CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:14

Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao: Cần sự kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp

 

Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức.

Chưa chủ động dự báo nhu cầu nguồn nhân lực

Tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kết nối cung - cầu nhân lực là nhu cầu tự thân của các trường đại học và các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dưới sự tác động rất mạnh của cách mạng khoa học công nghệ thì việc kết nối nắm bắt được nhu cầu ngành nghề, yêu cầu kỹ thuật công nghệ, tổ chức đào tạo càng trở nên quan trọng.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan triển lãm trong khuôn khổ Tọa đàm.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay có khoảng 54 cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu đào tạo đại học, sau đại học có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 325 ngành nghề, hàng năm có khoảng một vạn cử nhân tốt nghiệp phục vụ cho các hoạt động khác nhau trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

“So với yêu cầu về số lượng qua đào tạo thì con số này còn khá nhỏ bé. Về chất lượng, khảo sát năm 2018 cho thấy, trong số một vạn sinh viên tốt nghiệp thì khoảng 75% có việc làm đúng theo ngành nghề đào tạo, như vậy vẫn còn 25% nữa làm việc trong những ngành gần hoặc chưa có việc làm hoặc phải đổi nghề”, Bộ trưởng giáo dục cho hay.

Lí giải về tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên nhân là do tính dự báo của một số cơ sở đào tạo còn hạn chế, bị động, vẫn nặng về đào tạo những gì trường có thế mạnh chứ chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu thị trường và kết nối doanh nghiệp; chưa kể nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới đã xuất hiện mà đào tạo chưa theo kịp.

”Ngoài ra, chương trình đào tạo của một số trường chưa sát với thực tiễn, quy trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo chưa thực sự đổi mới, dẫn đến sản phẩm đào tạo chưa thích nghi ngay, doanh nghiệp còn phải mất thời gian để đào tạo thích ứng, đó là vấn đề cần phải đẩy mạnh kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự quan tâm tới sản phẩm đào tạo của chúng ta”, Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo. “Không phải chỉ các trường nông - lâm - ngư nghiệp gói gọn trong 54 cơ sở hiện nay mới đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp. Nhiều ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, bởi từ khâu sản xuất đến khâu chế biến đều có thể ứng dụng công nghệ cao”, Bộ trưởng nói.

Tìm ra mô hình đào tạo nhân lực nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả

Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ cao, cần sự kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp.

 

Để làm được những việc này, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới. Đồng thời tìm ra mô hình đào tạo nhân lực một cách hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Tìm hiểu và có kế hoạch đào tạo củng cố tăng cường năng lực hệ thống dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.

“Việt Nam chúng ta tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết.

Do đó, chúng ta cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Muốn vậy, chúng ta cần thay đổi chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp để có thể thích ứng với sự phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đảm bảo cho nền nông nghiệp nước nhà phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh