Công tác giảm nghèo ở Đà Nẵng: Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 23:39 - 07/01/2016
Tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập
UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, quy định chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2013- 2017 trên địa bàn thành phố đối với khu vực nông thôn là 600.000 đồng/ người/ tháng trở xuống và đối với khu vực thành thị là 800.000 đồng/ người/ tháng trở xuống. Với mức chuẩn này, đầu năm 2013, Đà Nẵng có 22.045 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,1% hộ dân cư. Ngoài ra, cùng với việc xét chọn 2.000 hộ có mức thu nhập thấp nhất trong số hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong 3 năm (2013-2015), thành phố Đà Nẵng đã giúp cho 23.270 hộ thoát nghèo (trong đó có 1.225 hộ nghèo phát sinh). Đến cuối năm 2015 thoát hết 2.000 hộ nghèo có hoản cảnh đặc biệt và hộ nghèo theo chuẩn thành phố.
Tạo điều kiện để hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập là cần thiết
Để có được những kết quả này, việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chính sách nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập được xem là vấn đề then chốt.
Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo đã giúp cho hàng nghìn lượt hộ nghèo trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay để buôn bán, phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học …
Theo đó, đã có hơn 33.990 lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn với tổng kinh phí trên 667.800 triệu đồng. Các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay với lãi suất 0%. Ngoài ra, phải kể đến nguồn vốn từ các chương trình, dự án như:Vốn phụ nữ phát triển kinh tế, vốn Enda, vốn đóng góp quay vòng cho vay không lãi…cũng đã hỗ trợ cho hơn 2.810 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với kinh phí 22.234 triệu đồng.
Bên cạnh chương trình ưu đãi về tín dụng, chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm và hướng dẫn cách làm ăn được thành phố Đà Nẵng chú trọng, nhằm góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Theo đó, đã có hơn 5.890 lao động được đào tạo nghề miễn phí; giới thiệu và giải quyết cviệc làm cho 9.705 lao động thuộc hộ nghèo.
Đối với lao động lớn tuổi thuộc hộ nghèo không có việc làm ổn định, Đà Nẵng có cách làm riêng là tổ chức dạy nghề theo mô hình tạo việc làm tại chỗ như trồng nấm, trồng hoa cây cảnh hay chăn nuôi…Sau khi dạy nghề, các đơn vị, địa phương tiếp tục vận động định hướng cho người học tự tham gia tổ chức sản xuất tại nhà, liên kết nhau trong sản xuất và tham gia các hợp tác xã nhằm tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tại hội nghị tổng kết Chương trình giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013- 2015, tổ chức sáng 7/1, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, tạo điều kiện để người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập là điều cần thiết, tuy nhiên để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cũng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác giảm nghèo.
Về tiếp cận hỗ trợ y tế, ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng , “Người nghèo thì cuộc sống khó khăn, khó khăn lại hay sinh ra đau ốm, bệnh tật, thường xuyên phải khám chữa bệnh, trong khi sức lao động bị giảm sút, cuối cùng cứ mãi trong vòng luẩn quẩn nghèo vẫn hoàn nghèo. Chính vì vậy người nghèo cần hơn nữa nhiều sự ưu đãi trong y tế”.
Về vấn đề này, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, các địa phương đã mua và cấp 236.926 thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, người thoát nghèo sau 2 năm. Đồng thời vận động hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho 5.477 lượt người thuộc hộ cận nghèo khu vưc nông thôn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thừa nhận, công tác giảm nghèo trên địa bàn vẫn tồn tại những bất cập.
Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, thực tế mối quan hệ giữa dạy nghề - tạo việc làm và thu nhập thời gian qua chưa có sự hài hòa, hợp lý. Ông Dũng dẫn chứng, tại địa phương có nhiều lao động sau khi được học nghề, nhưng mãi vẫn không có việc làm, trong khi một số khác cũng được học nghề, có việc làm, tuy nhiên mức thu nhập lại không đảm bảo được đời sống. Không ít người trong số đó phải bỏ nghề đã học để tìm kiếm một công việc khác với mức thu nhập khá hơn... Ngoài ra, phải kể đến một bộ phận nhỏ người nghèo còn có tâm lý ỉ lại, trông chờ, khiến cho công tác giảm nghèo chưa đạt được kết quả như mong đợi”
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Đặng Việt Dũng khẳng định, Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn chính là có sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được ban hành và triển khai thực hiện, nhiều vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo đã được giải quyết một cách kịp thời…
UBND thành phố cho biết, giai đoạn 2016-2020, Đề án phấn đấu giảm từ 500-600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi năm và giảm 20% trở lên số hộ nghèo còn sức lao động, hộ cận nghèo; hạn chế tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới dưới 1%...