THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:06

Phát triển nghề truyền thống để giảm nghèo ở vùng đồng bào Khmer

Nghiên cứu, đánh giá của Khoa Kinh tế và Quản trị Trường Đại học An Giang cho thấy, tiềm năng để cải thiện đời sống cho đồng bào Khmer là rất lớn. Tiềm năng đó, chính là những ngành nghề truyền thống của đồng bào như đan nệm bàng, dệt thổ cẩm, nấu đường thốt ...

Trong đó, nghề dệt thổ cẩm ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên) là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, với những mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng tốt. Lãnh đạo chính quyền địa phương cho rằng, đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm vừa có ý nghĩa phát triển tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, vừa thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.

Hiện nay nhờ có sự hỗ trợ đầu tư của huyện, tỉnh các làng nghề đã hình thành các hợp tác xã với hướng sản xuất quy mô ngày càng được mở rộng. Đây là một trong những mô hình đã, đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân làng nghề dệt thổ cẩm.

Nghề dệt thổ cẩm đang được khôi phục và phát triển.

Nghề dệt thổ cẩm đang được khôi phục và phát triển.

Nghề khai thác và nấu đường từ cây thốt nốt cũng là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Khmer vùng Tịnh Biên, Tri Tôn và cũng rất nhiều tiềm năng triển vọng. Đường thốt nốt là một sản phẩm đặc thù dễ sản xuất, dễ tìm nguyên liệu trong vùng, sản phẩm được thương lái mua ngay tại nơi sản xuất, tiêu thụ mạnh, thu nhập ổn định.

Theo tính toán của một số hộ dân, nếu bỏ ra chi phí khoảng 1,2 triệu đồng/6 tháng/vụ thì doanh thu đạt khoảng hơn 7 triệu đồng  (trừ chi phí) sẽ thu lãi hơn 6 triệu đồng (35.000 đồng/ ngày). Nếu một hộ gia đình có 4 nhân khẩu, với thu nhập từ sản xuất lúa cộng với nguồn thu thêm từ việc đầu tư nấu đường thốt nốt như trên, thì đời sống bà con sẽ được cải thiện rất đáng kể.

Nhận thấy đây là một trong những mô hình giảm nghèo bền vững, hiệu quả nên hiện nay tỉnh đã có định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu để hình thành làng nghề sản xuất đường thốt nốt.

Làng nghề đan nệm bàng ở Ba Chúc (Tri Tôn) đã tạo được thương hiệu từ lâu, với những sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Từ một loài cỏ mọc hoang dại, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Khmer đã làm nên những sản phẩm rất hữu dụng trong đời sống con người.

Đó là những chiếc giỏ xách, cà róp để đựng cơm, cái nóp dùng để ngủ ngoài đồng, cà ron xay, cà ron nhím (giống như những chiếc bao đựng lúa), nón bàng và manh bàng dùng để phơi lúa... Những sản phẩm của làng nghề làm ra được tiêu thụ khá mạnh ở các vùng nông thôn Nam bộ, đem lại nguồn thu nhập thêm khá ổn định cho nhiều hộ gia đình của làng nghề.

Đường thốt nốt được nấu theo phương pháp thủ công truyền thống.Đường thốt nốt được nấu theo phương pháp thủ công truyền thống.

Ngoài việc đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh cũng nhân rộng một số mô hình khác đang phát huy hiệu quả như: Nuôi bò, nuôi cá trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, buôn bán nhỏ...

Đồng thời, địa phương hướng dẫn bà con đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bố trí lại cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng, tiểu vùng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hàng hóa nông sản.

Tỉnh, huyện đưa cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về đứng chân phụ trách từng địa bàn, xây dựng nhiều mô hình kinh tế thí điểm để bà con nông dân đồng bào Khmer học tập. Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến nông, khuyến ngư hướng dẫn thâm canh tăng vụ, cung cấp giống mới năng suất cao, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy trong cộng đồng đồng bào Khmer hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu bằng chính những nghề truyền thống và các mô hình sản xuất, chăn nuôi khác.

Thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào Khmer tăng từ 2,5 triệu đồng – 4,5 triệu đồng/người/năm và từ 2005 đến nay tăng lên khoảng 10 triệu đồng/người/năm.            

VŨ LONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh