THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:38

Phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong giảm nghèo bền vững

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc với hơn 265 km đường biên giới, hơn 60% diện tích có độ cao trên 1000m, hơn 90% diện tích có độ dốc trên 25 độ. Dân số toàn tỉnh tính đến cuối năm 2018 là 456.000 người, gồm 20 dân tộc sinh sống trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 86%. Tính đến nay, toàn tỉnh có 08 huyện, thành phố, 108 xã phường, hơn 1.260 thôn bản. Trong đó có 4 huyện nghèo theo quyết định 30A. 62 xã, 696 thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, các chính sách pháp luật về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện ở Lai Châu đã  phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 15,42% xuống còn gần 25%. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm 5,14/năm. Giai đoạn này cũng có 2/8 huyện thoát nghèo trước thời hạn 2 năm, 13/75 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, bình quân thu nhập đầu người năm 2018 đạt gần 33 triệu đồng. Toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ tái nghèo và nghèo phát sinh còn cao, nhiều hộ thoát nghèo lại rơi vào hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền, các dân tộc.

 

Nhiều người dân Lai Châu đã thoát nghèo nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững


Tại buổi làm việc với tỉnh Lai Châu, các đại biểu trong Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm là cần phải tăng cường sự tham gia của địa phương và người dân trong hoạch định chính sách cũng như giám sát triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, cần phải áp dụng các chính sách có thời hạn. Thực tiễn tại Lai Châu cho thấy huyện Than Uyên và Tân Uyên đã thoát nghèo và dừng lại các nguồn vốn hỗ trợ nhưng lại không được tiếp tục đầu tư các công trình hạ tầng đang thực hiện dở dang, gây lãng phí và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Thực tiễn cũng cho thấy cần phải có sự phân cấp, phân quyền mạnh hơn để thực hiện công tác giảm nghèo, trung ương chỉ xây dựng cơ chế, chính sách, cấp vốn và hậu kiểm, địa phương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, tuỳ tình hình cụ thể của từng vùng mà bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai trong đó có vai trò giám sát của người dân, trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế như hiện nay thì trước hết cần phải nâng cao năng lực cấp xã, đào tạo dần để đáp ứng yêu cầu trong phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần phải tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, tránh sự chồng chéo, tránh trường hợp cùng một chính sách nhưng nhiều bộ ngành triển khai với các định mức khác nhau, rất khó quản lý và thiếu sự công bằng trong thụ hưởng; Cần có chính sách linh hoạt hơn trong cán bộ để huy động nguồn lực phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh  Lai Châu trong việc triển khai chính sách đầy đủ và đồng bộ.  Đặc biệt tỉnh đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và điện, hỗ trợ sản xuất nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đồng thời lồng ghép các chính sách giảm nghèo với chương trình di dân tái định cư thuỷ điện, dịch vụ chi trả môi trường rừng. Do đó, công tác giảm nghèo đạt được kết quả ấn tượng. Năm 2018, huyện Than Uyên và Tân Uyên đã thoát nghèo theo chương trình 30A của Chính phủ.

Ông Hà Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh,  để giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tích hợp chính sách, giảm đầu mối quản lý, phân cấp phân quyền mạnh hơn đảm bảo nguồn lực, công khai minh bạch, kịp thời. Đồng thời,  giảm các chính sách hỗ trợ trực tiếp và tiến tới chấm dứt, chỉ hỗ trợ gián tiếp và hỗ trợ mang tính động lực, có chính sách đặc thù cho vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số ít người.  Đồng thời, cơ chế chính sách huy động nguồn lực, huy động các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn cũng cần phải rà soát, xây dựng và bổ sung hoàn thiện…

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh