Ớn lạnh những vụ dùng xăng để giải quyết ân oán tình cảm!
- Pháp luật
- 14:58 - 30/05/2019
Báo động nạn dùng xăng giải quyết mâu thuẫn
Chị Nguyễn Thị P. đang phải nằm viện điều trị trong tình trạng nguy kịch với diện tích bỏng chiếm tới 55% toàn thân kèm theo bỏng hô hấp. Bên giường bệnh, chị gái của nạn nhân cho hay: “2 ngày trước khi nhập viện, vợ chồng P. xảy ra mâu thuẫn cự cãi quyết liệt vì chồng thường xuyên tụ tập ăn nhậu cùng bạn bè rồi về chửi mắng vợ con. Ngày 10/5, chồng P. trở về nhà trong tình trạng say khướt, cả hai lại lời nặng tiếng nhẹ. Trong lúc em tôi đang ngồi lột vỏ củ hành thì bị chồng cầm chai xăng tưới lên người rồi bật lửa”.
Chị P. bị bỏng nguy kịch tính mạng sau khi bị chồng tưới xăng thiêu sống.
Nạn nhân được hàng xóm dập lửa, đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng cơ thể bị bỏng nặng. Sau khi dùng xăng đốt vợ, người chồng đã bị cơ quan công an tạm giam phục vụ điều tra làm rõ nguyên nhân.
“3 đứa con của P. đang tuổi ăn học, giờ cha có thể vướng vào vòng lao lý, mẹ nếu qua được nguy kịch cũng mất khả năng lao động, tương lai của các cháu chẳng biết sẽ đi về đâu”, chị gái chị P. não nề thở dài.
Một nạn nhân khác là Nguyễn Thị Kim C. (25 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) cũng đang trong giai đoạn chăm sóc tích cực vì bỏng 27% ở vùng mặt, thân và 2 tay. Nguyên nhân của tình trạng trên cũng xuất phát từ những mẫu thuẫn vợ chồng.
Người nhà bệnh nhân cho hay: “Khoảng 4 năm trước, Kim C. quyết định ly hôn với người chồng thường xuyên say xỉn và vũ phu. Thương 2 đứa con còn nhỏ thiếu vắng bóng cha nên sau khi người chồng năn nỉ được hàn gắn, chị đã miễn cưỡng chấp nhận qua lại”.
Người chồng vũ phu đã ra tay tàn độc khiến Kim C. bỏng nặng.
Những tưởng người chồng đã ăn năn, biết sửa đổi nhưng thói ăn nhậu và những trận đòn lại tiếp tục xảy ra. “Chỉ 3 tháng sau khi quay lại sống với nhau, em tôi thường xuyên bị đánh, nó chán quá nên quyết định cắt đứt quan hệ, chấp nhận một mình nuôi con. Ngờ đâu, ngày 9/5, chồng của Kim C. đã ra tay tàn độc, nó mua xăng bám theo em tôi trên đường, tưới lên người. Trước khi bật lửa, nó còn tuyên bố “tao đốt mày chết thì cùng lắm tao cũng chỉ phải ở tù vài năm”.
Xăng không chỉ được những người chồng sử dụng làm “vũ khí” để triệt hạ vợ mà còn được những người vợ dùng để hủy hoại thân mình khi không níu kéo được hạnh phúc. Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Cao Thị K.A. (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM).
Nhập viện ngày 17/4 trong tình trạng bỏng nặng, chị K.A. được xác định bỏng 33% toàn thân. Sau nỗ lực cấp cứu, chăm sóc tích cực, cắt lọc hoại tử, ghép da…, hiện bệnh nhân đã qua được nguy kịch.
Từ một phụ nữ xinh đẹp, K.A. trở nên "thân tàn ma dại" vì lửa xăng.
Từ một người phụ nữ trẻ đẹp, sau khi bị lửa xăng thiêu đốt K.A. đã trở thành phế nhân. Trên giường bệnh, cô thều thào tâm sự: “Mâu thuẫn vì ghen tuông, chồng em bỏ nhà đi em gọi điện không được, nhắn tin anh cũng không trả lời, giận quá nên em mua xăng mang đến cổng công ty rồi nhờ người gọi chồng ra. Em tưới xăng lên người rồi cầm bật lửa, ban đầu chỉ tính dọa để anh thương rồi đổi ý quay về nhưng khi chồng không chấp nhận mà còn thách đốt, em trót dại nên bật lửa. Bây giờ sống trong cảnh “thân tàn ma dại" thế này, em hối hận thì đã muộn màng”.
Dùng xăng đốt người khác: Hành vi phạm tội tàn độc!
Thời gian gần đây, những vụ cố ý dùng xăng phóng hỏa đốt người khác liên tiếp xảy ra và đang có chiều hướng gia tăng, trở thành hiểm họa mới cho cộng đồng. Tại thời điểm được khảo sát (ngày 28/5), khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho 5 trường hợp bị bỏng lửa xăng với cùng nguyên nhân bị người khác đốt.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng cho hay: “Bệnh nhân bị bỏng lửa xăng có nguyên nhân từ việc giải quyết mâu thuẫn chiếm khoảng 10% trong tổng số bệnh nhân điều trị tại khoa. Tuy nhiên, đây có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bởi lẽ nhiều bệnh nhân và thân nhân vì lý do nào đó không muốn thông tin chính xác về nguyên nhân tai nạn cho bác sĩ”.
Bỏng lửa xăng có thể cướp đi mạng sống của nạn nhân hoặc để lại di chứng nặng nề.
Theo phân tích chuyên môn của bác sĩ Đức Hiệp: “Da là tạng lớn nhất cơ thể, tổn thương do nhiệt gây ra không chỉ đơn thuần là bỏng trên da mà sẽ ảnh hưởng toàn thân bao gồm hệ miễn dịch, hệ thần kinh, các cơ quan nội tạng, nhiễm trùng huyết… Nguy hiểm hơn, bỏng lửa xăng thường kèm theo bỏng hô hấp, gây khó khăn cho điều trị, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu bệnh nhân may mắn qua được cơn nguy kịch thì chi phí nằm viện rất tốn kém tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội. Mặt khác, di chứng do bỏng để lại rất nặng nề, sẹo co rút trên cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ khiến bệnh nhân tự ti mà còn hạn chế khả năng vận động gây khó khăn cho lao động, sinh hoạt thường ngày”.
Hiện, hành vi dùng lửa xăng đốt người khác luật pháp chỉ xếp vào tội “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều nạn nhân của hành vi này đã tử vong. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp cho rằng, ở góc độ pháp lý cần xem xét lại tội danh “cố ý gây thương tích” hay “tội giết người”. Ông nhận định: “Những kẻ dùng xăng hoặc dầu để đốt người khác xét xử theo tội danh “cố ý gây thương tích” có lẽ đang nhẹ về mặt luật pháp, tính răn đe chưa cao, đang là kẽ hở cho những đối tượng manh động lách luật để triệt hạ người khác”.
Dùng xăng phóng hỏa người khác là một hành vi phạm tội tàn độc không khác gì hành vi tạt axit.
Bên cạnh hành vi có chủ đích giải quyết mâu thuẫn bằng lửa xăng thì một số khác đang “đùa với lửa” nên gặp nạn. Có những người yếu thế vì bất lực trước những mối bất hòa nên chọn cách tưới xăng lên thân mình, dọa tự thiêu để hù đối phương nhưng khi mục đích hù dọa không đạt được thì họ tự thiêu hoặc bị chính đối phương châm lửa. Nhiều người chưa ý thức được nguy hiểm khôn lường của bỏng lửa xăng, đến khi phải đối diện với đau đớn về thân xác và nguy cơ tử vong họ mới thấy tiếc cho những ngày bình an của mình.