THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:09

Phát triển bệnh viện vệ tinh để giảm tải

 

*Thiếu bệnh viện vệ tinh, bệnh nhân dồn lên tuyến trên

Giai đoạn đầu của Đề án, Bộ Y tế đã giao cho 14 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân cho 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố tập trung vào 5 chuyên ngành đang quá tải trầm trọng là: Tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi.

Sau hai năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, tính đến tháng 7/2015, cả nước hiện có 15 bệnh viện hạt nhân và 53 bệnh viện vệ tinh tại 36 tỉnh, thành phố. Trong số 27 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện vệ tinh, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang… có số lượng bệnh nhân đổ dồn lên TP Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh rất lớn. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải vẫn còn tiếp diễn ở các bệnh viện tuyến Trung ương, nhất là các bệnh viện tuyến cuối.

Tại khu vực phía Bắc, vẫn còn 8 tỉnh chưa có bệnh viện, khoa vệ tinh gồm: Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Kạn. Sởi dĩ các bệnh viện ở các tỉnh, thành phố này chưa tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh là do chính quyền địa phương chưa duyệt cấp hoặc chưa cấp kinh phí thực hiện. Một số bệnh viện lại không đủ năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Nhờ đề án bệnh viện vệ tinh, nhiều kỹ thuật cao đã được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới. 

Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết trong quá trình thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, đánh giá bước đầu cho thấy, muốn thực hiện có hiệu quả cần sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ các bộ, ban, ngành trung ương đến chính quyền địa phương và toàn hệ thống y tế. Những kết quả ban đầu của bệnh viện vệ tinh đã khẳng định mô hình bệnh viện vệ tinh phù hợp trong điều kiện kinh tế xã hội, là mô hình sáng tạo kết nối giữa khả năng của tuyến trên và nhu cầu của tuyến dưới. Thực tế cho thấy, nơi nào có chính quyền địa phương vào cuộc thì nơi đó Đề án bệnh viện vệ tinh phát triển như: Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lào Cai...

*Tăng cường công tác giám sát sau chuyển giao kỹ thuật

TS Nguyễn Huy Ngọc, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ (bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai)  cho biết, việc trở thành bệnh viện vệ tinh của 3 bệnh viện lớn đã giúp trình độ chuyên môn kỹ thuật của các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được nâng cao rõ rệt. Nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu, kỹ thuật cao đã được triển khai thành công tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện tuyến huyện. Nhiều ca bệnh nặng được cấp cứu kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong. Số người bệnh phải chuyển tuyến giảm đáng kể, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đặc biệt, người dân của tỉnh Phú Thọ và một số tỉnh lân cận đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn. Tuy vậy, việc thực hiện Đề án tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn như biểu giá của nhiều dịch vụ kỹ thuật còn thấp hơn chi phí thực tế; chính sách về bảo hiểm y tế chưa ổn định, thường xuyên thay đổi, còn nhiều vấn đề chưa thống nhất giữa ngành y tế và bảo hiểm xã hội, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh (thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật...).

Giám đốc Bệnh viện Sản, Nhi Ninh Bình, Phạm Cầm Kỳ cho biết hiện tại, cơ sở vật chất, dụng cụ trang thiết bị của bệnh viện còn thiếu đã làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, triển khai kỹ thuật được chuyển giao. Nhiều kỹ thuật đã được chuyển giao nhưng chưa có hoặc chưa đủ trang thiết bị để thực hiện như nội soi tiêu hóa, nội soi trẻ em...Ông Kỳ đề nghị cần duy trì thường xuyên kênh thông tin giữa Bệnh viện vệ tinh và Bệnh viện hạt nhân để nâng cao chất lượng chuyển giao các gói đào tạo và tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát sau chuyển giao kỹ thuật tại bệnh viện vệ tinh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, Bộ Y tế coi đây là giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả của các bệnh viện hiện có, phấn đấu đến tháng 12/2016,  tất cả các tỉnh, thành phố có bệnh tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh về các chuyên khoa tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương, sản, nhi và một số chuyên khoa khác.

 Sau hai năm thực hiện Đề án (2013-2015), đến nay Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu thu được một số kết quả đáng được khích lệ. Chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật, chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật…

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên năm ngoái so với năm 2012 và 2013 đang có xu hướng giảm, đặc biệt giảm rõ ở những bệnh viện và chuyên khoa trong Đề án bệnh viện vệ tinh. Đã có 37,5% số bệnh viện vệ tinh giảm được tỷ lệ chuyển tuyến. Bệnh viện Việt-Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương đến nay đã không còn tình trạng nằm ghép một phần là nhờ kết quả giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ các bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh