THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 07:15

Phát triển nhân lực Logistics, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc.

Mục tiêu của Diễn đàn nhằm chia sẻ các mô hình và kinh nghiệm của Việt Nam và Ốt-xtrây-li-a trong phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics, giúp học viên có đủ năng lực và sẵn sàng thích nghi trong kỷ nguyên số; xác định những thách thức và đề xuất các chính sách, giải pháp để đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại Việt Nam, trong đó tập trung vào các vấn đề: thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và tham gia phát triển kỹ năng, chuyển đổi số và đẩy mạnh hoà nhập trong GDNN. Hơn 200 đại biểu tham dự Diễn đàn đến từ các cơ quan, tổ chức đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và Logistics từ Ốt-xtrây-li- a, Việt Nam và khu vực ASEAN.

Hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Với chỉ số tăng trưởng từ 14-16%, logistics là một trong số các ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hoá đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.

Phát biểu khai mạc tại Diễn dàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Tại Việt Nam, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế. Với tốc độ bình quân từ 14 - 16% và quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam. Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực, trong đó, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Vì vậy, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a trong việc phát triển nguồn nhân lực với sự tập trung hỗ trợ hoàn thiện chính sách cho lĩnh vực GDNN.

Ngài Andrew Goledzinoski, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics

Ngài Andrew Goledzinoski, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics

Chia sẻ tầm nhìn về phát triển lực lượng lao động logistics, ngài Andrew Goledzinoski, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam cho biết: “Chính phủ Ốt-xtrây-li-a và Việt Nam cùng nhau hợp tác đảm bảo cho Việt Nam có một hệ thống GDNN hiệu quả, bền vững để đào tạo đội ngũ lao động được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cho tương lai. Ốt-xtrây-li-a có một hệ thống GDNN rất phát triển và việc phát triển kỹ năng lao động ngành logistics rất cần thiết cho những quốc gia có hệ thống cung ứng lớn như Việt Nam. Vậy nên chúng tôi tập trung vào ngành logistics và đã giúp Việt Nam đưa các doanh nghiệp, chính phủ và các cơ sở GDNN lại gần nhau nhằm giúp sinh viên phát triển những kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp”.

Chính phủ Việt Nam hiện ưu tiên đẩy mạnh lĩnh vực GDNN nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều sự thay đổi trong GDNN, lĩnh vực này vẫn còn một chặng đường để cung cấp một đội ngũ lao động chất lượng cao đủ cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam, tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập cao.

Quang cảnh diễn đàn

Quang cảnh diễn đàn

Theo ông Vũ Ninh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC): “Thông qua chương trình Aus4Skills, Ốt-xtrây-li-a đã hỗ trợ lĩnh vực GDNN ở Việt Nam thành lập Hội đồng LIRC, là một mô hình chưa từng có ở Việt Nam do doanh nghiệp dẫn dắt, giúp đưa ra những dự báo về kỹ năng nghề, cung cấp các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đóng góp vào việc xây dựng các khoá đào tạo mới cho giảng viên và học viên các trường nghề”.

Logistics là một ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động. “Sự kết nối và nắm bắt thông tin kịp thời của thị trường thông qua Hội đồng LIRC giúp cho các cơ sở GDNN thiết kế chương trình đào tạo cập nhật. Điều này giúp thu hút sinh viên tham gia các khoá học logistics nhiều hơn, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” - bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói.

Ông Lưu Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng hàng hải I cho biết mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu: “Kể từ khi tham gia vào chương trình Aus4Skills vào năm 2020, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo giảng viên và thí điểm hai mô-đun giảng dạy mới. Hầu hết các sinh viên tham gia khoá đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao. Việc áp dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hiện và đánh giá (CBTA) của dự án giúp tăng số lượng sinh viên đăng ký học một cách rất ấn tượng”.

Thông qua chương trình Aus4Skills, Ốt-xtrây-li-a đã chia sẻ các phương pháp và bài học về GDNN nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng một mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt, được thiết kế phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Mô hình này đã được ứng dụng cho các lĩnh vực khác nhằm tăng cường năng lực nguồn nhân lực cho Việt Nam.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận với hai nội dung lớn, đó là: (1) Mô hình GDNN do doanh nghiệp dẫn dắt: tiềm năng cho ngành Logistics và tính hòa nhập; (2) Chuyển đổi số trong GDNN và mối liên hệ đến tính bao trùm và ngành Logistics

Các đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn

Các đại biểu quốc tế tham dự diễn đàn

Giới thiệu về dự án “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp ngành Logistics với Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam”

Thông qua chương trình Aus4Skills, Australia đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngành logistics, một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh và mạnh mẽ nhất của Việt Nam. Mục tiêu chính của chương trình là đảm bảo sinh viên tốt nghiệp trường nghề đáp ứng yêu cầu về kỹ năng hiện tại và trong tương lai, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Trong Giai đoạn 1 (2017-2021), Aus4Skills đã thí điểm trong lĩnh vực GDNN ở Việt Nam một mô hình phát triển kỹ năng nghề do doanh nghiệp dẫn dắt có chất lượng cao, mang tính bền vững, bao trùm và có thể nhân rộng, nhằm phản hồi với những thách thức của lĩnh vực GDNN. Qua đó, chương trình đã hỗ trợ thành công việc thành lập Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) vào năm 2017, tạo nên sự liên kết giữa doanh nghiệp, lĩnh vực GDNN và chính phủ giúp tăng chất lượng sinh viên các trường nghề, đáp ứng phù hợp nhu cầu thị trường ngành logistics. Mô hình LIRC đang được nhân rộng ra phía bắc Việt Nam để trở thành một mô hình toàn quốc.

Thành tựu nổi bật (2017 – 2023):

·       Chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở GDNN hợp tác thông qua một cơ chế chủ động và toàn diện để phát triển kỹ năng thông qua Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành logistics (LIRC). Mô hình mới này có thể nhân rộng cho các lĩnh vực khác và hướng tới sự bền vững. Kết quả chính của LIRC gồm:

o   9 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề ngành logistics được cập nhật.

o   Đề xuất 11 chương trình đào nghề nghề ngành logistics trình độ trung cấp, cao đẳng.

o   Gần 200 thoả thuận giữa cơ sở GDNN và  doanh nghiệp được ký kết.

o   Công bố Báo cáo đầu tiên về dự báo kỹ năng nghề ngành logistics.

·       418 cán bộ quản lý GDNN và nhà giáo các trường nghề được nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn phục vụ đào tạo ngành logistics và phương pháp đào tạo và đánh giá dựa trên năng lực (CBTA).

·       222 nhà quản lý GDNN, nhà giáo, đại diện doanh nghiệp logistics  được hưởng lợi từ các hoạt động nâng cao năng lực về số hoá.

·       9753 người học được hưởng lợi từ chất lượng nhà giáo được nâng cao.

·       152 chương trình giảng dạy theo CBTA được phát triển mới hoặc sửa đổi.

·       72 người khuyết tật đã tham gia các hoạt động của Dự án và tính bao trùm được tích hợp xuyên suốt các hoạt động của Dự án.

Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh