CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:26

Phát hiện bảo vật của Huyền Trân công chúa

Chị Tâm từng hiến tặng nhiều cổ cật cho các bảo tàng.  Ảnh: Đường Minh

Tận mắt ngắm cổ vật tuyệt kỹ

Ngôi nhà của chị Minh Tâm nằm sâu trong ngõ Xã Đàn (Hà Nội) đó có những chiếc tủ rất to. Trong những chiếc tủ rất to ấy lại có những thứ rất nhỏ. Những thứ rất nhỏ bé ấy lại vô cùng có giá trị. Đó là những cổ vật lạ mà mấy chục năm nay, chị Minh Tâm đã kỳ công tìm kiếm.

Sau khi mời khách uống hết tuần trà thứ nhất được pha từ cái ấm tử sa song ẩm màu da chu, chị Tâm đưa chúng tôi xem tận mắt bảo vật quý hiếm mà giới sưu tầm đang ồn ào. Đó là chiếc đài sen có màu men lục, bên trong còn cốt phấn trắng được đánh giá là hội tụ đầy đủ các yếu tố của một cổ vật tinh xảo và quý giá, được xem là vật sở hữu của công chúa Huyền Trân - con gái vua Trần Nhân Tông, người sau này từng được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân.

Đài sen 3 tầng còn cốt phấn bên trong.

Đài sen có kiểu dáng lạ với ba tầng cánh sen. Chị Tâm bảo, thông thường các cổ vật khác chỉ có một hoặc cùng lắm là hai tầng cánh sen. Chiếc đài sen này lại có đến ba tầng, phải chăng là một sự cách điệu tinh tế của người xưa.

Phần chân của đài sen được thiết kế theo kiểu “thông phong” cầu kỳ, mà ngày nay không ai có thể thực hiện thủ công được. Qua hình dáng và các chi tiết của đài sen, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Trường, Chủ tịch câu lạc bộ cổ ngoạn Hà Nội cũng như các nhà sưu tầm đánh giá là người thợ  hoàn toàn làm thủ công, không dùng khuôn đúc.Tuy vậy, hình dáng cũng như chi tiết vẫn rất uyển chuyển. Các cánh sen xung quanh mềm mại, xen kẽ sắp đặt đầy tự nhiên. “Người thợ đã có hoa tay và rất dụng công, dụng tâm và dụng ý để chế tác ra món đồ tuyệt kỹ ấy”, nhà sưu tầm Nguyễn Trường nhận xét. Theo quan sát của chúng tôi, đài sen dưới cùng có đủ 32 cánh ngắn; tầng thứ hai đủ 32 cánh lớn và tầng thứ ba dày hơn với những đường khía trên miệng đài đều và thẳng.

Những cánh sen được làm rất tỉ mỉ.

Ông Nguyễn Trường bật mí: “Cổ vật đài sen cốt phấn mà chị Minh Tâm có được đã và đang là đề tài nóng trong giới cổ vật. Giá trị lịch sử cũng như giá trị thẩm mỹ toát ra từ hiện vật là điều mà rất nhiều chuyên gia đang tranh cãi. Anh em trong giới chơi cổ vật cũng thường xuyên “săn” đài sen nhưng cũng chỉ thấy đài sen 2 tầng chứ chưa thấy cái nào 3 tầng như của chị Minh Tâm”.

“Có duyên thì tự tìm đến với nhau”

Chị Minh Tâm kể, từ lâu chị đã rất ao ước mua được một cổ vật đài sen. Tuy nhiên, dù săn lùng khắp nơi trong nhiều năm nhưng cũng chỉ mua được một số cổ vật đài sen thông thường và hầu hết bị nứt vỡ, không hoàn chỉnh. Cho đến một hôm khi đang đi sưu tầm ở Thừa Thiên - Huế, chị có vào thăm điện thờ công chúa Huyền Trân. Khi về đến Hà Nội vài hôm thì nhận được thư của một người tên Cường ở Thanh Hóa nói là đang sở hữu một cổ vật đài sen hoàn chỉnh. “Mới chỉ nhìn bức ảnh chụp lại hiện vật tôi đã rất thích. Nhưng để xác định rõ đó có phải cổ vật hay không thì phải trực tiếp xem. Thế là hôm sau tôi về Thanh Hóa để thẩm định và chắc chắn đó là cổ vật hiếm có nên mua ngay”, chị Tâm cho biết.

Phần chân của đài sen thiết kế theo kiểu “thông phong”.

Khi cổ vật đài sen ba tầng về đến Hà Nội, rất nhiều bạn bè trong giới sưu tầm đã trả giá gấp đôi ba lần, nhưng chị Tâm không bán. Chị cho rằng, rất có thể vì có duyên với công chúa Huyền Trân nên mới mua được món đồ quý giá này nên chị coi đó như bảo vật.

Bước đầu, các chuyên gia khảo cổ nhận định. chiếc đài sen men lục cốt phấn có niên đại thời Lý - Trần. Vì đó là thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo nên trong hầu hết các hoa văn đồ gốm thường được tạo hình cánh sen.

Đặc biệt là chất men ngọc lục vào thời Lý - Trần đang ở giai đoạn đỉnh cao và được ưa chuộng trong dân gian cũng như trong hoàng cung. Vì những lý do đó mà nhiều người cho rằng, rất có thể đài sen ba tầng là dành cho hoàng cung mà cụ thể là công chúa Huyền Trân dùng để đựng phấn.

Tráp mài phấn hay đồ tu?

Chị Minh Tâm cho biết, từ khi sưu tầm được cổ vật đài sen thì cũng có khá nhiều chuyên gia đến xác định niên đại cũng như xác định vật dụng phục vụ trong việc gì. Tuy nhiên, có hai luồng ý kiến chính, một cho rằng đài sen là tráp mài phấn của công chúa Huyền Trân, ý kiến còn lại khẳng định là đồ tu dành cho nhà chùa.

Nhà sưu tầm Nguyễn Trường cho rằng, các đồ vật cung đình bao giờ cũng cầu kỳ, tinh tế và sang trọng hơn hẳn so với vật dụng của dân thường: “Tôi cho rằng, đó là tráp mài phấn của bậc lá ngọc cành vàng, trâm anh thế phiệt trong cung đình xưa chứ không phải là vật dụng thờ cúng trong chùa”. Ông Trường cũng nêu căn cứ: Phần phấn trắng vẫn còn dưới đáy đài sen đã khô đến nỗi “ăn” cả vào men chứng tỏ người xưa dùng để mài phấn. Nếu là đồ thờ cúng, chắc chắn phải có tro hương bám lại.

Theo chị Minh Tâm, trước đây giới khảo cổ đã từng đào thấy một chiếc hộp đựng tráp mài phấn có niên đại thời Trần. Dù người ta đã đánh rửa sạch sẽ nhưng mỗi khi mở ra vẫn có mùi phấn. Hơn nữa, tráp mài phấn ấy cũng có hình cánh sen dù chỉ có hai tầng. Được biết, nhà sưu tầm Minh Tâm là người hiến tặng rất nhiều cổ vật cho các bảo tàng trong Nam ngoài Bắc. Có nhiều cổ vật quý hiếm được chị tặng lại cho bảo tàng địa phương để người dân chiêm ngưỡng. Chị cũng cho biết, nhiều người ngỏ ý trả giá cao để được sở hữu cổ vật đài sen nhưng chị nhất quyết không bán. Theo chị, dù đài sen có phải của Huyền Trân công chúa hay không thì cũng là bảo vật quý giá cần gìn giữ và trân trọng.

Chị Minh Tâm cùng chiếc đĩa men trong bộ sưu tập men lục.

Đài sen ba tầng men lục cốt phấn là cổ vật rất quý hiếm, có thể nói là có một không hai. Những vật quý như vậy không thể lấy vật chất ra cân đo đong đếm, bởi ẩn sâu trong đó là cả một câu chuyện dài của quá khứ, lịch sử và số phận của người liên quan...

Chị Minh Tâm cho hay, về giả thiết này có người cho rằng đài sen là vật sở hữu của Huyền Trân công chúa dùng khi trang điểm. Chỉ có các công chúa dòng dõi vua chúa mới được sở hữu những vật dụng tinh xảo đến như vậy. Ý kiến thứ hai cũng đồng ý đài sen là của Huyền Trân công chúa nhưng cho rằng, đó là đồ phục vụ tu hành. Có thể sau khi nhà Trần giải cứu công chúa khỏi nước Chiêm Thành đã khuyên nàng đi tu ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh). Và vật dụng đài sen được dành riêng để Huyền Trân dùng trong việc trang điểm khi tu hành hoặc dùng phục vụ trong việc thờ Phật.

ĐƯỜNG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh