Phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
- Giáo dục nghề nghiệp
- 22:16 - 16/11/2018
Bàn chủ tọa hội nghị
191 nghề được xây dựng, ban hành tiêu chuẩn KNNQG
Các hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bắt đầu được quy định tại Luật Dạy nghề, được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực từ 1/6/2007. Triển khai hướng dẫn thi hành Luật Dạy nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn về xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.
Theo ông Lê Văn Phòng, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN): Đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhằm công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, không phân biệt người lao động đạt được trình độ kỹ năng nghề này thông qua các khóa đào tạo chính quy, phi chính quy, hoặc do người lao động tự học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Hệ thống đánh giá, cấp Chứng chỉ KNNQG có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời, các doanh nghiệp phân công lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trả lương theo năng lực của người lao động, qua đó chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao.
Chặng đường thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động đã trải qua hơn 10 năm, kể từ khi các hoạt động này được quy định tại Luật Dạy nghề năm 2006. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật để tổ chức xây dựng tiêu chuẩn KNNQG, xây dựng ngân hàng đề thi, thiết lập các tổ chức đánh giá, phát triển đội ngũ đánh giá viên để thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Đến nay đã xây dựng và ban hành được 191 bộ tiêu chuẩn KNNQG; biên soạn được ngân hàng đề thi cho 84 nghề; thành lập được 42 tổ chức đánh giá KNN phân bố tại các vùng miền trọng điểm trên toàn quốc; đã tổ chức đánh giá KNN cho gần 45 nghìn người lao động trong cả nước và cấp chứng chỉ KNNQG cho hơn 38 nghìn lao động, trong đó có các nhà giáo GDNN...
Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG đã được hình thành và có những kết quả bước đầu. Khung trình độ KNNQG với 5 bậc trình độ kỹ năng được ban hành, tạo cơ sở pháp lý cho việc tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, thỏa thuận công nhận lẫn nhau về trình độ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới. Hình thành hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia với 5 bậc trình độ kỹ năng và thực hiện đánh giá, công nhận KNNQG cho một số nghề từ bậc 1 đến bậc 3 cho người lao động. Qua việc tham gia đánh giá KNNQG, người lao động và doanh nghiệp xác định được những thiếu hụt về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và kỹ năng thực hành công việc cũng như việc tuân thủ quy trình an toàn lao động và vệ sinh lao động, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện năng lực nghề nghiệp, nâng cao trình độ hoặc chuyển đổi sang công việc phù hợp. Danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động và cộng đồng phải có chứng chỉ KNNQG (gọi tắt là Danh mục công việc) được ban hành sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu suất thực hiện công việc do sử dụng những người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hiện đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn và vệ sinh lao động khi thực hiện công việc.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại hội nghị
Cần đẩy mạnh tuyên truyền đánh giá KNNQG trong doanh nghiệp
Là đơn vị được giao đánh giá KNNQG, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, kể từ khi thí điểm tổ chức đánh giá KNNQG đến nay, nhà trường đã chủ động đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở vật chất, nhân lực theo yêu cầu của hoạt động đánh giá KNNQG. Trường được Bộ LĐ- TB&XH cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho 8 nghề: Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò; kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; điện công nghiệp; công nghệ ô tô; hàn; giám định khối lượng, chất lượng than. Từ năm 2016 đến nay trường đã đánh giá kỹ năng nghề cho trên 30.000 lao động các nghề. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, hiện nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm thực sự đến hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, còn coi nhẹ hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, không coi việc đánh giá KNNQG là để khuyến khích người lao động hoàn thiện, nâng cao trình độ kỹ năng nghề phục vụ doanh nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng chưa tạo điều kiện cho người lao động bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để tham gia đăng ký đánh giá KNNQG. Thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền về hoạt động đánh giá KNNQG trên các cấp độ từ Trung ương đến địa phương. Bổ sung chế tài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác đánh giá KNNQG trong các doanh nghiệp và người lao động. Xây dựng cơ chế chính sách, đồng bộ hóa các quy định giữa bậc thợ để trả lương hiện nay các doanh nghiệp đang áp dụng với bậc kỹ năng nghề, tiến tới sử dụng các bậc kỹ năng nghề để thay thế nhằm khuyến khích mạnh mẽ người lao động tham gia đánh giá kỹ năng nghề tại các văn bản pháp luật, cụ thể bằng các quy định việc ưu tiên sử dụng, trả lương cho người lao động đã có chứng chỉ KNNQG trong các doanh nghiệp.
Quang cảnh hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, TS Trương Anh Dũng cho rằng: Đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhằm công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đạt được thông qua các khóa đào tạo chính quy, phi chính quy hoặc do người lao động tự học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời, bên cạnh đó các doanh nghiệp tuyển chọn, bố trí công việc, trả lương theo năng lực của người lao động, đồng thời cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới của nghề. Việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cũng được quy định để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo giảng dạy thực hành và tích hợp tại các cơ sở GDNN. Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG đã được hình và có những kết quả bước đầu.
Cũng theo TS Nguyễn Anh Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ KNNQG còn những hạn chế, tồn tại như: Năng lực và quy mô đánh giá thấp, các tiêu chuẩn KNNQG chậm được xây dựng, cập nhật theo yêu cầu; số lượng các nghề có ngân hàng đề thi và số lượng các tổ chức đánh giá còn thấp; việc đào tạo, phát triển đội ngũ đánh giá viên còn hạn chế, mới có khoảng 60% của 80 nghìn nhà giáo đạt chuẩn KNN, còn gần 34 nghìn nhà giáo chưa đạt chuẩn. Đặc biệt, nhận thức của xã hội về vai trò của đánh giá KNNQG chưa đầy đủ, sự tham gia của doanh nghiệp và người lao động vào quá trình này còn hạn chế. Do vậy, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý và điều hành. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, thúc đẩy công nhận trình độ và di chuyển lao động trong khối cộng đồng kinh tế chung ASEAN.