THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:40

Cắt bỏ khoảng 40% thủ tục hành chính trong năm 2018

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2017, các lĩnh vực ngành đã có sự chuyển biến đồng bộ và kết quả đó cũng đã được Đảng, Chính phủ đánh giá rất cao. Trong kết quả đó, có sự phấn đấu nỗ lực không mệt mỏi, với sự nhiệt huyết cao của lãnh đạo các Sở và cán bộ công nhân viên chức trong toàn ngành trên cơ sở đoàn kết, thống nhất và đột phá mạnh hướng về cơ sở, trách nhiệm với đối tượng.

“Tôi hy vọng sinh khí, tâm thế cũng như tinh thần máu lửa của năm 2017 sẽ được chuyển sang năm 2018” - Bộ trưởng nói.

Về nhiệm vụ trong năm 2018, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thứ nhất, phải bám vào Nghị quyết 01 của Chính phủ và Quyết định 54 của Bộ trưởng cũng như nhiệm vụ chính trị do các địa phương đặt ra để nỗ lực phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là những chỉ tiêu của quốc gia. Thực hiện các vấn đề trọng tâm mà ngành đã đặt ra trong năm 2018 với phương châm Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả.

Thứ hai, tập trung cao cho hoàn thành thể chế trong đó có 2 văn bản có tính chất nòng cốt: đó là chuẩn bị tốt nhất việc sửa đổi Bộ Luật lao động và sửa Pháp lệnh Người có công.

Thứ ba là cải cách tiền lương với doanh nghiệp và cải cách BHXH, đây là vấn đề rất lớn toàn ngành phải tham gia. Tất cả những văn bản, chỉ thị các thông tư, nghị định cũng sẽ được ban hành. Tất các cơ quan, cục vụ của bộ phải hoàn thành tất cả các văn bản thể chế, không để nợ đọng, không để chậm tiến độ. Quan trọng là chất lượng văn bản, chính sách phải hợp lòng dân chứ không phải “trên trời dưới biển”.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phải coi giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018


Đi vào các công việc cụ thể, Bộ trưởng lưu ý: Vấn đề  giáo dục nghề nghiệp, phải coi là trọng tâm lớn của 2018. Cần tập trung vào quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề, nơi nào chưa quy hoạch phải khẩn trương quy hoạch, bám vào Nghị quyết T.Ư 6. Nhưng phải hiểu đúng tinh thần của Nghị quyết T.Ư 6, đó là về cơ bản mỗi địa phương có một trường nghề, tuy nhiên, không có nghĩa rằng mỗi địa phương có một trường, không máy móc tỉnh nào cũng có một trường nghề, như Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh có thể nhiều trường, nhưng Bắc Kạn, Cao Bằng… chỉ cần một trường thôi. Không để tình trạng hiểu không đầy đủ, phải linh hoạt, không cực đoan, không máy móc.

Trong giáo dục nghề nghiệp phải chuyển mạnh theo hướng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có địa chỉ. Khuyến khích các tổ chức tư nhân, các tổ chức nước ngoài đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, mạnh dạn giao tự chủ cho các cơ sở giáo dục có điều kiện, tự chủ về tài chính, tổ chức, giáo trình, giáo viên, bằng cấp, Bộ chỉ làm chức năng quản lý nhà nước, hướng dẫn thực hiện, tăng cường hậu kiểm.

Quản lý chặt tất các chương trình mục tiêu đặt hàng, chi tiêu kinh phí theo sản phẩm đầu ra. Xây dựng đề án chuyển đổi, đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần tự chủ, kết nối chuẩn hóa theo tinh thần 4.0; thực hiện chuẩn hóa trên 5 lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Về lĩnh vực người có công, tập trung vào các vấn đề: Các địa phương cần tổng kết pháp lệnh Người có công để sau đó chúng ta đánh giá, trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi pháp lệnh theo hướng mở thêm đối tượng nhằm quét tất cả các đối tượng, không bỏ sót đối tượng, phù hợp với tình hình KT-XH.

Tập trung giải quyết tồn đọng người có công, theo Quyết định 408 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công, mở rộng đối tượng của 408 theo hướng tiến hành đồng loạt trên cả nước. Những tỉnh còn ít hồ sơ đề nghị công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Đối tượng: tập trung vào đối tượng liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Bổ sung đối tượng 408 phải trên cơ sở minh bạch, công khai trong nhân dân, những trường hợp vướng mắc phải bàn tập thể thì báo cáo về Bộ. “Bản thân tôi có trường hợp tôi phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Ban Bí thư chứ không phải chỉ Bộ trưởng quyết định” - Bộ trưởng nói.

“Để chuẩn bị cho ngân hàng bia mộ, Bộ quyết định phấn đấu ra mắt 21/7/2018, không lùi thời gian. Do đó tôi đề nghị tất cả các công việc từ chụp ảnh, hoàn thiện hồ sơ Bộ sẽ phối hợp cùng với VNpost để làm. Những trường hợp vô danh sẽ thống nhất thành “Liệt sĩ chưa xác định tên”. Chúng ta thực hiện trong tết thanh minh, trong quá trình sửa mộ chúng ta làm nhẹ nhàng, không ầm ĩ. Sẽ có văn bản của Bộ để thông báo cho các địa phương. Từ nay trở đi, người không phải liệt sĩ không được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ, những nơi nào đã đưa vào rồi thì tách ra làm hai phân khu. Bên cạnh đó, Cục Người có công có hướng dẫn quy trình thăm viếng cho cả nước theo một quy trình thống nhất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH địa phương trao đổi với Bộ trưởng về những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của ngành


Về lĩnh vực việc làm và XKLĐ, theo Bộ trưởng, đây cũng là vấn đề rất lớn, cần khẩn trương xây dựng đề án phát triển thị trường lao động VN, trong đó có dự báo cung cầu lao động. Gắn liền vấn đề việc làm với năng suất lao động. Bộ trưởng lưu ý, sắp tới cần chuẩn bị tốt hai hội nghị: nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Liên quan đến lĩnh vực BHTN và các Trung tâm dịch vụ việc làm, Bộ trưởng cho biết, tinh thần là Nhà nước sẽ không dùng ngân sách để chi trả việc này. Vì vậy Trung tâm dịch vụ việc làm phải chủ động tâm thế để vươn lên thực sự… Về XKLĐ, năm 2017 đạt kỷ lục, nhiều thị trường được khai thông, năm 2018 cần tiếp tục phát huy.

Bộ trưởng cũng lưu ý các mặt công tác khác như bảo vệ,chăm sóc trẻ em, vấn đề bình đẳng giới, phòng chống TNXH… Đặc biệt là về cải cách hành chính và ứng dụng CNTT.

“Cải cách hành chính phải thực sự làm tốt hơn. Với tư cách người đứng đầu, tôi nói chúng ta cải cách hành chính chưa tốt, còn rườm rà, cần tập trung rà soát lại bộ máy, kiện toàn lại bộ máy theo hướng tinh gọn hiệu quả. Các đầu mối quản lý nhà nước không thay đổi nhưng các đơn vị sự nghiệp sẽ sáp nhập, các đơn vị không cần thiết thì dẹp bỏ, không dùng ngân sách nhà nước, phải tự chủ tài chính. Đặc biệt là phải dẹp bỏ quyết liệt các thủ tục hành chính không cần thiết và nhiêu khê cho nhân dân. Có rất nhiều thủ tục không phải giấy phép con nhưng hàm chứa của nó là giấy phép con. Tôi yêu cầu rà soát tiếp, tinh thần cắt bỏ khoảng 40% các thủ tục hành chính và giảm bớt vài chục thủ tục nữa. Tại sao ngành chúng ta là ngành phục vụ nhân dân mà quá nhiều thủ tục. Tôi đề nghị ngay cả các địa phương cũng phải rà soát lại ngay” - Bộ trưởng chỉ đạo.

Nhóm PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh