CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:11

Bệnh viện vệ tinh: Thiếu nhân lực và trang thiết bị

 

*Tỷ lệ chuyển tuyến giảm     

Sau 2 năm thực hiện (2013-2015), đến nay Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cả nước đã có 14 bệnh viện hạt nhân được giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa gồm: Tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản và nhi.

Trong đó, chuyên ngành ung bướu đã tiến hành chuyển giao 58 lượt kỹ thuật cho tuyến dưới, chuyên ngành tim mạch đã chuyển giao 27 kỹ thuật, chuyên ngành ngoại chấn thương đã hoàn thành 105 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành nhi đã hoàn thành 34 lượt chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành sản đã hoàn thành 28 lượt chuyển giao kỹ thuật…

Đánh giá về đề án sau 2 năm thực hiện, PGS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết: Sau khi đề án được triển khai, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được kỹ thuật khó được chuyển giao khá hiệu quả như mổ máu tụ trong não.

Một số bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao do bệnh viện hạt nhân chuyển giao, giúp người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Điển hình là bệnh viện đa khoa các tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Quảng Nam…

Hiện hơn 37% số bệnh viện vệ tinh đã có tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên giảm rõ rệt. Tỷ lệ chuyển tuyến của các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay chỉ còn khoảng 30-35%, có những nơi tỷ lệ này thậm chí chỉ còn khoảng 5-7%.

Nhiều bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế caoNhiều bệnh viện vệ tinh đã làm chủ được các kỹ thuật y tế cao
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh(Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ được chỉ định là 1 bệnh viện hạt nhân và 5 bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ở các tỉnh khác nữa sẽ trở thành bệnh viện vệ tinh. Như vậy, toàn ngành y tế sẽ có 15 bệnh viện hạt nhân và 52 bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc.

*Cần lựa chọn, tránh chuyển giao tràn lan

Tại hội nghị, ông Trần Bình Giang đề xuất các bệnh viện cần lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao không phải làm tràn lan, như mổ tim hở chỉ cần một vài nơi làm được. Bên cạnh đó, cần khảo sát đánh giá trước cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện vệ tinh trước khi chuyển giao kỹ thuật, tránh tình trạng bác sỹ được đào tạo, chuyển giao xong về tuyến dưới không có thiết bị để làm. 

Thực tế, hiện nay ở một số bệnh viện tuyến dưới nhất là ở vùng khó khăn, những kỹ thuật được bệnh viện tuyến trên chuyển giao thành công nhưng chưa được triển khai rộng rãi vì thiếu trang thiết bị y tế.

 Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng Phương Đức Cù cho biết, sắp tới, bệnh viện này trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội nên rất cần sự đầu tư nhiều hơn nữa từ phía UBND tỉnh. “Chúng tôi đã cử bác sỹ đi học kiến thức cơ bản về tim mạch cơ sở và siêu âm tim.

Hiện tại, để đảm bảo chuyên môn điều trị, chúng tôi rất cần được trang bị máy chụp cắt-lớp 16 dãy, bệnh viện có máy chụp 2 dãy, trang bị  đã 6 năm nay hỏng rất nhiều lần. Máy siêu âm ở bệnh viện cũng thiếu rất nhiều. Dụng cụ phẫu thuật nội soi, tán sỏi nội soi bằng laze cũng thiếu, mặc dù trình độ của bác sỹ ở đây đủ năng lực thực hiện được kỹ thuật này, nhưng chưa thể triển khai vì chưa có trang thiết bị.”-ông Phương Đức Cù chia sẻ.

Theo GS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ thực tế việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh nhiều năm qua cho thấy, bên cạnh khó khăn do thiếu trang thiết bị y tế, bệnh viện tuyến tỉnh còn thiếu cả về nhân lực, đặc biệt do thu nhập chưa đảm bảo, nên có trường hợp bác sỹ sau khi được chuyển giao kỹ thuật đã chuyển về thành phố làm việc.

“ Khó khăn lớn nhất trong triển khai mạng lưới bệnh viện vệ tinh là nguồn nhân lực để tham gia đào tạo. Tại các bệnh viện tuyến dưới thường thiếu bác sỹ nên không đủ người làm thay để đi học, do vậy phải tăng cường nguồn nhân lực cho các bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện xa xôi, năng lực thấp mà nguồn nhân lực ít nên mới có chuyện một người phải học nhiều thứ, nhưng khi chuyển giao xong kỹ thuật, lại lo bác sỹ chuyển về Hà Nội làm việc thì mình lại mất công chuyển giao, mất công đào tạo. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường nhân viên y tế giỏi, các địa phương phải có chính sách để giữ chân những người đã được đào tạo...”- GS Phạm Minh Thông đề xuất.

NGUYÊT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh