Phạt hành chính chủ “gỗ trôi sông Đắk Bla” Kon Tum
- Pháp luật
- 23:49 - 18/02/2017
Sự việc xảy ra vào chiều 17/1, nhóm PV phát hiện tại sông Đắk Bla có nhiều bè kết gỗ lậu trôi sông. Chỉ trong 1 giờ PV ghi nhận khoảng 60 bè, mỗi bè kết 2 đến 4 lóng gỗ. Địa điểm xảy ra tại xã Đắk Rơ Wa (TP. Kon Tum). Các bè gỗ tập kết trong mỏ cát thuộc quản lý của Công ty TNHH vật liệu xanh Bảo Sơn (thôn Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa), bên trong có 2 xe cẩu và 3 xe tải, trong đó 2 xe tải đã được chất hàng chục lóng gỗ bên trên. Tuy nhiên, khi báo Kiểm lâm TP. Kon Tum đến bắt, thì những xe gỗ “bất ngờ” biến mất, chỉ còn 25 khúc gỗ (khối lượng 9,7m3) bên dưới mép sông.
Kết quả việc điều tra cho thấy, chủ của 25 lóng gỗ là Nguyễn Thái Hoàng mua của một số người tại bờ sông Đắk Bla thuộc thôn Kon Jơ Ri, xã Đắk Rơ Wa, nhưng không rõ tên tuổi của họ. Mua gỗ xong, Hoàng thuê Nguyễn Minh Toàn (1988, trú tại Kon Tum) điều khiển xe tải mang BKS: 82k-1589 (xe này Toàn lại thuê của 1 người khác) để chở gỗ đi. Tuy nhiên, khi bốc lên được 3 khúc gỗ phát hiện gỗ không có giấy tờ nên tài xế không chở nữa. Về xử lý chủ gỗ, Hạt Kiểm lâm cho biết, vụ việc mang tính hành chính. Mức xử phạt hành vi mua bán 25 lóng gỗ vi phạm (9,7m3) là khoảng 40 triệu đồng, vượt quá thẩm quyền nên chuyển hồ sơ đề nghị chi cục xử lý.
Chiếc ô tô độ chế không rõ tăm tích (điểm sáng khoanh tròn)
Trong báo cáo điều tra về vụ việc này, ông Vũ Hồng Sinh, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm TP. Kon Tum đánh giá là “tạm ổn”. Cũng theo ông Sinh, khi trục vớt những lóng gỗ dưới mép sông nhiều lóng “chìm nổi” nên không dám khẳng định đã trục vớt hết.
Và nhiều câu hỏi khiến dư luận băn khoăn là: ngoài chiếc xe tải mang BKS: 82K-1589 mà ngành chức năng đã điều tra ra còn thêm 2 chiếc xe tải khác (1 chiếc tải chở ít nhất 10 lóng gỗ). Vậy chiếc xe chở gỗ còn lại này đã đi đâu chỉ trong thời gian khoảng nửa giờ đồng hồ, trong khi chỉ có một con đường độc đạo để ra khỏi thôn Kon Jơ Ri?. Tại sao khi một số đối tượng cố dùng tay đẩy gỗ vi phạm ra lòng sông , 4 kiểm lâm có mặt tại đó không có động thái gì? Và động cơ của việc đẩy gỗ này để làm gì?. Đây là câu hỏi dành cho các ngành chức năng, hay để dư luận tự đánh giá.Nguồn gốc gỗ lậu trôi sông Đắk Bla bị các đối tượng khai thác từ đâu vẫn chưa được điều tra làm rõ. Dư luận đặt vấn đề, phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đang giải quyết phần ngọn là bắt giữa tịch thu gỗ, điều tra xử lý người kinh doanh mua bán gỗ trái phép, mà chưa có biện pháp ngăn chặn tận gốc đối với các đối tượng vào rừng chặt pháp lấy gỗ bán trục lợi bất chính. Điều này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc tại Kon Tum nói riêng và các tỉnh có rừng giáp ranh với Kon Tum vẫn đang còn nhiều bất cập.
Lâm tặc đẩy gỗ lậu ra sông
Ông Nguyễn Quốc Vương, Chánh văn phòng UBND TP. Kon Tum cho biết, đã nhận được báo cáo kiểm điểm của UBND xã Đắk Rơ Wa và Hạt kiểm lâm TP Kon Tum. Hiện thành phố đã thành lập hội đồng để kỷ luật cán bộ UBND xã có trách nhiệm liên quan. Riêng Hạt kiểm lâm thì Sở NN&PTNT xử lý.
Ông Phanh Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đắk Jơ Wa cho biết, trong bảng kiểm điểm gửi UBND TP Kon Tum, bản thân nhận hình thức phê bình, bởi trách nhiệm của địa phương là chưa sâu sát trong việc tăng cường kiểm tra. Trước đó, ông Nam cho biết, những người liên quan làm kiểm điểm trong vụ việc này gồm Chủ tịch xã, lực lượng quân sự, công an xã.
Theo ông Vũ Hồng Sinh, trong vụ việc gỗ trôi sông, lãnh đạo như ông cũng có trách nhiệm khi chưa quản lý chặt chẽ.