THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:53

Huyện Châu Phú (An Giang): Nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững

 

Châu Phú là địa phương có nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer, Chăm cùng cộng cư sinh sống từ lâu đời, nhưng cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế từ nhiều năm qua, công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Châu Phú rất quan tâm. Đặc biệt công tác giảm nghèo được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.  

 

Mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản đã và đang được nhiều nông dân huyện Châu Phú, An Giang phát triển theo quy mô trang trại

Những năm qua, bên cạnh các dự án tu sửa cầu treo và nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn đến các thôn, ấp của đồng bào Khmer, Chăm ở 2 xã Bình Mỹ, Khánh Hòa kết nối với những khu dân cư người Kinh, huyện còn chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép nhiều chính sách, dự án, mô hình giảm nghèo mang tính căn cơ, bền vững khác. Đó là thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay giúp hộ nghèo phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và buôn bán nhỏ; xây dựng nhà tình thương, nhà 167, mua BHYT, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh con em hộ nghèo…

 

Đánh bắt khai thác thủy sản mùa nước nổi, nhất là vào mùa cá linh từ lâu đời đã là một nghề đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Châu Phú

Là huyện nằm ở trung tâm tỉnh An Giang, bên bờ sông Hậu có hệ thống kênh rạch và là huyện đầu nguồn nên Châu Phú luôn phải đối mặt sớm hơn với mùa lũ về mỗi năm, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó lũ về cũng mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân nơi đây, tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập thông qua hoạt động đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng các loại cây thủy sinh trong mùa nước nổi…Đó cũng là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Châu Phú trong phát triển kinh tế. Phát huy tiềm năng và thế mạnh ấy những năm gần đây, Châu Phú đã có nhiều mô hình đánh bắt và nuôi trồng thủy sản góp phần giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

 

Nghề chế biến thủy sản truyền thống từ lâu đời với các loại mắm, khô cá nổi tiếng đến nay vẫn là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng 

Từ 2009, huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (TTGTSAG), nhân rộng mô hình nuôi cá chình bông đến từng hộ gia đình tại xã Bình Chánh. Nhiều nông dân cho biết, cá chình bông dễ nuôi, ít bị bệnh, nguồn thức ăn là cá tạp xay nhuyễn, giá rẻ có sẵn ở địa phương, mau lớn, trung bình mỗi con nặng từ 5 – 8 kg, có con nặng 10 kg, cá càng lớn càng có giá cao. Đây là mô hình mà nhiều hộ nông dân nghèo có thể áp dụng được, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn vay từ phía Ngân hàng Chính sách Xã hội.

 

Mô hình nuôi các loại cá nước ngọt như cá tra, ba sa, sặc rằn... được huyện Châu Phú, quy hoạch với quy mô diện tích mặt nước hàng ngàn ha đem lại hiệu quả kinh tế cao

Từ 2010, Châu Phú đã quy hoạch vùng nuôi cá tra và tôm càng xanh trên tổng diện tích khoảng 1.348 ha tại, các xã Bình Thủy, Khánh Hòa, Bình Long, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây, Vĩnh Thanh Trung.  Song song đó huyện còn tập trung thực hiện các dự án đào tạo huấn luyện nhân lực để xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản an toàn và chất lượng thực phẩm, theo tiêu chuẩn quốc tế SQF, huấn luyện kỹ năng sản xuất giống thủy sản gắn với xã hội hóa sản xuất giống thủy sản và quảng bá thương hiệu 

 

Mô hình nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi cũng đã và đang được quy hoạch theo hướng phát triển ngày càng tăng thêm về diện tích

Mô hình trồng điên điển lấy bông mùa nước nổi, cũng là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Châu Phú những năm gần đây. Từ lâu, người nông dân Châu Phú đã phát hiện cây điên điển vào mùa nước nổi thường mọc hoang ở bờ ruộng, quanh vườn có nhiều lợi ích.  Những năm gần đây bông điển điển trở thành món đặc sản được thực khách ở các nhà hàng, quán nhậu ưa thích, giá cả tăng cao, nên nhiều nông dân bắt đầu quan tâm trồng điên điển, với quy mô ngày càng lớn và trở thành một trong những loại cây giảm nghèo rất hiệu quả. Một nông dân cho biết, trồng 20 công (20.000 m2) ruộng lúa, tính ra thu nhập không lời bằng trồng điên điển lấy bông.

Trồng cây điên điển để lấy bông trong mùa nước nổi, cũng đã và đang là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhiều nông dân thực hiện

Trong tương lai, theo quy hoạch, huyện Châu Phú phát triển thêm các thị trấn Bình Mỹ, Ô Long Vĩ, Bình Long. Đồng thời đẩy mạnh các loại hình dịch vụ dọc theo QL 91; kết hợp phát triển đô thị tạo thành chuỗi đô thị gắn kết theo trục đô thị Long Xuyên, Châu Đốc; phấn đấu đến giai đoạn 2015 – 2020 Châu Phú trở thành thị xã, với quy mô đô thị loại 3 và các xã ven QL 91 trở thành phường. Đây sẽ là cơ hội cho người nghèo tiếp cận, phát triển các dịch vụ kinh doanh, buôn bán nhỏ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững..

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh