Phát triển nghề thuốc nam để đẩy lùi nghèo đói
- Dược liệu
- 19:02 - 10/10/2018
Cây thuốc nam đang giúp người Dao tại Ba Vì thoát khỏi đói nghèo
Cây thuốc nam trở thành động lực phát triển kinh tế
Xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một xã miền núi đặc thù, có đến hơn 98% dân số là người dân tộc Dao sinh sống. Nơi mà chỉ khoảng 10 năm trước đây, cái đói, cái nghèo vẫn luôn bao trùm khắp các thôn xóm. Đến tận những năm 2014 - 2015, xã vẫn con gần nửa là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Có mặt tại xã Ba Vì thời điểm hiện nay, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hình ảnh về những con đường bê tông trải dài. Men theo những vạt rừng dưới chân núi Tản Viên là hàng loạt ngôi nhà mới xây dựng khang trang, sạch đẹp dần thay thế cho những căn nhà dột nát trước đây của đồng bào người dân tộc Dao.
Những ngôi nhà khang trang mới mọc lên trên vùng đất nghèo Ba Vì
Theo người dân địa phương, có được những chuyển biến nhanh chóng như vậy phần lớn là do sự phát triển của nghề làm thuốc nam mang lại.
Dạo quanh thôn Yên Sơn, nơi nổi danh với nghề bốc thuốc nam gia truyền của đồng bào người Dao, trước mắt chúng tôi là một khung cảnh sản xuất, mua bán thuốc tấp nập, những sân phơi rộng lớn chứa đầy cây thuốc. Theo những người dân nơi đây, các sản phẩm thuốc nam của người Dao Ba Vì đã có mặt khắp các tỉnh thành, nhiều người dân trong thôn đã đi tận vào các tỉnh phía nam để bán thuốc.
Chị Lý Thị Lân, Trưởng thôn Yên Sơn cho biết: “Nếu như năm 2014, thôn Yên Sơn có hơn 100 hộ thuộc diện nghèo thì nay đã giảm còn 25 hộ. Tính đến năm 2018, mức thu nhập trung bình theo nhân khẩu của người dân thôn Yên Sơn đã đạt 6 triệu đồng/tháng".
Bà Triệu Thị Bích Hòa (Nguyên chủ tịch Hội đông y xã Ba Vì) bên vườn dược liệu
Bà Triệu Thị Bích Hòa (70 tuổi), Nguyên chủ tịch Hội đông y xã Ba Vì cho hay: “Nghề làm thuốc nam đã giúp thay đổi đời sống của người Dao Ba Vì rất nhiều. Từ năm 2014 đến nay, thu nhập từ cây thuốc nam giúp bà con nơi đây ổn định cuộc sống, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm xe cộ".
Tuy nhiên, bà Hòa cũng như bao nhiều hộ gia đình đang làm nghề bốc thuốc nam ở xã Ba Vì vẫn đang trăn trở về sự phát triển của làng nghề. “Có cây thuốc nam thì mới có nghề thuốc nam, nếu không còn cây thuốc thì nghề thuốc cũng mất. Phần lớn những người làm nghề bốc thuốc nam ở xã Ba Vì trước nay vẫn dựa vào nguồn dược liệu tư nhiên mà chưa có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn cung dược liệu, từ việc trồng cây thuốc ngay tại vườn nhà. Muốn làng nghề thuốc nam phát triển bền vững, trước hết cần phải thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển nguồn dược liệu quý ở địa phương”, bà Hòa chia sẻ.
Bài toán phát triển bền vững
Mặc dù đã có nhiều khởi sắc trong việc phát triển kinh tế xã hội, song xã Ba vì vẫn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm. Đến năm 2018, xã còn 145 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ là 28,7%), hộ cận nghèo là 119 hộ (chiếm tỷ lệ 28,7%), cao nhất trong các xã của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội.
Ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, địa phương mặc dù có diện tích tự nhiên khá lớn là 2540,69 ha, nhưng trong đó có 2200,69 ha do Vườn quốc gia quản lý, xã chỉ thực sử dụng 340 ha, trong khi có đến 2230 nhân khẩu. Chính vì vậy, mà dẫn đến tình trạng người thiếu đất sản xuất nông nghiệp, mặt khác tập quán canh tác của bà con người Dao nơi đây còn lạc hậu chưa chuyển đổi kịp cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Thiếu công ăn việc làm nên tỷ lệ người vượt biên theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài làm thuê cao.
Nhiều người dân xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) vươn lên làm giàu từ cây thuốc nam
Kể từ năm 2012 khi thành phố công nhận làng nghề thuốc nam truyền thống người Dao xã Ba Vì, thì các hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều bước khởi sắc, tạo công ăn việc làm và thu hút nhiều lao động, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.
Chính quyền xã Ba Vì cũng xác định cây thuốc nam là cây có giá trị kinh tế cao, coi đây là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, công tác phát triển mô hình này hiện còn gặp nhiều khó khăn như việc phổ biến kiến thức trồng và bảo tồn cây thuốc nam, công tác quản lý phát triển làng nghề, xóa bỏ tình trạng làm ăn manh mún tự phát của người dân.
Theo ông Vượng, để phát triển được thế mạnh của địa phương, chính quyền xã đang kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ dành thêm quỹ đất từ cốt 100 đến 400 (thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Ba Vì) để người dân có thêm diện tích canh tác cây thuốc nam dưới tán rừng, tạo nguồn nguyên liệu phát triển bền vững nghề làm thuốc nam, mang lại hiệu quả kinh tế, cũng như nâng cao đời sống của người dân.