CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:05

PAPI 2017: Tham nhũng giảm nhưng đói nghèo vẫn đáng quan ngại

Năm 2017,  hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành đã được phỏng vấn trong giai đoạn khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) với sáu lĩnh vực nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công; và cung ứng dịch vụ công. 

 Kiểm soát tham nhũng,  thủ tục hành chính công có nhiều cải thiện

Trong sáu chỉ số nội dung được đo lường năm 2017, chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” gia tăng đáng kể nhất. Cụ thể, chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với 23% vào năm 2016; tỷ lệ người trả lời cho biết, họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/ thành phố giảm từ 17% vào năm 2016 xuống còn 9% năm 2017. Nhìn chung, 33 tỉnh có điểm chỉ số nội dung này tăng lên so với năm 2016, trong đó các tỉnh Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa- Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang tăng 20% hoặc cao hơn năm trước. Trong 6 tỉnh có chỉ số nội dung này giảm sút nhất, ba tỉnh Đăk Nông, Hưng Yên và Hải Phòng có mức sụt giảm tư 9% điểm trở lên..

PAPI 2017 cũng cho thấy xu hướng tích cực liên quan đến tham gia quá trình ra quyết định ở cấp địa phương. Tỷ lệ người dân ghi nhận các dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương được Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát tăng đáng kể, từ 21% năm 2016 lên 34% năm 2017. Tỷ lệ người dân ghi nhận có từ hai ứng cử viên trở lên để lựa chọn bầu cử trưởng thôn/ trưởng ấp/ tổ trưởng tổ dân phố cũng tăng từ 42% năm 2016 lên 49% năm 2017.

Lễ công bố PAPI 2017


Kết quả PAPI 2017 cũng cho thấy, tất cả các tỉnh đều có nhiều cải thiện về chỉ số Thủ tục hành chính công. Nhìn chung, người dân hài lòng hơn với dịch vụ hành chính ở các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở ba trong bốn dịch vụ làm thủ tục hành chính PAPI đo lường (gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận; cấp giấy phép xây dựng và thủ tục hành chính liên quan đến thân nhân được thực hiện ở cấp xã/ phường). Tỷ lệ người dân cho biết có điều kiện tiếp cận bộ phận “một cửa” cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tăng từ 79% năm 2016 lên 86% năm 2017. Đáng kể nhất là xu hướng thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: trong khi năm 2016 tỷ lệ phụ nữ ở khu vực nông thôn đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ít hơn 18% so với nam giới thì tỷ lệ này giảm xuống còn 9% vào năm 2017.

Tỷ lệ người dân phản ánh hộ gia đình bị thu hồi đất tiếp tục giảm, gần 7% số người trả lời cho biết gia đình họ bị thu hồi đất năm 2017, thấp hơn so với  tỷ lệ 9% giai đoạn trước năm 2013. Tuy nhiên, bồi thường thu hồi đất vẫn là vấn đề đáng quan ngại: năm 2014, 36% người dân bị thu hồi đất cho rằng mức bồi thường xấp xỉ giá thị trườn, song đến năm 2017, tỷ lệ này giảm xuống còn 21%

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá, chỉ số "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" đảo chiều theo hướng khá hơn sau một thời gian dài trượt dốc từ năm 2013 là điều đáng chú ý. Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy xu thế vừa đáng khích lệ vừa đáng lo ngại.

"Người dân có cảm nhận tốt hơn về hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Mặc dù vậy, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. Điều này cho thấy, các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng chống tham nhũng và bảo đảm rằng những phát hiện của khảo sát PAPI năm 2017 không chỉ là sự cải thiện tạm thời mà báo hiệu xu hướng đảo chiều có hệ thống và cơ bản sau một thời gian dài liên tục giảm đáng lo ngại" – ông Kamal Malhotra phát biểu.

 Nghèo đói là vấn đề quan ngại nhất

Cũng  theo Kết quả PAPI 2017, 28% người trả lời chọn nghèo đói là vấn đề đáng quan ngại nhất cần Nhà nước ưu tiên giải quyết. Cao thứ hai là tăng trưởng kinh tế và thứ ba là việc làm. Môi trường đã tụt từ vị trí quan ngại cao thứ hai năm 2016 xuống vị trí thứ tư năm 2017. Khảo sát năm 2017 cũng nghiên cứu sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Kết quả cho thấy đa số người dân, đặc biệt là những người có trình độ học vấn cao, không muốn đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

 Bên cạnh đó, báo cáo PAPI 2017 đưa ra bức tranh chung về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Năm 2017, điểm số của tất cả 63 tỉnh, thành tăng lên so với năm 2016, trong đó bảy tỉnh tăng đáng kể. Quảng Bình, Bến tre và Bạc Liêu là những tỉnh có điểm số nằm trong nhóm cao nhất ở năm trong sáu chỉ số nội dung. Các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh có điểm số tăng trên 8% so với kết quả năm 2016. Các tỉnh Hà Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Vĩnh Long cũng có điểm số tăng. So sánh giữa hai năm 2016 và 2017, 11 tỉnh gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Bến Tre và Cần Thơ giữ được phong độ của năm 2016; các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Đà Nẵng, Đồng Tháp gia nhập nhóm đạt điểm trung bình cao và Hưng Yên gia nhập nhóm điểm trung bình thấp.

Thủ tục hành chính công có nhiều cải thiện trong năm 2017


Tuy nhiên, ngay cả những với những tỉnh/thành phố thuộc nhóm đạt điểm cao nhất, các cấp chính quyền vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng những mong đợi ngày càng cao của người dân. Từ chỉ số PAPI tổng hợp, có thể thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể giữa điểm số cao nhất (39,52 điểm) và điểm số tối đa (60 điểm). Khoảng cách giữa điểm số cao nhất và điểm số thấp nhất (33 điểm) còn tương đối lớn, cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công , thực thi chính sách công giữa các tỉnh/thành phố không đồng đều. Kết quả PAPI 2017 cho thấy, các cấp chính quyền cần tiếp tục chú trọng phát triển công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch và chủ động tham vấn ý kiến người dân

"PAPI mới là một kết quả khảo sát. Nghiên cứu chỉ là điểm bắt đầu, hành động mới quan trọng. Chúng tôi cũng có những sự phối hợp với một số địa phương và rất hy vọng các địa phương khác cũng có kế hoạch hành động của riêng mình" – ông Kamal Malhotra nói. Còn TS Đặng Hoàng Giang- Phó GĐ TT nghiên cứu và phát triển hỗ trợ cộng đồng, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho rằng, với cơ sở dữ liệu PAPI 2017 và thông tin thực chứng từ khảo sát PAPI trong những năm tới, Chính phủ Việt nam sẽ có thể theo dõi tốt hơn quá trình tiến tới “Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân”.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh