“Ông lão đánh cá và con cá vàng” đến Thủ đô
- Văn hóa - Giải trí
- 16:54 - 26/11/2015
Đạo diễn Dominik Günther cho biết, trong vở kịch dành cho thiếu nhi “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, văn hoá Việt Nam và Đức sẽ gặp gỡ và tương tác với câu chuyện theo một cách sáng tạo, tươi vui. Vở diễn hợp tác này ra mắt khán giả với ba dàn diễn viên khác nhau: Tại Việt Nam, buổi biểu diễn tiếng Việt sẽ phối hợp với trẻ em Đức và ngôn ngữ Đức, thông qua các video clip kèm theo. Tại Đức, vở kịch được diễn bằng tiếng Đức cho trẻ em trên 6 tuổi, phiên bản Đức - Việt của vở “Ông lão đánh cá và con cá vàng" sẽ được biểu diễn vào tháng 4/2016, với các diễn viên Việt Nam và các nghệ sỹ múa rối Đức.
Lấy hình ảnh “Múa rồng” quen thuộc tại các lễ hội Việt Nam, trong vở kịch “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, khán giả sẽ thấy hình ảnh của con cá được rước với 2 chiếc gậy. Với phần âm nhạc, đạo diễn Dominik Günther đã nhờ sự giúp sức của một nhạc sỹ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Đức. Nữ nhạc sỹ này sẽ hòa trộn các nhạc cụ của Đức và Việt Nam để tạo nên phần âm thanh cho vở kịch.
Cảnh trong vở “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.
Đạo diễn Dominik Günther chia sẻ: Tôi có một nguyên tắc là không dựng một vở kịch tới lần thứ hai. Nhưng với “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, tôi sẽ dựng tới 3 lần. Đầu tiên là với các nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ, sau đó là các nghệ sỹ của Nhà hát Thế hệ trẻ Dresden, cuối cùng là sự hòa trộn giữa nghệ sỹ 2 nhà hát. Mỗi lần dựng sẽ có những điều chỉnh, sửa chữa cho phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả mỗi nước. Phiên bản sân khấu của Einar Schleef phỏng theo truyện cổ tích kinh điển, kể về một ông lão đánh cá sống trong một túp lều nhỏ cùng bà vợ Ilsebill. Ông khá hài lòng với cuộc sống đơn giản của mình, nhưng vợ ông thì trái lại. Một ngày nọ, ông lão đánh cá bắt được một con cá vàng, con cá cầu xin ông tha mạng bởi nó thực ra chính là một hoàng tử bị yểm bùa. Khi Ilsebill nghe chuyện, bà sửng sốt vì chồng mình đã không xin hoàng tử một điều ước để đổi lấy ơn tha mạng. Trái ngược với chồng mình, Ilsebill có một danh sách bất tận đầy những điều ước và kết cục là mọi sự lại trở về như khi câu chuyện mới bắt đầu...
Theo Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận, mong muốn lớn nhất thông qua việc dàn dựng tác phẩm này, ngoài giới thiệu vở diễn đặc biệt với công chúng yêu sân khấu thủ đô nói chung, còn dành tặng cho những khán giả nhỏ tuổi quen thuộc ở cả Hà Nội - Việt Nam và thành phố Dresden - Đức, nhằm giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật sân khấu của các nghệ sĩ, trẻ em hai nước, giáo dục những giá trị nhân văn trong đời sống.
Hai đêm diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ được mời phát tự do tại Viện Goethe Hà Nội từ nay đến ngày 28/11.