CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Phi hình sự hóa mại dâm không có nghĩa là hợp thức hóa mại dâm

Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tệ nạn mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, pháp luậtchính sách ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có liên quan đến (phòng, chống) mại dâm rất đa dạng và khác nhau. Mặc dù một số quốc gia đã thực hiện việc phi hình sự hóa mại dâm và cho thấy hiệu quả rõ rệt khi quản lý tốt hơn vấn đề này, nhưng vấn đề hợp pháp hóa mại dâm vẫn gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.

Một số nghiên cứu cho thấy tại New Zeland, trước năm 2003 mại dâm là bất hợp pháp, các hoạt động liên quan đến mại dâm là tội hình sự, tất cả các hành vi quảng cáo mại dâm, chứa mại dâm, bán dâm, mại dâm đường phố… đều bị xử phạt. Vậy nên hoạt động mại dâm diễn ra chủ yếu trá hình dưới nhiều hình thức tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Tình trạng bất hợp pháp của hoạt động mại dâm đã tạo ra điều kiện rất dễ bị tổn thương của người bán dâm đối với việc bị ép buộc, bị bóc lột bởi chủ chứa, người dẫn dắt, môi giới và khách mua dâm. Tình trạng này có chiều hướng phức tạp, không kiểm soát được do hầu hết người bán dâm không dám khai báo và tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng.

Đặc biệt, tỉ lệ lây nhiễm cao các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS trong nhóm người bán dâm do thiếu kỹ năng và khả năng đàm phán về hành vi tình dục an toàn với khách mua dâm, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, không dám nói về tình trạng sức khỏe của bản thân, sợ tiếp cận với các cơ sở chăm sóc y tế…

Phi hình sự hóa mại dâm tạo môi trường an toàn hơn để bảo vệ người bán dâm.(Trong ảnh: Người bán dâm được học nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội).       Ảnh Chu Lương

Từ năm 2003, Luật Cải cách về mại dâm đã được New Zeland thông qua và mại dâm đã được phi hình sự hóa. Mục đích của Luật Cải cách mại dâm năm 2003 là tạo ra một khuôn khổ cho việc bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy phúc lợi, sức khỏe và an toàn của người bán dâm; xác định vai trò cụ thể cho y tế công và cán bộ y tế; xác định trách nhiệm cho người tổ chức bán dâm, người bán dâm và khách hàng; các khoản tiền phạt và truy tố nếu có vi phạm về sức khỏe và an toàn; cấm mua bán dâm với người dưới 18 tuổi. Chính phủ cũng tổ chức các hệ thống hỗ trợ những người bán dâm về kiểm tra sức khỏe, an toàn và hỗ trợ những người muốn rời bỏ nghề này.

Khi luật được triển khai, New Zeland từng bước được ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội so với trước đây khi để người bán dâm hoạt động tràn lan không thể kiểm soát được. Các án hình sự về mại dâm được kéo giãn rõ rệt, việc lây truyền qua đường tình dục thông qua các hoạt động mại dâm được kiểm soát chặt chẽ; không có bằng chứng về sự bùng nổ của ngành công nghiệp tình dục hoặc gia tăng số lượng lao động tình dục ở New Zeland. Phi hình sự hóa mại dâm cũng đã không dẫn đến tha hóa đạo đức như một số dự đoán.

Thực tế tại Việt Nam, sau khi Nghị quyết 24/2012 của Quốc hội về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013), người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính và không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, không bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Điều này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội về việc quản lý người bán dâm.

Tuy nhiên, trên thực tế tình hình tệ nạn mại dâm luôn có chiều hướng tăng. Theo Bộ LĐ-TB&XH, số người bán dâm có hồ sơ quản lý hiện nay là 11.240 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình. 

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh