Phản cảm
- Văn hóa - Giải trí
- 13:47 - 08/09/2019
Người đứng đầu ngành văn hoá đất nước cho rằng, người mẫu này đến dự Liên hoan phim Cannes (Pháp) với tư cách cá nhân, nhưng ăn mặc "hết sức phản cảm", cần lên án. Thậm chí, Bộ trưởng Thiện cho biết sẽ nghiên cứu quy định để xử phạt các trường hợp tương tự.
Sự "phản cảm" mà ngài Bộ trưởng lo lắng đến từ chiếc đầm xuyên thấu cơ thể, được cắt khoét, xẻ hai tà cao quá hông của người mẫu trên thảm đỏ Cannes. Ngay sau khi những bức ảnh ấy được phát tán, mạng xã hội và truyền thông đồng loạt bàn tán, bình phẩm không ngớt. Có ý kiến cho đó là quyền cá nhân. Người lại nói đó là hành vi "phản cảm" không thể chấp nhận.
Nhưng điều tôi ngạc nhiên nhất là sự việc đã đi vào cả nghị trường Quốc hội một cách nghiêm túc, được sử dụng phân tích bởi người đứng đầu một cơ quan hành pháp với các nhà lập pháp.
Tôi cố gắng đi tìm hiểu ý nghĩa nội hàm của từ "phản cảm" là gì mà có sức ảnh hưởng ghê gớm đến như vậy. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, chưa có định nghĩa về khái niệm này. Tôi hỏi các nhà ngôn ngữ học thì mỗi người đưa ra một cách hiểu khác nhau.
Một nhà ngôn ngữ học giải thích "cảm" là tình cảm, cảm tình. "Phản cảm" là làm cho không còn tình cảm. Một nhà nghiên cứu Hán Nôm chia sẻ, trước đây, từ phản cảm rất ít khi được dùng, gần đây mới bị lạm dụng. Theo nguyên nghĩa tiếng Trung, "phản cảm" là cảm giác, tâm lý phản đối, không hài lòng. Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, "phản cảm" là gây ra phản ứng tiêu cực, làm cho cảm thấy bực mình, khó chịu và thường nói về người thưởng thức nghệ thuật.
Còn tôi hiểu rằng, phải chăng "phản cảm" đang được dùng hiện nay là một tính từ mang nét nghĩa nào đó rất thiêng liêng, thấm nhuần bản sắc, được coi là đúng đắn, mang nhiều giá trị văn hoá nên hiển nhiên được mọi người thừa nhận và phổ biến.
Nhưng làm sao mà sự "cảm" của mỗi quan chức, mỗi nhà báo, mỗi người dùng mạng xã hội, của gần trăm triệu người dân Việt Nam lại cùng giống nhau, theo một nghĩa mơ hồ nào đó được?
"Phản cảm" là khái niệm mông lung, không có nội hàm rõ ràng. Nhưng đáng lo ngại thay là nó đang được lạm dụng để điều chỉnh xã hội. "Phản cảm" ngày càng phổ biến trong phát ngôn của quan chức. Nhiều quyết định xử phạt hành chính của nhà chức trách xuất phát từ khái niệm này.
Năm 2014, ca sĩ Hương Tràm mặc bikini biểu diễn trong quán bar ở Hà Nội. Sau đó, cô bị Sở Văn hoá phạt 10 triệu, cấm diễn 3 tháng vì "ăn mặc phản cảm khi biểu diễn, trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam".
Năm 2016, người mẫu Phương Mai mặc váy lộ vòng một, sau đó, bị Cục Nghệ thuật biểu diễn phê phán là phản cảm. Năm 2012, ca sĩ Thu Minh bị phạt 3,5 triệu vì mặc áo lấp ló vòng một ở đêm nhạc TP HCM. Năm 2011, Minh Hằng mặc bikini biểu diễn và bị Sở Văn hoá Quảng Bình phạt 3,5 triệu và nhắc nhở. Sau đó, cô một mực phản bác quyết định này vì khẳng định bộ đồ "không phản cảm".
Không ít nghệ sĩ khác cũng từng bị nhà chức trách xử phạt, cấm diễn chỉ vì mặc trang phục được cho là "phản cảm". Vì không định nghĩa được rõ ràng nội hàm của phản cảm, nên khái niệm này có quyền năng ghê gớm, giúp nhà quản lý xử phạt mọi đối tượng, mọi hành vi mà họ cảm nhận là phản cảm.
Khi còn làm phóng viên mảng văn nghệ, tôi được nghe nhiều tiếng kêu than trời của nhà sản xuất điện ảnh, hoạ sĩ truyện tranh, người làm sách, nhiếp ảnh gia, hoạ sĩ... bởi bao năm nay họ khốn khổ vì khái niệm "thuần phong mỹ tục" được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Đến nỗi nhiều nghệ sĩ trước khi lên ý tưởng sáng tạo tác phẩm nào đó luôn phải tự trả lời, tác phẩm này có vi phạm "thuần phong mỹ tục" hay không? Bởi chỉ sơ sẩy phạm vào vùng cấm mơ hồ đó, thì đứa con tinh thần có thể sẽ chết yểu trước khi đến được với công chúng.
Nhưng "thuần phong mỹ tục" dù có mơ hồ cũng còn là thứ đã được đưa vào văn bản. "Phản cảm" thì thậm chí còn không có trong văn bản mà chỉ có trong đầu quan chức. Sự mơ hồ tăng lên gấp bội. Chính khái niệm mơ hồ này đang là chiếc vòng kim cô trói buộc tư duy sáng tạo của nhiều quan chức và nghệ sĩ quốc doanh.
Mới đây, ông Cho Kwang Han, tân thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) ngỏ ý tặng cho TP Huế bức tượng Người đàn ông cúi đầu để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. Tượng cao 6 mét, đúc bằng nhôm và đá Machan với thông điệp tôn trọng và thấu hiểu và thể hiện phong cách chào hỏi khiêm nhường của người Hàn Quốc.
Vậy mà, chỉ vì đây là tượng người đàn ông khoả thân, nên khi nhận được lời đề nghị của phía Hàn Quốc, chính quyền TP Huế đã phải họp không biết bao nhiêu cuộc để cùng chuyên gia xem xét bức tượng có phản cảm hay không? Có nên nhận bức tượng hay không? Nếu nhận thì đặt ở đâu để không phản cảm? Thậm chí việc này vượt ngoài thẩm quyền của TP Huế, phải xin ý kiến tỉnh uỷ quyết định. Cuối cùng, Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế nhất trí đặt bức tượng Người đàn ông cúi đầu ở công viên 3/2, trước Đại học sư phạm Huế.
Một người đàn ông khỏa thân là "phản cảm". Ngay cả một con giáp tưởng tượng cũng có thể là "phản cảm". Năm 2017, bỗng một ngày người ta phát hiện trên dải phân cách một tuyến phố ở Hải Phòng xuất hiện con rồng được tạo hình bằng cây cảnh và hoa vàng giống hình tượng Pikachu trong phim hoạt hình.
Thời điểm đó, truyền thông và mạng xã hội lập tức dậy sóng với đủ khen chê trái chiều. Vì quá lo sợ các ý kiến cho đó phản cảm, khiến chính quyền Hải Phòng phải vội vàng tháo dỡ Pikalong.
Cái gì cũng vướng nguy cơ phản cảm, rất nhiều nhà quản lý đô thị quyết định rằng mình sẽ... không làm gì. Đi qua bao cung đường trên nhiều thành phố khắp đất nước, ta chỉ thường thấy những cây hoa lá được tạo hình kỷ hà vô tri, cây xanh được tỉa thành vuông, tròn, tứ giác. Ở một đất nước có nền mỹ thuật dày dặn bậc nhất Đông Á, đường phố đầy các hình "trang trí đường diềm" kiểu trẻ con cấp một. Nhưng có lẽ làm vậy thì sẽ tránh được... nguy cơ phản cảm.
Cũng vì loay hoay trong khái niệm mơ hồ là "phản cảm", mà bao năm qua, các sản phẩm văn hoá quốc doanh luôn chết yểu từ trong trứng nước, không thể bắt nhịp với hơi thở đời sống đương đại, dù được nhà nước đầu tư không ít tiền bạc.
Nhìn vào hệ thống tượng đài được nhà nước xây dựng từ Bắc tới Nam, ta dễ dàng bắt gặp những khuôn mẫu na ná nhau. Đó là danh nhân đứng vẫy tay chào hoặc ngồi đọc sách. Nền mỹ thuật quốc doanh gần như vắng bóng những tác phẩm có tính tương tác cao với con người, làm rung động người xem.
Các lĩnh vực xuất bản, nhiếp ảnh, truyện tranh, hội hoạ... do nhà nước đầu tư cũng đều chung số phận như vậy.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, vì sao công cuộc chống phản cảm ở nước ta lại vất vả, cực nhọc đến vậy. Mỗi khi có sự sáng tạo le lói loé lên, là lập tức bị quan chức, truyền thông, mạng xã hội lên án là "phản cảm". Cái khái niệm quyền lực đến hoang đường này, liệu có thể dẫn chúng ta đến chỗ không còn biết "cảm" cái gì nữa.