THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:37

Phát triển nguồn nhân lực và sinh kế bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4%/năm...

Báo cáo “An sinh xã hội đối với dân tộc thiểu số Việt Nam” cho rằng, hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được đánh giá là khá toàn diện, bao quát các lĩnh vực với khoảng 130 văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, trong đó, có trên 70 chính sách về an sinh xã hội. Chính phủ cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, ưu tiên nguồn lực đầu tư giúp vùng DTTS và miền núi phát triển.

Các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất như tín dụng ưu đãi, khuyến nông lâm ngư, hỗ trợ cây giống, vật nuôi... thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình 30a... đã góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào, hỗ trợ nhiều hộ dân tộc chuyển đổi ngành nghề, nâng cao trình độ canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập. Nhiều hộ gia đình đã có sự thay đổi về chiến lược sinh kế, đa dạng hoá sinh kế theo hướng chuyển từ thuần nông lâm nghiệp sang kết hợp giữa nông- lâm nghiệp và thương mại, dịch vụ.Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, định canh định cư đã giúp cho các hộ DTTS nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. chính sách đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng lao động vùng DTTS. chính sách đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã giúp nhiều hộ dân tộc thoát nghèo, xây dựng nhà cửa, mua sắm tài sản và đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Chính sách ưu đãi về giáo dục đã góp phần tạo cơ hội đến trường cho trẻ em gái DTTS.   Ảnh: Châu Giang 

Giáo dục vùng đồng bào DTTS cũng có tiến bộ rõ rệt nhờ các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa, hỗ trợ gạo, vay vốn ưu đãi, góp phần cải thiện công bằng xã hội trong giáo dục, tăng cơ hội học tập cho trẻ em DTTS, đặc biệt là trẻ em gái. Thành công nhất trong đảm bảo y tế cho vùng DTTS là chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sạch, đảm bảo thông tin đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần cho vùng đồng bào DTTS.

 Nhờ vận hành, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi bình quân mỗi năm đã giảm 3 – 4%. Tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, tỷ lệ nghèo đã giảm mạnh từ 58,3% vào năm 2010 xuống còn 51,0% năm 2011 và 43,9% năm 2012, giảm 14,4% sau 3 năm. Chương trình 135 giai đoạn II sau khi kết thúc, tỷ lệ nghèo ở những khu vực được hỗ trợ đã giảm 10%, thu nhập của hộ nghèo giai đoạn 2007 – 2012 tăng thêm khoảng 20%.

... Vẫn cần tăng tốc

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu trong quá trình triển khai các chính sách an sinh xã hội, tuy nhiên, hiện nhiều hộ DTTS còn đang sống trong cảnh đói nghèo hoặc tiềm ẩn nguy cơ rơi vào nghèo. Cụ thể, đến cuối năm 2014, tại 64 huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 5,5 lần bình quân cả nước, một số huyện trên 50%, có huyện 60-70% hộ nghèo; tại các xã đặc biệt khó khăn, còn 2.068 xã và hơn 18.000 thôn đặc biệt khó khăn có tỷ lệ nghèo và cận nghèo trên 45%; 77,2% hộ DTTS tập trung ở nhóm nghèo nhất và cận nghèo; các vùng miền núi phía Bắc, Trung bộ và Tây Nguyên là những nơi tập trung đông DTTS nghèo nhất; thành tựu trong giảm nghèo rất khác biệt giữa các nhóm DTTS; nghèo kinh niên còn tồn tại ở một bộ phận đồng bào DTTS, nhất là ở những vùng núi cao.

Theo đánh giá của ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện KHLĐXH, chính sách an sinh xã hội đối với DTTS còn một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách nhiều về số lượng, chồng chéo về nội dung và trùng lắp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng, gây khó khăn trong việc thực hiện và đánh giá hiệu quả, không khuyến khích được người dân tự lực vươn lên thoát nghèo; một số chính sách thiết kế không phù hợp với đặc điểm của DTTS nên không thể thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả; việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách còn chậm, công tác chi trả, hỗ trợ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa phù hợp; bố trí nguồn lực thực hiện một số chính sách còn dàn trải, mức hỗ trợ của nhiều chính sách còn thấp nên tác động chưa cao. Ngoài ra, một số chính sách vừa có nội dung đầu tư kết cấu hạ tầng vừa có nội dung sinh kế và an sinh xã hội, song lại thiếu cơ chế phân bổ nguồn lực có hiệu quả để thực hiện đồng bộ các nội dung trên, dẫn đến quá trình triển khai nguồn lực cho nội dung sinh kế hạn chế.

Để thực hiện thắng lợi, đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng cường an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, Báo cáo “An sinh xã hội đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam” cũng đã đề xuất một số khuyến nghị: Chú trọng hơn vào đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển sinh kế bền vững, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; đảm bảo tập trung và đủ nguồn lực thực hiện; có quy chuẩn/tiêu chuẩn cụ thể về ưu tiên gắn với tính đặc thù của đồng bào dân tộc và đặc điểm vùng miền; phân cấp mạnh cho các địa phương và đề cao trách nhiệm của địa phương; tăng cường xã hội hóa để tận dụng tối đa tất cả các nguồn lực; xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát; định kỳ thực hiện các phân tích, đánh giá sinh kế, rủi ro mới nảy sinh và hiệu quả của chính sách an sinh xã hội...

Thái An/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh