CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:11

Ông Nuôi “phòng cháy, chữa cháy”

 

Những sản phẩn chuẩn bị được xuất ra thị trường.


Mặc dù đã ở cái tuổi 70 nhưng ông Nuôi vẫn giữ nguyên tác phong nhanh nhẹn và tính kỷ luật của người bộ đội. Trong căn nhà đầm ấm, ông đã kể cho chúng tôi nghe cuộc đời binh nghiệp của mình, cũng như những ký ức không thể quên về chiến tranh, ở đó có ông và những người đồng đội của mình, có người đã hy sinh, có người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường.

Tháng 8/1970, ông lên đường nhập ngũ vào chiến trường C, tham gia chiến đấu giúp nước bạn Lào, ở đoàn 559, tham gia lái máy xúc lấp hố bom ở đỉnh đèo Phunaric của Lào. Trong khi nhiều đồng đội hy sinh thì ông đã may mắn sống sót, nhưng bị mảnh bom lia vào đùi và bị thương. "So với đồng đội thì tôi đã may mắn hơn rất nhiều, bởi tôi chỉ bị thương ở đùi do bị mảnh bom găm vào"- ông Nuôi tâm sự.

Năm 1977, ông lập gia đình với một người đồng đội quê ở Thanh Hóa. Đến năm 1988, ông xuất ngũ trở về quê hương, mang trên mình thương tật 23%. Thời điểm đó, nền kinh tế đất nước đang rất khó khăn, ông đưa gia đình lên Hà Nội làm thuê với đủ thứ nghề, từ bán hàng rong đến lao động chân tay nặng nhọc để trang trải cuộc sống. Sau nhiều năm lăn lộn mưu sinh ở thành phố, gia đình ông quyết định trở về quê để phát triển kinh tế.

Với sức khỏe và niềm đam mê của con người lao động, ông đã có ý định mở trang trại chăn nuôi nhưng đều bị gia đình phản đối vì lo cho sức khỏe của ông. Rồi trong một lần tình cờ nói chuyện với người anh em họ có công ty chuyên sản xuất thiết bị và phương tiện phòng cháy chữa cháy, ông Nuôi nhen nhóm ý tưởng phát triển kinh tế với mặt hàng này. Từ những ý tưởng ban đầu, ông  Năm 2001, ông mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng mua máy móc để mở xưởng sản xuất các thiết bị, phương tiện, dụng cụ phòng cháy chữa cháy.

 

Ông Nuôi luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn người lao động làm việc.


Chia sẻ về công việc của mình, ông Nuôi cho biết: “Là một người lính được rèn luyện, thử thách mình quyết tâm luôn tiến lên phía trước, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Thế nên dù là sức khỏe yếu thì vẫn phải đề cao tinh thần học hỏi và chăm chỉ lao động. Tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình cũng chính là làm giàu cho xã hội".

Hiện nay, xưởng sản xuất của ông Nuôi đang sản xuất các mặt hàng chủ yếu như hộp đựng dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, trụ nước, họng nước và các phương tiện khác. Mỗi tháng xưởng của ông xuất bán cho các doanh nghiệp trung bình từ 500 - 600 sản phẩm, thu lãi từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm. Xưởng của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho từ 8 - 10 lao động với mức lương trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Không chỉ tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho người lao động làm việc "đến nơi đến chốn", ông Nuôi còn sẵn sàng dạy nghề, truyền nghề cho nhiều người ở các địa phương khác muốn học hỏi.

"Để làm ra được các sản phẩm này đòi hỏi người thợ phải tỷ mỷ đến từng chi tiết. Người thợ phải khéo léo biết kết hợp giữa đôi tay và máy móc sao cho sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng" – ông Nuôi cho biết thêm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Nuôi còn được người dân và chính quyền địa phương đánh giá là người luôn có tâm với các hoạt động xã hội. Những năm qua, gia đình ông luôn đi đầu trong việc tham gia ủng hộ các phong trào, hoạt động tại địa phương, nhất là xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm; tích cực động viên, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn cả về tinh thần và vật chất.

Chia sẻ về những công việc đã làm vì cộng đồng, ông Nuôi tâm sự : “Xuất phát từ một người lính luôn mang trong mình tâm huyết lúc nào cũng tiến lên phía trước, chứ không thể lùi bước, dù là sức khỏe yếu, bệnh tật nhưng phải luôn tìm tòi, tạo công ăn việc làm vừa là đem lại kinh tế cho mình, vừa là để giải quyết việc làm cho con em địa phương. Khi mình có điều kiện sẽ chia sẻ những khó khăn với anh em đồng đội cũng như bà con lối xóm để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ mở xưởng sản xuất để có điều kiện cưu mang và giúp đỡ thêm được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh