Ông lão “vác tù và hàng tổng” quên thân mình lo cho dân nghèo
- Dược liệu
- 01:47 - 22/08/2016
Dù lớn tuổi nhưng ông Ôn vẫn ngày đêm hết lòng với công việc thiện nguyện. Ông là một tấm gương sáng giữa đời thường.Ông lão “vác tù và hàng tổng” quên thân mình lo cho dân nghèo.
Có duyên giải cứu trẻ em
Còn nhớ, tháng 6/2009, cả nước xôn xao về vụ 15 thanh, thiếu niên người Tà Ôi trú tại xã A Roàng, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị bóc lột lao động nên đi bộ hơn 100km để bỏ trốn khỏi công trường xây dựng tại huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Vụ việc được nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý để ngăn chặn tình trạng lừa gạt lao động. Theo một số người dân kể lại, trưa ngày 30/6/2009, bà Nguyễn Thị Thu Huy (thôn 8, xã Bình Lâm) phát hiện 15 thanh, thiếu niên nằm ngất xỉu vì đói khát trước cửa nhà mình. Bà Huy cho người đến báo với ông Ôn. Ngay lập tức, ông Ôn đã đến để cùng bà Huy và những người dân khác cho các em ăn uống và đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau đó, ông Ôn đến UBND xã để báo cáo vụ việc. Không những thế, ông còn tìm hỏi số điện thoại của Tổ chức Tầm nhìn thế giới và nhờ họ giúp đỡ các em.
Theo lời kể của các em này, các em được một người đàn ông tên Đông đến địa phương rủ đi làm tại huyện Trà Bồng với lời hứa sẽ trả tiền công hậu hĩnh. Sau khi rời quê hương vào Trà Bồng làm việc, các em không nhận được một đồng tiền công nào. Không những thế, các em còn bị chủ bắt làm việc suốt ngày, ăn uống thiếu thốn, đau ốm cũng không được nghỉ ngơi và chữa bệnh. Nhiều em xin về thì chủ không cho và còn dọa nạt.Vì không chịu được sự đối xử tàn nhẫn này, đêm 27/6/2009, lợi dụng ông chủ ngủ say, các thanh, thiếu niên bỏ trốn. Không có tiền, các em đi bộ theo đường rừng núi để về quê. Không có cơm ăn, nước uống, đi bộ giữa trời nắng gắt hơn 100 km nên khi đến xã Bình Lâm thì các em bị kiệt sức. Thương cảm hoàn cảnh của các em, ông Ôn đã gác hết công việc gia đình để lo cho các em ăn uống. Ngày 1/7/2009, ông cùng đại diện chính quyền địa phương đưa các em ra tận A Lưới để đoàn tụ với gia đình. Đã từng tiếp xúc với trẻ em bỏ trốn khỏi các cơ sở lao động nên đến ngày 4/9/2014, khi nhìn thấy 3 trẻ em đi bộ vội vã từ hướng rừng ra, ông Ôn nghi ngờ nên liền đến hỏi thăm. Đúng như ông Ôn phán đoán, 3 em này bị bắt lao động khổ sai nên tìm cách trốn thoát. Thấy các em đói khát, ông dẫn các em vào quán ăn uống và báo công an xã.
Ông Lê Công Ôn (áo trắng)
Ông Ôn đã hết lòng để hỗ trợ Hội phụ nữ xã xây dựng nhà tình nghĩa cho chị Tuyết.
Cũng nhờ sự phát hiện kịp thời của ông Ôn mà 3 em Hồ Văn Băng (21 tuổi), Hồ Văn Đồi (14 tuổi) và Hồ Văn Điếu (15 tuổi, cùng trú xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) được giải cứu và đưa về nhà. Theo lời của em Đồi, các em được một chủ trại gỗ thuê làm việc. Hàng ngày, các em phải bốc vác những khối gỗ lớn với tổng khối lượng vận chuyển mỗi ngày trên dưới 30 tấn. Vì công việc quá nặng nhọc lại không được trả lương, không cho về nhà nên cả 3 đã quyết định bỏ trốn.
Trong vụ việc mới đây, chúng tôi đã chứng kiến sự vất vả, nhân hậu của “người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Hôm ấy, anh Hồ Văn Hồng (41 tuổi, tổ 7, thôn Ngọc Lâm, xã Bình Lâm) giải cứu và 2 em Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi, cùng ngụ xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi các em đang trên đường chạy trốn khỏi bãi vàng. Theo lời em Cụt Văn Toại, sau Tết Nguyên đán Bính Thân, một người tên là Mão, quê ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đến xã Lượng Minh tuyển người đi làm phu vàng ở Quảng Nam. Vì muốn có tiền phụ giúp gia đình nên Toại, Cầu cùng 5 người khác rời quê hương theo lời của Mão.
Các em đến làm tại một bãi vàng ở làng Hồi, xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Bị bắt làm việc nặng nhọc, ăn uống lại kham khổ nhưng không được trả tiền lương nên sau khi làm được 2 tháng, 5 người cùng quê đã trốn về. Riêng Toại và Cầu còn nhỏ nên mọi người không rủ đi, sợ dễ bị lộ.Ngày 6/7/2016, nhân cơ hội chủ bãi say rượu, Toại và Cầu lén bỏ đi. Ra khỏi bãi vàng, hai cậu bé cứ nhắm theo hướng đường dây điện để ra khỏi cánh rừng. Vì chỉ có một đôi dép nên Toại phải nhường để Cầu đi, còn Toại đi chân đất. Hai thanh thiếu niên cứ bươn rừng mà đi trong nỗi lo sợ sẽ bị chủ bãi bắt lại. Sáng sớm ngày 7/7, Toại và Cầu may mắn gặp được anh Hồng và được anh đưa về nhà.Sau khi nghe anh Hồng kể chuyện, ông Ôn bỏ tiền ra mua quần áo cho Toại và Cầu. Ông còn vận động người dân góp tiền để đưa các em về nhà. Khi chúng tôi đến thăm em Toại và em Cầu cũng là lúc ông Ôn mua quần áo đến cho các em.
Nhiều người dân cho biết, họ rất cảm kích tấm lòng của ông Ôn. Gác việc riêng để làm thiện nguyệnKhi nhắc đến ông Ôn, nhiều người dân kể cho chúng tôi nghe chuyện về ông. Chuyện nhiều nhất là ông giúp những người không may bị tai nạn giao thông. Bất cứ khi nào, làm gì, hễ nghe chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông là ông lại đến. Ông đến không phải do tò mò, mà đến để xem ai cần ông giúp đỡ. Một đận, người dân phát hiện một phụ nữ đuối nước tử vong. Nạn nhân được người dân vớt lên nhưng không ai rõ người đó tên gì, ở đâu. Thương người phụ nữ xấu số, ông Ôn bỏ công sức ra để truy tìm danh tính. Ông còn kêu gọi những người hảo tâm góp tiền để mua quan tài cho người phụ nữ này. Sau đó, ông đích thân đưa thi thể và mua quan tài chở về nhà nạn nhân ở xã Lộc Ninh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Có hôm, ông đang lưu thông trên đường thì phát hiện xe ôtô lật trên đường Nguyễn Hoàng (TP. Tam Kỳ). Không nề hà, ông liền chạy đến rồi leo lên xe, đập cửa, cứu từng người ra ngoài. Ngay cả những lúc ở rất xa hiện trường nhưng ông Ôn vẫn nhiệt tình và xem công việc cứu người là nghề của mình.
Lần ấy, ông đang ở xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức) thì nghe người quen điện: “Chú chạy nhanh về đây, có tai nạn giao thông”.
Trời tối, đường cách xa 25 km nhưng ông vẫn chạy đến hiện trường. Khi đến, ông thấy nạn nhân đi xe máy cũ, chân đi dép, trong ví chỉ có 30 ngàn đồng. Đoán nạn nhân là người có hoàn cảnh khó khăn, từ 19 giờ đến 23 giờ đêm đó, ông liên tục điện thoại người quen để xin hỗ trợ tiền viện phí cho nạn nhân. Sau khi cha nạn nhân đến, ông rất xúc động. Khi người đàn ông này nói ông ta không có tiền, ông Ôn liền hỗ trợ tiền xe để ông ta về nhà.
Kể về công việc cứu người bị tai nạn giao thông, ông Ôn cho biết, ông đã gặp rất nhiều khó khăn. Ông đã từng bị người tai nạn chửi mắng, la lối khi họ trong trạng thái say xỉn. Có năm, trong tối 30 Tết, khi chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên thì ông nghe tin có tai nạn giao thông. Biết bỏ đi vợ sẽ giận, nhưng rồi, tình người thôi thúc ông gác công việc riêng lại mà đi cứu người. Bây giờ, rất nhiều người dân, nhất là cánh lái xe đều có số điện thoại của “người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này. Một người dân thôn 8 kể với chúng tôi, đến mùa bão lụt, hầu như ông Ôn không ở nhà. Ông lội bì bõm khắp nơi để xem nhà nào tốc mái, sập tường kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ.
Cứ như thế, không ai bảo, không ai nhờ, không tổ chức hay cơ quan vận động, tự trái tim người đàn ông này, lặng lẽ một mình đến với những người gặp rủi ro, tai nạn.Chúng tôi có dịp theo chân người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đến thăm chị Huỳnh Thị Tuyết, một người sống trên núi cao của xã Bình Lâm. Đường lên nhà chị Tuyết là dốc đá và phải đi bộ, khiến chúng tôi thở bằng cả hai tai. Vậy mà người đàn ông này không quản ngại vất vả trèo lên ngọn núi cao để tìm hiểu hoàn cảnh mẹ con chị Tuyết, đề nghị Phụ nữ xã xây dựng nhà tình nghĩa cho chị.Đích thân ông còn bỏ công ra xây dựng công trình từ thiện này. Ông còn kêu gọi từ thiện hỗ trợ sách vở, quần áo cho con chị Tuyết đến trường. Chị Tuyết chia sẻ với chúng tôi: “Tôi biết ơn ông Ôn lắm. Người như ông bây giờ thật hiếm”. Quả thật, ông là người đáng để chúng ta khâm phục.