Ông Đinh La Thăng tiếp tục bị khởi tố
- Pháp luật
- 15:40 - 21/01/2019
Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại dự án nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, ngày 20.1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh La Thăng (59 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và bà Trần Thị Bình (61 tuổi) nguyên Phó tổng giám đốc PVN.
|
Trước đó, trong năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 5 người, nguyên là lãnh đạo Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số này có ông Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc; Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó trưởng phòng Đầu tư dự án; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng phòng Thương mại; Hoàng Đình Tâm, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán.
PVB được thành lập vào ngày 27.12.2007 trên cơ sở vốn góp của các cổ đông Tổng công ty dầu VN thuộc PVN, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và một số cổ đông khác, với mục tiêu thực hiện đầu tư dự án Ethanol Phú Thọ tại các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương thuộc H.Tam Nông (Phú Thọ).
Vì sao dự án Ethanol ngàn tỉ “đắp chiếu” ?
Dự án Ethanol Phú Thọ được khởi công từ tháng 9.2009, dù chủ đầu tư PVB sau khi lập xong dự án đã chào thầu theo quy định. Tuy nhiên, PVN đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan giao cho PVC thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng trọn gói EPC với trị giá hơn 59 triệu USD, PVC chưa từng thực hiện dự án nhiên liệu sinh học nào hoặc các dự án có tính chất tương tự. Chưa hết, theo quy định hợp đồng, nhà thầu PVC phải có bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng 1,293 triệu USD và tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, tương ứng số tiền 8,62 triệu USD. Tuy nhiên PVC đã được PVN và chủ đầu tư cho miễn thực hiện các khoản này.
Mặc dù giữa chủ đầu tư và PVC đã có cam kết không để phát sinh chi phí nhưng trong quá trình thực hiện, PVB đã nhiều lần có văn bản điều chỉnh lại hợp đồng EPC, đây cũng là yếu tố dẫn đến tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 1.317 tỉ đồng bị đội lên thành 2.484 tỉ đồng. Trong quá trình triển khai dự án, do PVC thiếu năng lực cả về kỹ thuật, tài chính lẫn kinh nghiệm nên dự án phải tạm dừng thi công, vi phạm hợp đồng, gây hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án bị tạm ngừng nhưng từ tháng 12.2013 - 12.2014 đã phát sinh khoản chi phí 392 tỉ đồng, gồm các khoản bảo dưỡng thiết bị, lãi vay, quản lý dự án...
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm tháng 9.2016, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và Tập đoàn dầu khí VN vẫn chưa có giải pháp. Dự án ngày càng lâm vào tình trạng bế tắc, khắc phục được là rất khó khăn.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Cảnh báo bệnh tay chân miệng bùng phát mùa hè: cha mẹ cần biết gì?
Tay chân miệng – cơn ác mộng mùa hè của bé yêu nhà bạn? Đừng chủ quan! Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm chỉ trong tích tắc. Cùng tìm hiểu chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách...
3 tháng trước
Tin nên đọc