Tiền Giang: Giảm nghèo để thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:25 - 07/02/2016
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang.
* Thưa ông, qua sơ kết 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo (2011 – 2015 ) Tiền Giang đã đạt được kết quả như thế nào?
Sau 5 năm với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, toàn thể doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, đã đạt được những kết quả quan trọng về giảm nghèo, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội, tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, người dân nghèo đã được tiếp cận kịp thời, đầy đủ với các chính sách, pháp luật về giảm nghèo, tạo sự đồng thuận và tích cực tham gia trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương cơ sở ngay từ khâu xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch, tham gia thực hiện và giám sát việc thực hiện ở địa phương.Qua tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015 có 48.135 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,96% tổng số hộ toàn tỉnh (439.166 hộ). Trong đó: Số hộ nghèo khu vực thành thị 3.139 hộ, chiếm tỷ lệ 4,85%; số hộ nghèo khu vực nông thôn 44.996 hộ, chiếm tỷ lệ 12,02%. Tổng số hộ thuộc diện cận nghèo theo chuẩn mới là: 34.087 hộ, trong đó: Cận nghèo mức 1: 21.996 hộ, chiếm tỷ lệ 5,01%; cận nghèo mức 2: 12.091 hộ, chiếm tỷ lệ 2,75% tổng số hộ toàn tỉnh. Tổng số nhân khẩu nghèo toàn tỉnh: 169.264 nhân khẩu.
Qua 5 năm thực hiện quyết liệt với nhiều giải pháp, toàn tỉnh có 34.098 hộ thoát nghèo (trong đó có 12.516 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ), tính đến 30/11/2015, toàn tỉnh có: 17.270 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8% so tổng số hộ toàn tỉnh (454.366 hộ), như vậy bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 1,43%; hộ cận nghèo mức 1 là 19.293 hộ, chiếm tỷ lệ 4,25%. Các xã bãi ngang ven biển bình quân mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 2%. Huyện nghèo Tân Phú Đông giảm từ 52,18% (năm 2011) xuống còn 27,75%, tỷ lệ giảm bình quân mỗi năm là 6,1%.
* Để đạt kết quả như trên, giai đoạn vừa qua tỉnh đã triển khai thực hiện những giải pháp nào hiệu quả nhất, thưa ông?
-Qua 5 năm tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn…cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo, kết quả thực hiện đạt được so với kế hoạch. Các chế độ chính sách trợ giúp được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo.Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có những cách làm hay có nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả và được triển khai nhân rộng như huyện Chợ Gạo đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi bò; huyện Tân Phú Đông đã nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả áp dụng rộng rãi trong nhân dân trồng cây mãng cầu xiêm, nuôi tôm sú, nuôi luân canh giữa cua biển và tôm đất, may công nghiệp, bó chổi, đan lát lục bình, gắn đầu hộp quẹt ga... đã giúp cho người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo. Nâng cao ý thức từng hộ nghèo phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo không trông chờ vào ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước.Đến nay, nhìn chung người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Mô hình trồng cây mãng cầu xiêm giảm nghèo hiệu quả ở huyện Tân Phú Đông.
* Trong giai đoạn 2016 – 2020 tiếp cận phương pháp giảm nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới, vậy tỉnh đề ra những mục tiêu cũng như giải pháp nào nhằm đảm bảo chỉ tiêu đề ra cũng như hạn chế tình trạng tái nghèo, thưa ông?
- Trong giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân đặc biệt là ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống, thông tin,...). Cụ thể: Dự tính, kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có khoảng 50.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 11%. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới, bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm.
Để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra, tỉnh đồng bộ triển khai nhiều giải pháp trong thời gian tới như : Tổ chức điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều trên toàn tỉnh; báo cáo kết quả điều tra, xác định phân loại các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong giai đoạn 2016-2020.Tập trung nguồn lực và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, thông qua Nghị quyết của Đảng, kế hoạch hoạt động của chính quyền,của từng đoàn thể đối với chương trình giảm nghèo, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên của các cấp. Lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là đào tạo nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề gắn với các dự án vay vốn ưu đãi cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.Hàng năm xây dựng kế hoạch có giải pháp giảm nghèo cụ thể phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, nhất là huyện nghèo, xã khó khăn vùng bãi ngang ven biển, tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thay đổi cách làm ăn, hỗ trợ pháp lý cùng với dạy nghề, truyền nghề để các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình giảm nghèo; tuyên truyền phổ biến các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; giáo dục làm thay đổi nhận thức cho hộ nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo, người chưa có hoặc thiếu việc làm phát huy khả năng của bản thân, chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, người nghèo như: Y tế, giáo dục đào tạo, hỗ trợ học nghề, kết hợp tạo việc làm cho hộ nghèo không đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất; giúp đỡ tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi và nâng dần mức vốn vay theo quy mô để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động sự tham gia của xã hội và cộng đồng trong công tác giảm nghèo; chú trọng việc phối hợp, cân đối các nguồn lực huy động với các chính sách của Nhà nước để tăng hiệu quả của các chính sách giảm nghèo; các đoàn thể, tổ chức, cộng đồng dân cư quan tâm giúp đỡ cho các hộ nghèo trên địa bàn, phối hợp với chính quyền cơ sở hỗ trợ giúp đỡ cho từng hộ gia đình nghèo.
* Trân trọng cảm ơn ông!