Trí thức trẻ giúp dân xóa nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 05:15 - 08/08/2016
Sáng tạo cùng người nghèo
Ông Bùi Quang Huy, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đoàn cho biết, Dự án thí điểm đã gần đến thời điểm kết thúc và đã đạt được những kết quả tích cực rất đáng khích lệ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội viên dự án đã chủ động tham mưu cho chủ tịch xã, lãnh đạo địa phương triển khai các mô hình phát triển kinh tế xã hội, các mô hình bảo tồn bản sắc văn hóa tại địa phương, nhiều mô hình mang lại hiệu quả, thành công rõ nét, được chính quyền, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Giám đốc Ban Quản lý dự án Vũ Đăng Minh cho biết thêm, có 537/562 đội viên (chiếm 95,55%) được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015.
Đội viên Dự án Nguyễn Thị Trang (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch UBND xã Lương Can, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng, cùng đoàn viên thanh niên giúp nhân dân sửa nhà ở.
Được tham gia Dự án và trở thành Phó chủ tịch UBND xã Hải Phúc, huyện Đắkrông, tỉnh Quảng Trị, đội viên Lê Tiên Tiến đã cùng bà con nơi đây trồng thành công mô hình lạc xen ngô mang lại hiệu quả cao. Theo đội viên Tiến, hai loại cây trồng có thời gian phát triển như nhau, khả năng tăng trưởng tốt, khi trồng xen tăng 1,5 lần so với trồng lạc thuần, ngô thuần. Qua 4 năm triển khai mô hình đã được người dân ghi nhận đánh giá và đến nay tổng diện tích trồng lạc xen ngô chiếm 50% diện tích trong toàn xã. “Để nhân rộng mô hình, chúng tôi đã tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm đánh giá năng xuất đạt được và thực tiễn năng xuất và hiệu quả từ trồng xen đã mang lại cao hơn so với cách trồng đơn thuần và từ đó người dân đã tích cực tham gia thực hiện mô hình”, đội viên Tiến nhấn mạnh.
Đội viên Nguyễn Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ dịch bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân hay còn gọi là “bệnh lạ” ở địa phương, Anh Khoa đã tìm hiểu và nguyên nhân ban đầu là do thói quen sinh hoạt của đồng bào và môi trường bị ô nhiễm. Từ thực tế này, Anh Khoa đã khảo sát và xây dựng Đề án “Xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền năm 2013” trình UBND xã. Được sự cho phép và phê duyệt của HĐND, UBND xã đã lập Tờ trình xin kinh phí thực hiện. Đề án được sự ủng hộ của Bộ NN&PTNT và cấp kinh phí thực hiện. Hiện tại Công trình xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy xã Ba Điền đã hoàn thành, đem lại nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân Ba Điền, góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Mặc dù được đánh giá thành công nhưng nhiều thành viên tham gia Dự án còn nhiều trăn trở. Đội viên Hoàng Thế Chương (Phó chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) đã gây chú ý khi thẳng thắn nhận định muốn phát triển kinh tế xã hội cần cán bộ có tâm, có tầm, có trình độ và phải có nhiệt huyết. Cán bộ này nhìn nhận nhiều nơi vẫn còn tính cục bộ địa phương, như "hòn đá tảng chắn ngang dòng nước nước chảy. Anh Chương ví von, bác sĩ tắc trách làm mất một mạng người thì bị cộng đồng lên án kịch liệt, song một cán bộ xã bất tài ngồi "ôm" ghế 10 năm thì cả một thế hệ nhân dân "chết". Để thoát khỏi tính cục bộ địa phương, theo anh phải có đề án luân chuyển cán bộ, luân chuyển công chức từ xã này sang xã khác một cách hợp lý. Có như vậy chất lượng nhân lực mới khá lên được.
Trong khi đội viên Lương Thị Hiên (Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An) lại trăn trở khi cho rằng không phải là công chức nên chưa biết khi hết thời gian thí điểm của dự án thì mình sẽ đi đâu về đâu, cho dù được bà con tín nhiệm. Hàng chục đội viên là phó chủ tịch xã cũng cùng chung trăn trở về cách cải thiện cơ sở vật chất thiếu thốn và nâng cao trình độ dân trí của bà con nơi mình về công tác.
Lắng nghe tâm tư của các đội viên tham gia Dự án, ông Vũ Đăng Minh, Giám đốc Dự án rất xúc động trước trăn trở của các Phó Chủ tịch xã. Giám đốc Dự án khẳng định, Dự án đã thành công khi tất cả các đội viên đã làm tròn vai trò phó chủ tịch xã, không phụ công tin tưởng của Đảng và Nhà nước. Ông Minh cũng khẳng định, sẽ không bao giờ bỏ rơi những cán bộ trẻ trong Dự án. Ngày 29/4/2016, Bộ Chính trị có ý kiến về việc tiếp tục thực hiện Dự án thí điểm, tuyển chọn 600 Trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã của 64 huyện nghèo. Theo đó ở những xã thực hiện thí điểm tiếp tục được bố trí hai phó chủ tịch xã, trong đó có một người là trí thức trẻ được tăng cường. Việc bố trí, sử dụng trí thức trẻ trong và sau khi kết thúc thời gian thí điểm sẽ do thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo ban cán sự đảng ủy nhân dân tỉnh đang thực hiện thí điểm, có trách nhiệm bố trí hợp lý...