Phân tích, hướng dẫn giải đề thi khảo sát lớp 12 môn Ngữ văn ở Hà Nội năm 2019
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:41 - 27/03/2019
Đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 12 năm học 2019 của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Dưới đây là phân tích và hướng dẫn giải đề thi môn Ngữ văn do các giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi đưa ra.
Phân tích đề: Đề thi khảo sát chất lượng lớp 12 của Sở GD&ĐT Hà Nội có cấu trúc tương tự như Đề tham khảo 2019 và đề thi THPT quốc gia năm 2018. Không có bất kì sự thay đổi hay tăng lên về độ khó so với các đề đã ra. Điểm thay đổi duy nhất nằm ở phạm vi kiến thức. Đề thi khảo sát chất lượng của Hà Nội hoàn toàn vào chương trình Ngữ văn lớp 12; không đề cập đến bất kì một kiến thức nào nằm trong chương trình Ngữ văn 11 và Ngữ văn lớp 10. Có thể thấy, đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội đã bám rất sát Đề tham khảo 2019 của Bộ GD&ĐT.
Cấu trúc đề thi: Đề thi vẫn duy trì cấu trúc quen thuộc. Gồm hai phần: Phần Đọc hiểu (3,0 điểm): Sử dụng ngữ liệu nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. 4 câu hỏi nhỏ đi kèm được sắp xếp theo độ khó từ nhận biết đến vận dụng cao. Phần Làm văn (7,0 điểm): Gồm hai câu hỏi là viết đoạn văn và nghị luận văn học. Câu viết đoạn văn (2,0 điểm): Trình bày suy nghĩ về một vấn đề được nêu ra trong phần Đọc hiểu.
Câu nghị luận văn học (5,0): Làm sáng tỏ nhận định về tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 tập một.
Nội dung và phạm vi đề thi: Phần Đọc hiểu: Đã thành thông lệ trong việc ra đề thi nhiều năm, phần ngữ liệu đọc hiểu luôn nằm ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn của cả ba khối. Học sinh được yêu cầu đọc và trả lời các câu hỏi liên quan đến ngữ liệu. Bốn câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự tăng dần về độ khó. Cụ thể: Câu 1: Nhận biết. Câu 2: Thông hiểu. Câu 3: Vận dụng. Câu 4: Vận dụng cao.
Tổng điểm của phần Đọc hiểu là 3,0 điểm. Học sinh nên dành khoảng thời gian từ 20 phút đến 30 phút cho phần này. Đây là phần học sinh dễ đạt điểm tuyệt đối nhất.
Phần Làm văn: Câu viết đoạn văn: Có điểm số là 2,0. Vẫn giữ nguyên yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ của mình về một ý kiến, vấn đề đã được nêu trong phần Đọc hiểu. Dung lượng chữ khoảng 200 chữ.
Câu nghị luận văn: Đề bài yêu cầu học sinh làm sáng tỏ một ý kiến nhận xét về tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 12. Học sinh phải kết hợp nhiều thao tác (phân tích, chứng minh và bình luận) mới có thể xử lí được câu hỏi này. Dạng bài này được đánh giá là khó, chỉ xếp sau dạng bài so sánh.
So sánh với Đề tham khảo 2019 và Đề thi THPT chính thức 2018.
Đề thi khảo sát chất lượng lớp 12 của Sở GD&ĐT Hà Nội có cấu trúc, phạm vi kiến thức tương đương Đề tham khảo thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT. Nhưng so với đề thi chính thức năm 2018, dễ dàng nhận thấy phạm vi kiến thức đã có sự thu hẹp lại.
Nếu đề thi năm 2018, yêu cầu học sinh trình bày sự hiểu biết về các kiến thức có trong hai lớp là 11 và 12 thì Đề tham khảo và Đề của Hà Nội chỉ hỏi về các kiến thức trong lớp 12. Còn phần kiến thức lớp 10, cả ba đề thi đều không động đến một phạm trù kiến thức nhỏ nào. Đây là một sự lưu ý, thay đổi lớn mà học sinh cần lưu tâm để lập ra cho mình một trọng tâm ôn thi đúng đắn.
Hướng dẫn làm bài, phần câu gợi ý, đọc hiểu: Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện sự ác liệt của chiến tranh: bom rơi đạn nổ; tràng pháo bất ngờ đã giết chết năm người và làm bị thương hai người; nằm trong làn đạn lửa của những trái pháo; chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.
Đoạn trích hướng tới ba má và các em yêu thương. Tình cảm đó cho thấy người viết nhật ký là người: sống tình cảm luôn hướng về người thân, ưa bày tỏ tâm tư, chia sẻ.
Biện pháp tu từ so sánh (so sánh không ngang bằng): chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm.
Tác dụng: Nhấn mạnh sự khốc liệt, dữ dội của chiến tranh và sự hy sinh, chết chóc nơi chiến trường diễn ra với tần suất lớn, quá dễ dàng. Làm câu văn trở nên sinh động, giàu hình ảnh.
Học sinh đưa ra suy nghĩ về dòng tâm sự của nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Gợi ý: Con người sống gắn với thực tế và hiểu hoàn cảnh chung của đất nước. Con người hòa chung với quyết tâm đấu tranh, sẵn sàng hy sinh thân mình vì nền độc lập, sự nghiệp của dân tộc.
Làm văn: Trình bày suy nghĩ của bản thân về thế hệ thanh niên trong những tháng năm "bom rơi đạn nổ".
a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn.
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Suy nghĩ của bản thân về thế hệ thanh niên trong những tháng năm "bom rơi đạn nổ".
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Học sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề nghị luận dựa trên những gợi ý sau: Thế hệ thanh niên trong tháng năm "bom rơi đạn nổ" là một thế hệ trẻ sẵn sàng rời bỏ nhà trường, gia đình, quê hương tham gia vào chiến trường. Thế hệ trẻ gan góc, kiên cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh bản thân mình để hoàn thành các nhiệm vụ của dân tộc. Dù trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, nhưng thế hệ trẻ vẫn luôn thể hiện sự hồn nhiên, trong sáng và yêu đời.
Mở rộng và liên hệ: Thế hệ trẻ hiện nay cũng trải qua tháng năm "bom rơi đạn nổ" trên các mặt trận kinh tế - văn hóa, xã hội: học tập, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân, vượt qua mọi khó khăn thử thách, bắt kịp đà phát triển của thế giới trong thời đại 4.0.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
đ. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Về bài thơ "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến nhận xét: Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi. Qua hai đoạn thơ trong bài "Sóng", anh/chị hãy phân tích để làm sáng tỏ nhận định trên.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Phân tích hai đoạn thơ trong bài thơ "Sóng" để làm rõ ý kiến nhận xét: "Đó là những vần thơ thể hiện một tình yêu vừa rộng mở, lớn lao lại vừa thân thương, gần gũi.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau: Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh và bài thơ "Sóng" cũng như hai đoạn thơ cần phân tích.
Đoạn thơ 1: Khát vọng lớn lao, rộng mở trong tình yêu
Xuân Quỳnh đã phát hiện ra một quy luật: tình yêu luôn gắn liền với tuổi trẻ, cũng "bồi hồi" luôn thường trực trong trái tim của người trẻ một cách trường tồn, vĩnh hằng giống như con sóng "ngày xưa, ngày sau", vẫn tồn tại, chuyển động, "dữ dội, dịu êm và ồn ào, lặng lẽ" luôn khát khao được hướng đến bể rộng.
Tác giả đã đặt sóng trong thời gian đối lập và vĩnh hằng "ngày xưa", "ngày sau" để khẳng định quy luật tất yếu của sóng, đó cũng là quy luật tất yếu trong tình yêu của người trẻ tuổi.
Nhà thơ đã chỉ ra quy luật trong tình yêu của con người với nhiều cung bậc khác nhau; khát vọng lớn lao, rộng mở trong tình yêu cũng giống như quy luật trong tự nhiên của sóng.
Đoạn thơ 2: Nỗi nhớ vừa da diết mãnh liệt vừa gần gũi trong tình yêu
Dù bất lực trong hành trình tìm kiếm nguồn gốc của tình yêu nhưng Xuân Quỳnh đã phát hiện ra được biểu hiện của tình yêu, đó là nỗi nhớ.
Nhà thơ đã liên tưởng và nhân hóa hình tượng sóng cũng như đặt sóng trong không gian đối lập để thấy rằng sóng vì nhớ tới bờ mà luôn vỗ miên man, vô hồi, vô tận bất kể ngày đêm.
Cách dùng từ để thể hiện nỗi nhớ bờ của sóng hết sức sáng tạo, độc đáo qua việc dùng từ tương phản "ngày, đêm" góp phần thể hiện nỗi nhớ của sóng mãnh liệt vượt qua cả thời gian để hướng đến bờ.
Từ chỗ diễn tả nỗi nhớ bờ của sóng nhà thơ đã liên tưởng đến nỗi nhớ trong tình yêu của em. Nếu sóng nhớ bờ vượt qua thời gian ngày đêm thì nỗi nhớ của em dành cho anh còn vượt qua cả giới hạn "ngày đêm" để nỗi nhớ tràn vào trong tâm thức.
Bao trùm cả đoạn thơ là nỗi nhớ, nỗi nhớ phải chăng trở thành biểu tượng trong tình yêu. Nỗi nhớ của tình yêu như trăm ngàn con sóng vỗ bờ vô hồi, vô tận và không ngừng nghỉ. Việc sử dụng các từ đối lập "ngày – đêm", "thức – ngủ" đều nhằm thể hiện nỗi nhớ vừa mãnh liệt vừa thân thương, gần gũi trong tình yêu.
Nhận xét: Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện một tình yêu truyền thống với những yêu thương, gần gũi; nhưng cũng đầy lớn lao và rộng mở khi chủ động bày tỏ những khát vọng, cảm xúc mãnh liệt của người con gái hiện đại trong tình yêu.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Lịch kiểm tra từng môn: Ngày 27/3: Sáng: Ngữ văn; chiều: Toán. Ngày 28/3: Sáng: Khoa học tự nhiên; chiều: Tiếng Anh. Ngày 29/3: Sáng: Khoa học xã hội. |