THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:00

Ông Nguyễn Thanh Chấn: 'Tôi dùng tiền bồi thường để trả nợ'

Bà Chiến sức khỏe đã tốt lên và vui vẻ sau khi nhận được tin vui

Tối 5/6, trong căn nhà cấp 4 lợp ngói ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Thanh Chấn rưng rưng thắp nén hương báo với tổ tiên việc vừa nhận được tin vui TAND Tối cao đã đồng ý bồi thường 7,2 tỷ đồng.

Trong hai ngày 4-5/6, ông nhận được hai niềm vui lớn. Con gái cả Nguyền Thị Quyền sau 5 năm ra nước ngoài lao động để kiếm tiền giúp mẹ đi kêu oan đã về nước. Số tiền để cô mua vé máy bay cũng do bố mẹ vay và gửi sang. Hôm nay, lần đầu tiên sau 10 năm kể từ ông vướng lao lý, cả gia đình đã đoàn tụ đông đủ.

Ông Chấn cho hay khi biết tin ông và tòa án đã đạt được thỏa thuận bồi thường, nhiều người thân, bạn bè đã cũng gọi điện thoại chúc mừng. Dù biết trước thủ tục giải quyết việc này không thể "một sớm một chiều", nhưng với ông nỗ lực đòi bồi thường oan sai đã "thành công bước đầu".

Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn, ngồi bên cạnh, vui vẻ tiếp lời cho hay thấy toại nguyện vì hành trình gian nan đi tìm công lý, minh oan cho chồng của mình cuối cùng cũng được đền đáp. Bỗng nhiên trùng giọng, bà buồn bã bảo những ngày đó đi kêu oan cho chồng trong vô vọng. "Nhiều hôm phải ăn bánh mì, uống nước lọc lê la tìm cách gửi đơn tại cổng các cơ quan công quyền. Chúng tôi phải cầm cố nhà, vay nợ..., khổ lắm", bà nói.

"Đợi này nhà tôi (ông Chấn) cũng tiều tụy, suy sụp lắm. Hai vợ chồng dự định sẽ đi chữa bệnh cho lành lặn, khỏe lại. Sau khi có được tiền bồi thường, chúng tôi cũng chưa vội xây nhà mới, bởi lâu nay đã ở trong nhà ngói nền đất cũng chẳng sao, trước mắt còn nhiều việc phải lo.!” - bà Chiến tâm sự.

Con trai út của ông Chấn - Nguyễn Thế Anh, rớm nước mắt chia sẻ "tổn thất của gia đình chẳng khoản tiền gì có gì bù đắp được". Thế Anh thương sức khỏe bố hiện kém đi nhiều. Nếu ông Chấn không vướng oan vào lao lý, có lẽ gia đình anh đã không phải sống cơ hàn, ly tán suốt bao năm như thế này.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, bà Nguyễn Thị Chiến vừa trở về nhà sau đợt điều trị 12 ngày tại Thái Nguyên do bị tê chân tay, di chứng bệnh kéo dài từ trong thời gian đi kêu oan cho ông Chấn.

Bà Chiến cho biết thêm, khoảng thời gian chồng bị kết án oan, bà vừa gánh vác trọng trách là người trụ cột trong gia đình vừa phải liên tục đi kêu oan cho chồng. Lúc đầu gia đình còn có một chút kinh tế do vay mượn họ hàng, nhưng sau này trở nên khánh kiệt, chẳng vay mượn được ai nữa.

Sau đó, ông Thân Ngọc Hoạt (người anh em cọc chèo) phải chấp nhận đi vay lãi tại ngân hàng để có tiền tiếp tục đi kêu oan. Hiện gia đình vẫn còn nợ một khoản tiền lớn là 3 sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng với giá trên dưới 180 triệu đồng/sổ.

Liên quan đến tiến trình thủ tục pháp lý trong việc bồi thường, luật sư Vũ Thị Nga, người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn, cho biết, ngày 15/5 vừa qua, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã có buổi làm việc lần thứ ba với người bị oan Nguyễn Thanh Chấn về vấn đề thỏa thuận bồi thường.

Theo đó, TAND tối cao đã đưa ra mức thỏa thuận bồi thường từ thấp đến cao, mức cuối cùng họ đưa ra và được gia đình ông Chấn chấp nhận là 7,2 tỷ đồng. Đó là khoản bồi thường theo thiệt hại thực tế, ngoài ra còn một số khoản bồi thường khác nhưng không có chứng từ chứng minh nên chưa được chấp nhận.

Theo bà Nga, sau buổi làm việc, TAND tối cao và gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn đã ký thỏa thuận bằng văn bản thống nhất với mức bồi thường trên. Và TAND tối cao cũng cam kết sẽ nhanh chóng bồi thường sớm nhất cho người bị oan, tuy nhiên thời gian cụ thể thì chưa được nói đến.

“Gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn đã thực hiện đầy đủ theo tất cả yêu cầu mà TAND tối cao đưa ra, việc còn lại là của các cơ quan bồi thường xử lý và giải quyết theo luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước.” - luật sư Nga cho hay.

Bà Thân Thị Hải, người sát cánh cùng gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn trong suốt nhiều năm cũng đã cho biết, 10 năm ròng rã kêu oan cùng hơn 2 năm gõ cửa các cơ quan nhà nước để đòi bồi thường, có thể nói là bước đầu đã đem lại công bằng cho ông Chấn. Người bị oan ức đã được trở về, được công khai xin lỗi và được cơ quan gây ra oan sai chấp nhận đền bù, đó là điều đáng mừng cho ông Chấn và cho xã hội.

Từ ngày ông Chấn đi tù, gia đình trở nên li tán, chị Nguyễn Thị Quyền (con gái) đã sang Đài Loan xuất khẩu lao động để kiếm tiền gửi về nhà, mặc dù đã hết thời hạn lao động tại nước sở tại nhưng do không đủ tiền nộp phạt cho Công ty nên chị vẫn chưa được trở về nước. Hai người con trai của ông Chấn hiện đang làm lao động tự do tại địa phương, thu nhập bấp bênh, chưa ổn định.

Khi TAND tối cao chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Chấn, ông Thân Ngọc Hoạt đã gửi tiền sang Đài Loan cho chị Nguyễn Thị Quyền để nộp tiền phạt cho Công ty và mua vé máy bay về nước.

Ngày 4/6, chị Quyền về đến sân bay Nội Bài, cả gia đình vỡ òa, đoàn tụ trong nước mắt sau hơn chục năm chia li. Chị Quyền cho biết: “Sau nhiều năm xa nhà, giờ được quay lại ngôi nhà vẫn nền đất và mái ngói như này nào, tôi cảm thấy hạnh phúc. Điều chúng tôi mừng nhất, bố được trả tự do, được công nhận bị oan sai. Chúng tôi không còn phải mặc cảm, mang tiếng khi ra ngoài xã hội nữa”.

 

Những khoản đề nghị bồi thường của ông Chấn

- Ngoài bồi thường theo quy định của pháp luật, ông đề nghị được nhận 2 tỷ đồng để bù đắp phần nào danh dự, nhân phẩm trong suốt 10 năm ngồi tù oan

- Bồi thường cho mẹ đẻ là bà Phạm Thị Vỵ: một tỷ đồng.

- Vợ là Nguyễn Thị Chiến: một tỷ đồng.

- Hiện tại do ảnh hưởng của việc chồng bị oan sai, bà Chiến vẫn còn mắc nhiều bệnh chưa thể phục hồi nên đề nghị được bồi thường thêm 30 tháng, trong đó 1,2 triệu đồng/tháng tiền mua thuốc bổ; một triệu đồng/tháng tiền mua thức ăn để bồi dưỡng.

- 4 người con không được học hành khi bố bị đi tù, đề nghị bồi thường 1,6 tỷ đồng.

Về tổn hại sức khoẻ, chi phí cho việc cứu chữa,bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị giảm sút là gần 84 triệu đồng.

Về thu nhập thực tế bị mất là hơn 1,4 tỷ đồng.

Chi phí cho người bào chữa: 45 triệu đồng.

Chi phí cho người thân đi dự phiên toà: 24 triệu đồng.

Chi phí cho những người đi tìm chứng cứ, kêu oan; 100 triệu đồng

Chi phí tiền gửi lưu ký, đồ tiếp tế: hơn 310 triệu đồng.

Lãi tiền vay khi thế chấp sổ đỏ, tiếp tế: 122 triệu đồng.

Tài sản hư hại do không sử dụng được vì phải ngồi tù oan 10 năm: 10 triệu đồng.

Các khoản chi phí khác là gần 100 triệu đồng.

 

Giữa tháng 8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại nhà riêng ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Công an xác định ông Chấn, hàng xóm với nạn nhân, là thủ phạm nên thực thi lệnh bắt. TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt ông án tù chung thân do giết người "có tính chất côn đồ". Đơn kêu oan của ông Chấn sau đó không được TAND Tối cao chấp nhận trong phiên phúc thẩm mở tháng 7/2004.

Trong 10 năm đi tù, ông Chấn liên tục gửi đơn kêu oan, ở bên ngoài vợ ông cũng ròng rã "gõ cửa" nhiều cơ quan công quyền và cho rằng thủ phạm thực sự của vụ án là người cùng làng Lý Nguyễn Chung. Tháng 7/2013, xem xét đơn của bà, Cục điều tra VKSND Tối cao đã vào cuộc.

Hai ngày sau khi được VKSND Tối cao tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt, ngày 6/11/2013 TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người với mức phạt tù chung thân. Vụ án được điều tra lại. Trước đó ít ngày, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú, nhận đã giết chị Hoan để cướp 2 chiếc nhẫn cùng 59.000 đồng rồi bỏ trốn.

Ngay sau khi ông Chấn được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đình chỉ điều tra và xác định vô tội, Công an tỉnh Bắc Giang thừa nhận "có sai sót" trong quá trình điều tra.

Trước việc ông Chấn tố cáo đã bị nhóm cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình, VKSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, phó công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh