 1992, phim “Đông Dương” chính thức được công chiếu và đến năm 1993, “Đông Dương” đoạt giải Oscar cho phim ngoại ngữ hay nhất, siêu sao Catherine Deneuve đoạt giải Cesar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, đồng thời được đề cử giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Có nên khôi phục phim trường?
Thời điểm này, du lịch vịnh Hạ Long ở thời kỳ sơ khai, với một tuyến duy nhất, từ bến phà Bãi Cháy cũ đi ngang qua Vũng Oản ra hang Bồ Nâu, Trinh Nữ.
“Đông Dương” được công chiếu, lượng khách quốc tế, nhất là khách Pháp đến thăm vịnh Hạ Long thăm đột biến. Đặc biệt, nhiều khách hạng sang đặt cho bằng được phòng 208 của khách sạn Hạ Long 1 mà siêu sao Catherine đã ở. Có một câu chuyện buồn liên quan tới phòng 208 mà đến tận bây giờ người ta vẫn nhắc lại, liên quan đến văn hóa ứng xử. Một cặp vợ chồng người Pháp đang ở phòng 208 trong tuần trăng mật thì bị khách sạn đòi phòng bằng được do sức ép của một quan chức lớn từ Hà Nội xuống đòi ở phòng đó.
Chị Đào Thị Cúc - năm 1991, vừa là nhân viên khách sạn Hạ Long 1, vừa tham gia vai quần chúng trong phim - cho biết, sau khi phim ra mắt, hầu hết khách Mỹ và Âu thăm vịnh Hạ Long đều ghé thăm phim trường Vụng Oản.
Tuy nhiên, phim trường ngày một xuống cấp, rồi mất hẳn vì không ai trông coi, tu bổ. Bến tàu du lịch được chuyển sang vị trí khác; một số tuyến du lịch mới ra đời sau khi thêm nhiều hang động mới được phát hiện, khiến phim trường Vũng Oản ngày một bị lãng quên, dù khách quốc tế vẫn nhắc đến.
“Cho đến bây giờ, nhiều du khách vẫn hỏi về phim trường đó, nhưng tôi chỉ có thể chỉ cho họ vị trí phim trường trên bản đồ” - chị Cúc nói.
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Sóng vẫn làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Ông bảo, mỗi dịp tàu đi ngang qua Vụng Oản, trong hành trình đi Bái Tử Long, ông vẫn giới thiệu cho du khách về phim trường.
“Có du khách nói với tôi là họ đã xem phim “Đông Dương” và muốn ghé thăm phim trường, nhưng cũng có khách sau khi nghe tôi giới thiệu về phim trường thì nói sẽ về tìm để xem phim. Có những lần ngủ đêm trên vịnh, tôi mở phim “Đông Dương” để du khách cùng xem” - ông Sóng tâm sự.
Vụng Oản giờ đây chẳng khác nào đảo hoang cho dù vẫn còn nhà hàng trên đó với cái tên gắn với phim trường “Đông Dương”, nhưng vắng tanh khách. Những người làm du lịch chuyên nghiệp cứ mãi xuýt xoa về một điểm du lịch lý tưởng bị chối bỏ, trong khi chính quyền địa phương cứ mải đi lập đề án, dự án phát triển điểm du lịch mà vẫn chưa thành công.
Theo ông Sóng, hoàn toàn có thể dựng lại phim trường phim “Đông Dương” bởi nó không quá cầu kỳ và tốn kém.
Một phim trường cùng những câu chuyện của những người từng tham gia phục vụ đoàn làm phim chắc chắn sẽ biến Vũng Oản thành một điểm du lịch đầy hấp dẫn.
Đừng bỏ lỡ cơ hội
Theo kế hoạch, đoàn làm bộ phim “bom tấn “Kong: Skull Island” sẽ có 2 ngày quay phim trên vịnh Hạ Long, từ 16 - 17.3.2016. Vị trí quay chưa được tiết lộ, nhưng đoàn sẽ không dựng phim trường tại đây như phim “Đông Dương”, mà chỉ dựa vào cảnh quan tự nhiên của vịnh Hạ Long.
Tuy nhiên, đây vẫn là cơ hội để vịnh Hạ Long có thêm một điểm đến tuyệt vời cho du khách và sẽ thật đáng tiếc, đáng trách nếu tiếp tục chối bỏ thêm một cơ hội quý giá cho sự phát triển của du lịch vịnh Hạ Long.
Ông Hà Quang Long - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ninh - cho biết cũng đang tính toán đến yếu tố này, để phát huy tối đa hiệu ứng sau khi “Kong: Skull Island” được công chiếu, trong đó có những cảnh quay trên vịnh Hạ Long.
Ngoài hiện trường cảnh quay thì nên có những ảnh, video clip hậu trường phim để minh họa và làm cho hiện trường có sức sống hơn. Vấn đề là, làm thế nào để có những tư liệu đó bởi việc tiếp cận hiện trường khi đoàn làm phim đang quay là một điều không tưởng, nhằm đảm bảo tính bảo mật của bộ phim trước khi công chiếu?
Theo ông Nguyễn Văn Sóng, khi diễn viên người Pháp gốc Việt - Phạm Linh Đan -đóng vai Camille trong phim “Đông Dương”, bố mẹ cô được phép đi theo đoàn làm phim và quay các cảnh hậu trường, theo một hợp đồng “chỉ được công bố hình ảnh sau khi phim được công chiếu”.
“Hậu trường phim và phim trường qua máy quay của gia đình cô Phạm Linh Đan rất đẹp. Không rõ đoàn làm phim có chụp ảnh hậu trường hay không, nhưng nếu có, kết hợp với hình ảnh quay được của gia đình cô Linh Đan, có thể làm thành tư liệu thuyết minh tốt khi dựng lại phim trường phục vụ du lịch” - ông Sóng chia sẻ.
Có thể sẽ rất khó để có một hợp đồng tương tự với đoàn làm phim “King Kong”. Nhưng, nếu không được, có thể đặt hàng họ trước: cung cấp video clip hoặc hình ảnh hậu trường sau khi phim công chiếu.
Liệu Quảng Ninh có thêm một lần nữa chối bỏ cơ hội “vàng” mà người khác đem đến miễn phí để phát triển du lịch, hay chỉ thụ động chờ đợi sức lan tỏa của bộ phim?