Ở thời đại nào phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng
- Dược liệu
- 08:12 - 18/10/2022
Thể hiện vai trò, vị thế, khả năng trong gia đình và ngoài xã hội
Tại tòa đàm, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam bình đẳng giới (BĐG) là một chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược kinh tế-xã hội đất nước, xây dựng quốc gia ổn định, đồng thuận và phát triển bền vững. Phát huy những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử bà Trưng, bà Triệu, phụ nữ Việt Nam ngày nay tiếp tục thể hiện vai trò, vị thế và khả năng của mình ở trong gia đình cũng như ngoài xã hội, ở thời đại nào phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng.
“Tỷ lệ nữ đại biểu khóa XV đạt 30,26%, xếp thứ 62/190 quốc gia trên thế giới và thứ 2 trong khu vực ASEAN. Từ năm 2015 đến nay trong nghiên cứu khoa học đã có 3 nhà khoa học nữ Việt Nam được UNESCO vinh danh là nhà khoa học trẻ tài năng; trong kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng tăng; trong lễ vinh danh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 mới đây, có 2 nữ doanh nhân Việt Nam trong 10 doanh nhân tiêu biểu xuất sắc nhất; trong lĩnh vực văn hóa- thể thao, lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023, các vận động viên nữ Việt Nam có đóng góp quan trọng về thành tích của quốc gia tại SEA Games chiếm gần 50% trong tổng số huy chương của đoàn Việt Nam; Phụ nữ trong lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc… và còn nhiều thành tựu khác thể hiện vai trò, vị thế, sự đóng góp quan trọng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Phát huy vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mỗi cá nhân
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật, chính sách tạo hành lang pháp lý để các cấp, các ngành triển khai các qui định, giải pháp thúc đẩy BĐG như: Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi nghiệp… Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã có những thay đổi quan trọng liên quan đến qui định về đảm bảo BĐG như cấm phân biệt về tiền lương giữa nam và nữ với cùng một công việc, thay đổi cách tiếp cận từ “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận đảm bảo quyền đối với mọi người lao động cả nữ và nam… công tác phòng ngừa ứng phó vói bạo lực trên cơ sở giới, truyền thông về BĐG được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước xóa bỏ các định kiến giới trong xã hội.
Những nỗ lực thực hiện BĐG trong thời gian qua của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu, chỉ số xếp hạng về BĐG của Việt Nam năm 2022 là 83/146 quốc gia, tăng 4 bậc so với năm 2021, trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Giá trị Chỉ số Phát triển của con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, bên cạnh những kết quả trên, khoảng cách giới trong các lĩnh vực vẫn tồn tại khá phổ biến ở trên thế giới và cả Việt Nam. Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và những vấn dề mới phát sinh trong thời gian qua đã làm cho tình trạng bất BĐG trở nên trầm trọng hơn. Báo cáo về khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, các nước phải mất tới 136 năm thay vì 100 năm để thu hẹp khoảng cách giới do dịch Covid-19. Tình trạng chênh lệch về thu nhập, việc làm, bạo lực trên cơ sở giới, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số nơi; tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp, việc làm vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Á. Điều này đã cản trở khả năng tiếp cận, cơ hội, sự vươn lên và tỏa sáng của phụ nữ, trẻ em gái ở trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
“Để thực hiện các mục tiêu BĐG, phát huy vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mỗi cá nhân, cần sự chung tay, vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, trong nước và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ nói chung mà lực lượng nòng cốt chính là thế hệ trẻ như các em học sinh, sinh viên”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng những câu chuyện, chia sẻ, thảo luận từ khách mời trong chương trình sẽ giúp các bạn nữ sinh viên có thêm động lực, niềm tin để nỗ lực vươn lên, thực sự tỏa sáng, góp phần cùng nhau xây dựng một tương lai hạnh phúc, xã hội bình đẳng, tiến bộ.
Tại tọa đàm, hơn 300 các em sinh viên của Trường ĐH Lao động – Xã hội được các khách mời chia sẻ những câu chuyện như: Vượt qua thách thức để trở thành người phụ nữ như ngày hôm nay; thanh niên cần làm gì để chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới; các bạn sinh viên nữ cần làm gì để có thể tỏa sáng trong tương lai; làm gì để thúc đẩy giá trị của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam trong gia đình, cộng đồng và quốc tế…