THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:08

Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em

 

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2016

Tham dự Lễ phát động có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Bộ trưởng; Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam Trần Thị Thanh Thanh; Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng; Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Đồng đội TƯ Nguyễn Long Hải cùng đại diện lãnh đạo 31 Sở LĐ-TB&XH khu vực phía Bắc.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Văn Đọc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy cùng đại diện các bộ, ban, ngành. Đặc biệt, Lễ phát động còn có sự tham dự của 350 trẻ em tỉnh Quảng Ninh, đại diện cho trên 26 triệu trẻ em cả nước tham dự.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh  phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2016.

 

Đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Theo Công ước này, trẻ em có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ khỏi bị thương tích và bạo lực. Tuyên bố Một thế giới phù hợp trẻ em năm 2002 đã nêu rõ yêu cầu các quốc gia thực hiện “chăm sóc cho mọi trẻ em, nuôi dạy trẻ trong một môi trường an toàn tạo điều kiện cho các em có cuộc sống thể chất khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái”. Việc phê chuẩn các văn kiện, điều ước quốc tế nêu trên đã đặt ra trách nhiệm pháp lý của nước ta trước cộng đồng quốc tế về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. Hiện nay cả nước có khoảng trên 26 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khoảng trên 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2016


Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gửi tới các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất. Bộ trưởng khẳng định, Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em 2015 là “Lắng nghe trẻ em nói” để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề có liên quan đến trẻ em, đặc biệt là tạo điều kiện để trẻ em được tham gia đầy đủ vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể lắng nghe được các em nói, nếu như các em không được đảm bảo cuộc sống an toàn, không có cơ thể lành lặn và không bị tai nạn, thương tích. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tháng hành động vì trẻ em 2016 được lựa chọn với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em” nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển".

Giai đoạn 2010 -2014, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như: tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng... Và mỗi ngày có hàng chục gia đình chịu mất mát, đau thương vì sự ra đi mãi mãi của các con, em họ do tai nạn, thương tích. Nhưng trên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều nơi chưa coi trọng việc phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em vẫn còn nhiều, những chỗ có nguy cơ đuối nước lại không có biển cảnh báo, hoặc đã cắm biển cảnh báo nhưng biển quá nhỏ, quá mờ hay đặt ở góc khuất tầm nhìn. “Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân (trong đó có trẻ em) chưa cao. Nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ, đã dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Chính bản thân trẻ em cũng còn thiếu ý thức tự bảo vệ mình, thiếu kỹ năng phòng tránh, xử lý khi gặp tai nạn, thương tích”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn


Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian qua, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để tăng cường phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em như triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2013 -2014; Ký kết kế hoạch liên tịch phòng, chống đuối nước trẻ em, xây dựng và nhân rộng các mô hình Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn, Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Để tiến tới mục tiêu giảm thiểu tình hình tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Bộ trưởng yêu cầu: “Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, cần thực hiện đồng bộ và can thiệp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; Tăng cường truyền thông, vận động xây dựng và thực hiện tốt các tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích. Đặc biệt, việc tăng cường dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em ở một đất nước có bờ biển dài, nhiều sông, suối, kênh, hồ... làm một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em. Chúng ta phải thống nhất nhận thức và mục tiêu: Tất cả mọi loại tai nạn, thương tích trẻ em đều có thể phòng, chống được nếu có kiến thức và ý chí hành động!”

Cần rà soát, loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn, thương tích, tạo cho trẻ một môi trường sống an toàn

Tuyên bố phát động Tháng hành động vì trẻ em 2016, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương xây dựng chương trình và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đồng thời, cần rà soát, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích trẻ em tại gia đình, trường học và cộng đồng; dạy cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm gây tai nạn, thương tích trẻ em. Việc hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, thương tích cho trẻ em cũng cần được đặc biệt quan tâm thực hiện thường xuyên. Thông qua việc tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con, em mình, chúng ta cùng góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị mắc và tử vong do tai nạn, thương tích. “Các gia đình cần quan tâm nhiều hơn nữa, chủ động nhiều hơn nữa trong việc chăm sóc và tạo môi trường gia đình an toàn cho trẻ em. Những hoạt động của cả cộng đồng như vậy sẽ tạo điều kiện để mọi trẻ em không chỉ có một kỳ nghỉ hè mà cả năm được an toàn, không bị tai nạn, thương tích”- Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng quà và mũ bảo hiểm cho các trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích.

 

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phòng ngừa tai nạn đuối nước trong mùa hè và mùa mưa lũ; ban hành kế hoạch triển khai tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý giáo dục thanh, thiếu nhi, học sinh hè năm 2016. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động toàn xã hội tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Quảng Ninh cũng tập trung tổ chức các lớp dạy bơi, cứu đuối, giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ; triển khai các mô hình xây dựng Ngôi nhà an toàn, Cộng đồng an toàn, Trường học an toàn; rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ. Quảng Ninh cũng cam kết sẽ cố gắng hết mình để chăm lo tốt hơn nữa về mọi mặt cho trẻ em của tỉnh.

Tại Lễ phát động, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia gửi tặng 400 mũ bảo hiểm xe máy, 10 suất học bổng trị giá 2 triệu đồng cho 10 trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích. Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tặng 50 suất quà cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và tặng 11 máy trợ thính cho 11 trẻ em khiếm thính của tỉnh Quảng Ninh; Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ 10 trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn thương tích mỗi trẻ một suất quà trị giá 1 triệu đồng.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh.


Ngay trong buổi phát động, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tài trợ đã ủng hộ gần 7,5 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Cũng trong dịp này, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tập thể Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Một số hình ảnh tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2016:

Huyền Minh/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh