THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:11

Phát hành chứng thư bảo lãnh “khống”: Các sếp ngân hàng vô can!?

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, bằng thủ đoạn và công nghệ “cắt, dán, in”, các đối tượng đã làm giả 78 bảo lãnh của các ngân hàng Vietinbank, MB, Agribank... và quan hệ với giám đốc chi nhánh ngân hàng để làm bảo lãnh “khống”, tổng trị giá lên tới trên 1.284  tỷ đồng. Tuy nhiên, các sếp ngân hàng phát hành chứng thư bảo lãnh “khống” lại hoàn toàn vô can do... “không thu được bản gốc của các chứng thư” được cho là phát hành ngoài hệ thống(?).

Mua hàng chịu bằng… chứng thư giả

Giới kinh doanh xăng dầu phía Bắc không bất ngờ khi biết tin Ngô Quang Đạo - chủ buôn xăng dầu có tiếng tại Hải Phòng và các đồng phạm đã “qua mặt” 2 chi nhánh Petec Hà Nội và Thái Bình (thuộc Tổng Cty thương mại kỹ thuật và đầu tư Petec), mua chịu hàng cả nghìn tỷ đồng tiền xăng dầu chậm trả. Đến giờ, số tiền bị thiệt hại của Petec là hơn 468 tỷ đồng, chưa rõ có thu hồi được không.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2010, Cty cổ phần thương mại dầu khí Vũ Anh (Cty Vũ Anh) do Ngô Quang Đạo là chủ, ký hợp đồng đại lý tiêu thụ xăng dầu với Chi nhánh Petec Hà Nội. Với các chứng thư bảo lãnh do ngân hàng Agribank - chi nhánh Cẩm Giàng (Hải Dương) phát hành, Cty Vũ Anh đã được Petec cho mua xăng dầu trả chậm, nhưng Đạo đã lấy tiền bán hàng để mua nhà đất, trả nợ vay ngoài... nên Cty Vũ Anh đã bị nợ quá hạn tại Petec.

 “Bí” tiền trả nợ, Đạo và kế toán trưởng Phạm Thị Thu Dung đã lập ra 4 Cty và mượn pháp nhân 1 Cty, để ký hợp đồng làm đại lý tiêu thụ với Petec Hà Nội, như: Cty cổ phần dầu khí và chất đốt Miền Bắc, Cty Cẩm Giàng, Cty Tiền Phong, Cty Phú Lâm...Để được Petec tiếp tục cho mua xăng dầu chậm trả, các đơn vị này đã trình ra 7 bảo lãnh thanh toán của các ngân hàng với tổng giá trị hơn 113,4 tỷ đồng. Thông qua nhóm 6 Cty, ông Đạo đã mua chịu hàng triệu lít xăng dầu, bán lấy tiền “đảo nợ” lẫn nhau, trả nợ ngân hàng, nợ vay ngoài.

Kết luận điều tra cho thấy, từ mối quan hệ làm ăn, Dung đã thỏa thuận với giám đốc 2 chi nhánh ngân hàng Seabank, MB để phát hành bảo lãnh thanh toán cho nhóm Cty liên quan tới Cty Vũ Anh.

Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 9/2011, ông Trần Minh Đạt, khi ấy là Giám đốc chi nhánh MB Hai Bà Trưng (Hà Nội), đã ký 4 bảo lãnh với tổng giá trị 76 tỷ đồng cho Cty Chất đốt Miền Bắc (56 tỷ đồng) và Cty Vũ Anh (20 tỷ đồng). Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc chi nhánh Seabank Bắc Ninh đã ký 1 bảo lãnh trị giá 56 tỷ đồng cho Cty Vũ Anh.

Để tránh bị phát hiện và hạn chế dư nợ lớn, các Cty trên đã thanh lý hợp đồng với Petec Hà Nội, sử dụng pháp nhân khác, làm giả một số bảo lãnh ngân hàng và chuyển sang mua hàng “thành công” tại Chi nhánh Petec Thái Bình theo hình thức chậm trả. Từ đây, Giám đốc chi nhánh MB Hai Bà Trưng đã phát hành tiếp 2 bảo lãnh trị giá 32 tỷ đồng cho Cty Tiền Phong để bảo lãnh việc thanh toán hợp đồng mới. Các Cty này đã dùng bảo lãnh thật, giả và 7 bảo lãnh khống để mua xăng dầu trị giá hàng trăm tỷ đồng từ 2 chi nhánh Petec.

Theo quy định của Ngân hàng MB, chi nhánh MB Hai Bà Trưng có thẩm quyền phán quyết tín dụng đối với một khách hàng doanh nghiệp là 8 tỷ đồng. Các bảo lãnh do giám đốc chi nhánh tự phát hành đã vượt thẩm quyền. Nhưng khá lạ là, các bảo lãnh vượt thẩm quyền mà doanh nghiệp cung cấp đều được Petec chấp nhận.

Ảnh minh họa

Bảo lãnh giả, rút tiền thật

Mặc dù “rút” được số tiền rất lớn từ bán xăng dầu, nhưng nhóm Cty của Ngô Quang Đạo và Phạm Thị Thu Dung vẫn bị mất cân đối tài chính, bị nợ quá hạn lớn và đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng mua xăng dầu trả chậm.

Vì không còn tài sản thế chấp để được cấp bảo lãnh thanh toán, Đạo và Dung đã chỉ đạo một số nhân viên làm giả chứng thư bảo lãnh, trong đó từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012, đã làm giả 78 bảo lãnh của 3 ngân hàng lớn. Cụ thể: Làm giả 6 chứng thư bảo lãnh của MB chi nhánh Hai Bà Trưng, 4 chứng thư bảo lãnh của Agribank (chi nhánh Cẩm Giàng) để Cty Tiền Phong và Cty Cẩm Giàng làm đảm bảo mua xăng dầu...

Đồng thời, ông Đạo đã chỉ đạo làm giả 16 chứng thư bảo lãnh mang danh Vietinbank, chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) để các Cty của mình tiếp tục mua hàng từ Petec Hà Nội, bán lấy tiền đảo những khoản nợ cũ bị quá hạn...

Như vậy, nhóm Cty của Đạo và Dung đã sử dụng 85 bảo lãnh giả, bảo lãnh khống với tổng trị giá 1.284 tỷ đồng để mua xăng dầu, chiếm đoạt 468 tỷ đồng của Petec.

Đến tháng 11/2012, 6 Cty trên còn nợ 2 chi nhánh Petec hơn 494 tỷ đồng, tương ứng 34 chứng thư bảo lãnh đang còn hiệu lực và đều là chứng thư giả.

Với những sai phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng, Ngô Quang Đạo và Phạm Thị Thu Dung bị đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hai cán bộ của Petec cũng bị xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nguyên giám đốc của các chi nhánh ngân hàng cũng được triệu tập ra tòa với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng”.

Hải Hà – Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh