THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:55

Chuyện của người từng ngồi trên “Bảo vật quốc gia”

 

Chiếc tăng lịch sử 

Năm 1995, nữ phóng viên của hãng thông tấn AFP Francoise Demulder trở lại Việt Nam công bố những bức ảnh tư liệu của mình. Chiếc xe tăng T59 mang số hiệu 390 chính thức được lịch sử thừa nhận là chiếc xe đầu tiên húc tung cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tác giả và nhân chứng đã gặp lại nhau sau hơn 20 năm. Tuy nhiên, cuộc gặp ấy đã không trọn vẹn, bởi Francoise Demulder chỉ tìm lại được 3 trong 4 người lính của kíp lái chiếc xe lịch sử ấy.

 

Xe tăng quân giải phóng vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975.            Ảnh:tư liệu

Phải hơn 1 năm sau, người ta mới tìm lại được pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên. Khi đó ông đã ra quân và về Hà Nội ở với nghề chạy xe lam kiếm sống. Bây giờ thì Francoise Demulder đã mất, còn pháo thủ Nguyên cũng đã già, nhưng những câu chuyện về năm tháng hào hùng với ông vẫn luôn lấp lánh.

Trong kíp lái của chiếc tăng 390 ngày ấy, Ngô Sỹ Nguyên là người trẻ tuổi nhất, tếu táo nhất vì lúc ấy vẫn chưa vợ. Vẫn giữ cái phong cách hài hước, bông phèng, ông bắt đầu kể chuyện đời lính: “Ngày được tuyển nhập ngũ, quân đội đưa mình vào bộ binh. Quê mình ở tận Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An-mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” nên người lúc nào cũng còi cọc. Thế mà chẳng hiểu sao, sau khi huấn luyện tân binh xong, thấy mình bé nhưng lại là tay thiện xạ trong đại đội, cấp trên bèn “nhấc” ngay lên cho mình đi học thêm 3 tháng Tăng-Thiết giáp.

Đang từ anh lính “chân đất chạy bộ”, tót một cái tớ thành anh lính “kỵ binh”, mà lại giữ vị trí pháo thủ 1 mới oách. Đời lính, nhiều anh hay có được những cái duyên kỳ ngộ rất hay như thế”.

 

Cựu chiến binh xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên

Duyên kỳ ngộ cũng tạo nên mối giao tình máu thịt giữa ông Nguyên với 3 người anh em khác của ông khi đồng sinh đồng tử trên chiếc tăng 390 gồm: Trưởng xe Vũ Đăng Toàn, pháo thủ 2 Lê Văn Phượng và lái xe Nguyễn Văn Tập. “ Bốn anh em chúng tôi nhận xe tháng 12/1972 và cứ thế theo suốt cuộc chiến đến tận ngày giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi nằm trong biên chế của Tiểu đoàn 512, Lữ đoàn 203, Bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp”-ông Nguyên nói. Sau khi nhận xe, ông Nguyên không nhớ mình tham gia đánh bao nhiêu trận, đối mặt cái chết bao nhiêu lần. Nhưng với ông và cả kíp lái xe 390, những trận đánh trước cổng dinh Độc Lập ngày 30/4 chưa phải là trận đánh cuối cùng.

Dấu ấn trong mỗi trái tim 

Trong ký ức của ông Nguyên, những trận đánh ấy, giờ mỗi khi nhắm mắt lại ông vẫn có thể hình dung ra từng chi tiết như phim quay chậm. Càng về cuối cuộc chiến, áp lực đến với các đơn vị chủ lực như Tăng - Thiết giáp càng nặng nề. Binh chủng này được coi như lực lượng cơ giới hỏa lực mạnh có nhiệm vụ đột phá, làm mũi dao nhọn thọc sâu vào trái tim của chế độ Sài Gòn. Trong khi đó, ngụy quân trong cơn hấp hối cũng điên cuồng chống trả. Chúng huy động hết mọi phương tiện, nguồn lực dự trữ ra đối phó. Những trận đấu tăng vô tiền khoáng hậu giữa ta và địch liên tiếp diễn ra.

Bộ đội Tăng-Thiết giáp vào giải phóng Sài Gòn, mùa Xuân 1975.    Ảnh: tư liệu

Trận đấu đáng nhớ nhất với ông Nguyên là trận đánh tại căn cứ Nước Trong (Đồng Nai-Long Khánh) diễn ra vào ngày 29/4/1975, trước lúc chiếc tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập tròn 24 tiếng. Ông kể, hôm trước địch kháng cự rất mạnh, tàn quân ngụy huy động được một số lượng lớn xe tăng M48 cùng xe bọc thép M113 tiến hành phản kích điên cuồng. Bên ta có một số xe bị những chiếc tăng M48 này gây thiệt hại. Đây là một loại tăng hiện đại của Mỹ viện trợ cho quân đội Sài Gòn và bản thân tăng M48 có một số tính năng kỹ thuật nhỉnh hơn tăng T59 của ta. Hôm đó địch giấu tăng phục kích trong một khu rừng cao su um tùm và ngụy trang rất tốt. Khu rừng này án ngữ con đường duy nhất tiến về Sài Gòn, đi đến đây xe của ta buộc phải dừng lại, chia đội hình chiến đấu và tiến hành trinh sát, nhưng cũng chưa phát hiện ra địch. Hai bên rình nhau gần 30 phút đồng hồ.

Cuối cùng, nhờ phát hiện được một bụm khói từ ống xả của tăng địch nấp trong lùm cây, ông Nguyên đã bắn 2 quả đạn tiêu diệt chiếc xe tăng đó khiến đội hình phục kích của địch bị lộ. Lập tức các họng pháo tăng của ta thi nhau rót vào khu rừng khiến quân địch phải bỏ chạy. Trận này, chính pháo thủ Nguyên tự ngắm bắn hạ 2 tăng M48 của địch.

Pháo thủ xe tăng 390 Lê Văn Phượng, vừa qua đời ngày 27/3/2016, hưởng thọ 71 tuổi

Câu chuyện đấu tăng còn kéo dài sang mờ sáng 30/4 khi ông Nguyên cùng kíp lái của mình tiến về dinh Độc Lập. Tại ngã tư Hàng Xanh, cũng chính tay ông chỉ bằng 1 quả đạn đã tiêu diệt thêm 2 xe thiết giáp M113 khi chúng đang chở quân ra tăng cường bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Cho đến khi gặp cánh cổng sắt dinh Độc Lập, ông bảo: “Đáng lẽ lúc đó tôi có thể bắn tung cánh cổng thay vì để anh Tập lái xe húc đổ. Tuy nhiên cấp trên đã quán triệt, chỉ nổ súng khi địch kháng cự, vì thế trưởng kíp Vũ Đăng Toàn đã cho chiếc xe chồm lên đúng lúc nhà báo Francoise Demulder bấm bức ảnh lịch sử”.

Sau ngày 30/4, chiếc tăng 390 cùng với kíp lái lại lặng lẽ chi viện cho các mặt trận Sihanoukville, Battambang… đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hay ngược lên Mai Pha, Na Dương… ở biên giới phía Bắc để bảo vệ Tổ quốc. Cho đến năm 1985, thì 4 người lính của chiếc tăng 390 ngày ấy tạm biệt nhau để trở về với xóm làng của mình. Ngày1/10/2012, chiếc tăng 390 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Xe tăng 390 đã được công nhận là "Bảo vật quốc gia" năm 2012

Chúng tôi hỏi ông Nguyên: “Hiện tại có 2 xe cùng mang số hiệu 390. Một chiếc đang được trưng bày tại Bảo tàng Tăng-Thiết giáp và một chiếc trong khuôn viên Dinh Độc Lập. Vậy chiếc nào mới là chiếc xe thật?”. Ông Nguyên cười: “Trong 2 chiếc, quả có 1 chiếc là phiên bản mang tính tượng trưng. Nhưng chiếc xe đứng ở đâu là chiếc xe thật thì đâu có gì quan trọng? Điều quan trọng nhất là chiếc xe ấy luôn hiện diện trong lòng mỗi người Việt Nam”.

PS/Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh