Phát động cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - Startup Kite 2022 cho học sinh, sinh viên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 10:29 - 25/06/2022
Trong thời đại 4.0, chuyển đổi số có vai trò vô cùng quan trọng đối với các quốc gia, các doanh nghiệp và mỗi cá nhân. Để thúc đẩy, khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường, ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.
Thực hiện chỉ đạo của chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành quyết định 929 ngày 28/6/2019 phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 nhằm thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần tự tạo việc làm của học sinh sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
“Đây cũng chính là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, có biện pháp để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của học sinh sinh viên, đồng thời cũng là cơ sở để các doanh nghiệp gắn kết hơn với các cơ sở giáo dục nghiệp. Qua đó góp phần thúc đẩy, ươm mầm sáng tạo ngay trong nhà trường”, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết.
Để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức kỳ thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp –Startup Kite.
Qua hai năm tổ chức, có 2818 ý tưởng, dự án của các học sinh sinh viên dự thi, trong đó có 105 dự án dự thi vào vòng chung kết và có 73 dự án đạt giải.
Thông qua cuộc thi, nhiều dự án đang trong giai đoạn phôi thai nghiên cứu hoặc đang thử nghiệm nhưng đã tạo động lực hỗ trợ, thực hiện hóa và thành công. Chẳng hạn như sản phẩm máy đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn của các bạn học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM) đã được hỗ trợ xuất khẩu đi Mỹ, hay dự án hỗ trợ thành lập HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình-làng nghề truyền thống của trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Tuyên Quang…
Chính vì vậy, lễ phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2022 –Startup Kite 2022 cũng nhằm thực hiện thành công đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại đây, các bạn học sinh sinh viên sẽ có một sân chơi sáng tạo, khởi nghiệp và thành công. Qua đó, làm thay đổi nhân thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp; giúp nhiều bạn trẻ tin tưởng lựa chọn giáo dục nghề nghiệp làm nơi học tập, rèn luyện, khởi nghiệp. Từ đó nhằm đáp ứng những yêu cầu về nguồn nhân lực, đổi mới đất nước, yêu cầu về lao động có kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học công nghệ. Sự thành công của các dự án, ý tưởng khởi nghiệp cũng chính là nhân tố thúc đẩy sự thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo.
Theo các đại biểu, Startup Kite 2022 cũng là đòn bẩy giúp các ý tưởng, đề án khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước sang một giai đoạn cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp.
Startup Kite là chương trình hàng năm nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là sân chơi bổ ích kích thích khả năng sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh và trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh sinh viên.
Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã đóng góp vào kinh tế đất nước, giải quyết việc làm, đặc biệt là tạo ra việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Là đơn vị đăng cai tổ chức Startup Kite 2022, ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TP HCM) cho biết, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là chủ đề được cả nước quan tâm. Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên Giáo dục nghề nghiệp năm 2022 –Startup Kite 2022 được tổ chức tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh sinh viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Và thực tế đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có những đóng góp không nhỏ vào kinh tế đất nước, giải quyết việc làm và tăng tính đa dạng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được thành công, các đại biểu cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần coi trọng công tác hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh sinh viên, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường và của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó cần, đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích đổi mới sáng tạo để phá vỡ những định kiến, những lối mòn trong tư duy. Cần thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường cao đẳng.
Nhà trường và các thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền đam mê cho các học sinh sinh viên, giúp học sinh xác định rõ việc học tập là để thay đổi cuộc sống sau khi ra trường.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần khuyến khích học sinh sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những mô hình kinh doanh mới; có những đề tài ứng dụng và có tính thương mại từ đó hình thành các doanh nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Dự kiến Lễ trao giải Startup Kite 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 11, tại TP. Hồ Chí Minh. Các thành viên ban giám khảo, cố vấn cuộc thi là các doanh nhân tiêu biểu, có nhiều kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp thành công.
Cơ cấu giải thưởng năm 2022 gồm: 1 giải nhất, tối đa 2 giải nhì, tối đa 3 giải ba, giải khuyến khích và các giải khác. Mỗi giải nhất, nhì, ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm tiền thưởng, cúp khởi nghiệp và có cơ hội nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.
Đây là lần thứ 3 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp, với 2 lần tổ chức trước đó vào năm 2020 và 2021 đã có một số dự án được các nhà đầu tư, doanh nhân tiếp tục phát triển các ý tưởng thành dự án lớn, mang lại nhiều giá trị.