THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:12

"Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và Quốc tế"

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu quan trọng của diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TP. Hồ Chí Minh sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.

"Phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và Quốc tế" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London (Anh) là 42%, tại Thượng Hải (Trung Quốc) là 27% và tại Singapore là 29%.

"Điều đó cho thấy, mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trãi qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, thành phố đã có khát vọng trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại thành phố.

Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định, việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do thành phố có điểm xuất phát thấp. Trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ; bình quân cứ 5 năm dân số thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur (Malaysia) là 143%, tại Bangkok (Thái Lan) là 120% và tại Manila (Philippines) là 92%…

Vì vậy, theo ông Phong, những điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.

"Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong đánh giá.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định, "những hạn chế đó không làm thành phố chùn bước mà càng thôi thúc thành phố mơ ước và khát vọng cao hơn, đó là khát vọng mãnh liệt để thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn".

Hơn nữa, theo ông Phong, khi thành phố tiến lên thì các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. "Do vậy, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Thông qua Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định thành phố mong nhận được các góp ý của các diễn giả đối với việc phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

"Ngoài 5 yếu tố cốt lõi của Trung tâm tài chính đã đề ra trong Đề cương là môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương, thành phố hy vọng quý vị tiếp tục phân tích, làm rõ hơn nội lực của thành phố hiện nay, đồng thời giúp thành phố tìm con đường ngắn nhất để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Phong cho biết.

Bên cạnh đó, thành phố cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp thành phố thực hiện thành công Đề án, đây còn là cơ sở quan trọng để thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.

Theo kế hoạch, ngoài phiên khai mạc, HEF 2019 có 04 phiên thảo luận song song với các chủ đề: TP. Hồ Chí Minh hướng tới Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế: Hiện trạng, mục tiêu và lộ trình thực hiện; Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và hình thành một số Trung tâm tài chính quốc tế; Hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của một Trung tâm tài chính quốc tế; Định hướng chính sách quốc gia và vai trò của chính quyền Thành phố để xây dựng TP. Hồ Chi Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.



PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh