THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:11

Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi: Chú trọng đầu tư, thay vì hỗ trợ

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì hội nghị.

 
Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Dân tộc phối hợp hiệu quả 

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đồng chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp hiệu quả trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách về lao động, người có công và xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2018.

Trong đó phải kể đến một số chính sách đặc thù như: Chính sách giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS - miền núi; bảo trợ xã hội; bảo vệ chăm sóc trẻ em… nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS - miền núi. 

Trong giai đoạn 2015 - 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 1 đến 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,55%/năm (vượt mục tiêu đề ra giảm 4%/năm). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3 đến 4%, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị, ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết: “Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án) được xây dựng dựa trên việc thực hiện Nghị quyết 74/NQ-QH14 ngày 20/11/2018 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án để Chính phủ trình Quốc hội trong quý III/2019.

Đây là đề án rất quan trọng, làm căn cứ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030”, ông Lịch cho biết.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng cần thiết ban hành Đề án. Tuy nhiên, Đề án cần đảm bảo tránh chống chéo với các chương trình, chính sách hiện hành như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thông mới giai đoạn 2016 - 2020.

Tham gia góp ý cho đề án, liên quan các lĩnh vực giảm nghèo, ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, tiêu chí các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là ở các huyện cần có thêm tiêu chí cho những địa bàn không phải miền núi nhưng đấy là vùng dân tộc.

Ví dụ, ở Trà Vinh, Trà Phú (Tây Nam Bộ), khi tôi đi xác định hộ nghèo, các hộ nơi đây đã không lọt được tiêu chí. Vì thế tiêu chí nên mở, không nên đóng quá, để phù hợp thực tiễn”, ông Thi nói.

Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, trong Đề án cũng cần quan tâm, bổ sung mảng tín dụng. Tiếp cận tín dụng cho người dân rất quan trọng và thực tế chứng minh, tín dụng giải quyết hiệu quả cho đời sống người dân.

BHXH tự nguyện cũng là một vấn đề được Thứ trưởng đề xuất cần quan tâm hơn trong Đề án. Ông Quân thông tin, cùng với triển khai đề án, sắp tới triển khai thí điểm rất nhiều gói bảo hiểm mới, đa tầng, nếu đưa vào Đề án này một số chỉ tiêu và xây dựng lồng ghép BHXH cho đồng bào các vùng, các ngành sẽ giúp chúng ta giải quyết về lâu dài vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Như thế sẽ tốt hơn rất nhiều, thay vì chờ đến 75 - 80 tuổi để được hưởng chính sách”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Đề án này cần làm rõ đây là “đầu tư” chứ không phải chính sách “hỗ trợ”.

 

Tầm nhìn 2030: Cần cuộc "cách mạng" về tái định cư để thu hút đầu tư

Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của vùng DTTS và miền núi, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, Đề án đã tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn, chính xác, khoa học về thành tựu, hiện trạng, khó khăn của cộng đồng các DTTS trong giảm nghèo và phát triển bền vững...

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án cần chú trọng hơn về an sinh, vì đây là phát triển bao trùm, để không để ai bị bỏ lại phía sau. Phải coi Đề án này là trọng tâm, đột phá, “chạy” song song với 2 chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. 

Do vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là rất cần thiết. Qua đó xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đề án này cần làm rõ đây là “đầu tư” chứ không phải chính sách “hỗ trợ”. Vừa qua, có một số chính sách hỗ trợ - có thể hỗ trợ vùng, địa bàn, hỗ trợ từng dân tộc, thậm chí hỗ trợ đến từng người dân về sinh kế.

“Quan điểm của tôi là Đề án “đầu tư” để phát triển DTTS miền núi và khu vực đặc biệt khó khăn. Đã là quan điểm “đầu tư” thì không thể nay có thể “hỗ trợ”, mai thì không. Một khi xác định đây là đầu tư để phát triển -  đã là đầu tư thì không thể không đầu tư”, Bộ trưởng nêu rõ tầm quan trọng của Đề án này.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3 - 4%/năm thì phải nêu rõ theo tiêu chí nào và nên lấy tiêu chí 2016 - 2020 để xác định. Bộ trưởng cũng lưu ý về phạm vi của đối tượng điều chỉnh cần phân định rõ: Thứ nhất là vùng, địa bàn; thứ hai là con người. Phải làm rõ được 2 cái này.

Song song với đó, Bộ trưởng nhấn mạnh cần quan tâm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, nhất là những vấn đề liên quan đến giảm nghèo. “Có cơ sở dữ liệu kết nối rồi, điều chỉnh chính sách rất dễ. Nhưng rõ ràng hiện nay chúng ta chưa làm được”, Bộ trưởng nói.

Và cuối cùng, Bộ trưởng kiến nghị, trong Đề án này, nếu có thể, trong định hướng tầm nhìn 2030, nên có 1 tầm nhìn mang tính chiến lược đối với dân tộc miền núi. Đó là làm cuộc "cách  mạng" về tái định cư dân cư. Nếu như vùng đồng bào DTTS - nhất là phía Bắc, nếu không làm một cuộc cách mạng về tái định cư thì rất khó khăn trong đầu tư.

Chúng ta không thể đầu tư được một con đường hay một đường điện nếu như mỗi gia đình vẫn nằm trên 1 con núi như hiện nay. Tất nhiên, các vấn đề khác như bản sắc văn hóa… thì vẫn phải quan tâm”, Bộ trưởng lưu ý.

Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) Ngô Trường Thi tham gia góp ý Đề án

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ văn Chiến đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Ông Chiến cho rằng, các ý kiến rất thiết thực, xác đáng, có nhiều sáng kiến, đề xuất mới, điều đó thể hiện sự tâm huyết với đồng bào DTTS và miền núi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nhấn mạnh, quan điểm phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để nâng cao đời sống người dân các vùng này, thu hẹp dần khoảng cách mức sống. “Đầu tư chứ không phải hỗ trợ”, ông Chiến nhấn mạnh.

Để nêu bật tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển cho vùng DTTS - miền núi, ông Chiến viện dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về công tác giảm nghèo: “Đàn chim bay nhanh, bay chậm không chỉ do con chim đầu đàn quyết định, mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”.

Theo đó, ông Chiến ví von, chúng tôi xin nguyện làm con chim cuối đàn, cố gắng vượt lên chính mình để bay nhanh, bay xa, để làm được điều đó, cần sự chung tay của các cấp, ngành…

Thông điệp thứ 2 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, chúng ta không thể quan niệm hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS - miền núi nữa, mà quay trở về coi DTTS - miền núi là đối tác của vùng phát triển”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Theo đó, ông Chiến cho rằng, các ý kiến không chỉ góp phần hoàn thiện Đề án tổng thể mà sau khi Đề án được phê duyệt, những ý kiến tại hội nghị này sẽ góp phần vào xây dựng hệ thống chính sách cụ thể, đóng góp vào quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.

Đồng thời, ông Chiến cũng yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Đề án tiếp thu, bổ sung các ý kiến góp ý để hoàn thiện Đề án trước khi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của “Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025”:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh trong vùng DTTS, miền núi từ 8 đến 10%/năm (cao hơn mức bình quân cả nước).

Đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2 lần.

Tỷ lệ nghèo hàng năm giảm 3 - 4%/năm.

Giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn vùng đặc biệt khó khăn so với năm 2019.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 80%.

Trên 90% số xã có đường ô tô được nhựa hóa; trên 80% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Thành Công - (Ảnh: Quý Đức)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh