THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:13

Thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi chủ trì Hội thảo cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan trong Bộ LĐ-TB&XH (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ Bình đẳng giới, Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế), đại biểu của các Bộ Ngoại giao, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an, Hội phụ nữ Việt Nam, các trung tâm nghiên cứu và đại biểu của các tổ chức quốc tế như ILO và UN Women, Phái đoàn châu Âu…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi (bên phải) chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi (bên phải) chủ trì Hội thảo.

Tại Hội thảo, các cơ quan và tổ chức đã trao đổi về nhưng khó khăn thách thức mà người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là lao động nữ gặp phải trong suốt quá trình đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài không nhiều như nam giới, họ gặp phải nhiều khó khăn và rào cản hơn nam giới trong suốt quá trình trước, trong và cả sau khi đi lao động về nước. Bên cạnh đó, những vấn đề mà phụ nữ gặp phải khác biệt với nam giới về những khía cạnh như sự sẵn có của các kênh di cư hợp pháp, ngành nghề di cư, hình thức lạm dụng mà họ phải chịu cũng như các hậu quả liên quan, bao gồm cả giai đoạn về nước. Ngoài những khó khăn chung mà người lao động gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài, những khó khăn đặc thù như bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới làm giảm lợi ích khi họ đi làm việc ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) và một số Công ước của ILO liên quan đến bình đẳng giới và việc làm, Việt Nam đã chú trọng đến việc lồng ghép giới vào luật pháp và chính sách trong nước và các lĩnh vực hợp tác quốc tế nhằm cải thiện bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của người lao động trong nước và khu vực.

Với vai trò là cơ quan chủ quản về những vấn đề lao động và bình đẳng giới của Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH đã luôn quan tâm hướng tới việc thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm. Bộ Luật lao động 2019 cũng đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu nhằm làm giảm khoảng khách cũng như cơ hội việc làm giữa nam và nữ, Luật Bảo hiểm xã hội cũng cho phép nam giới được nghỉ phép khi vợ sinh con... Gần đây nhất, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sửa đổi năm 2020 đã lồng ghép để giải quyết các vấn đề về giới, bất bình đẳng giới vào những nội dung chính sách như bổ sung các hình thức hợp đồng; minh bạch hóa việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, sửa đổi bổ sung các quy định về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động mang tính chất phòng ngừa rủi ro khi đi làm việc ở nước ngoài, phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức cho lao động nữ di cư có cân nhắc đến các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ nông thôn và phụ nữ thuộc nhóm yếu thế khác.

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước trình bày về những kết quả đạt được liên quan đến tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ di cư

Đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước trình bày về những kết quả đạt được liên quan đến tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ di cư

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, phụ nữ lao động di cư Việt Nam nói riêng và trong ASEAN nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Phải làm những công việc có mức lương thấp hơn, gặp những phải rào cản cao hơn, có nhiều khả năng bị sa thải khi mang thai và sinh con, thời gian làm việc dài mà không được trả lương ngoài giờ, chậm hoặc không được trả lương, nội dung công việc và điều kiện làm việc kém, trái với cam kết trong hợp đồng, quấy rối và lạm dụng tình dục. Lao động nữ cũng có ít cơ hội được tiếp cận với các cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả cũng như các dịch vụ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết khi ở nước ngoài.

Ở cấp khu vực ASEAN, Việt Nam đã chủ trì cũng như tham gia thực hiện có các sáng kiến và hoạt động hợp tác nhằm nâng cao quyền của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư ASEAN (ACMW) nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho tất cả phụ nữ trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia về bạo lực đối với phụ nữ, trình bày về những bài học kinh nghiệm trong công tác điều phối các dịch vụ hỗ trợ lao động nữ di cư bị bạo lực

Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia về bạo lực đối với phụ nữ, trình bày về những bài học kinh nghiệm trong công tác điều phối các dịch vụ hỗ trợ lao động nữ di cư bị bạo lực

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, việc trao đổi về những cơ hội và thách thức mà lao động nữ gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như xác định được những vấn đề ưu tiên trong tương lai sẽ giúp  chúng ta đưa ra những hoạt động phù hợp nhằm hỗ trợ các cơ quan trong việc quản lý hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi trao đổi với ông Koen Duchateau  - Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam bên lề Hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi trao đổi với ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam bên lề Hội thảo

Thay mặt các tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: “Di cư lao động an toàn là vấn đề quan tâm chung của ILO, UN Women và các đối tác quốc tế, chủ đề năm nay tập trung vào chương trình di cư an toàn cho lao động nữ. Di cư lao động đóng góp hàng tỷ USD vào phát triển kinh tế, trong đó nữ di cư đóng góp gần 50% vào lượng kiều hối mỗi năm. Di cư lao động nữ giúp tăng quyền năng kinh tế cho lao động nữ, giúp phụ nữ có cơ hội tăng vai trò trong xã hội. Tuy nhiên, lao động nữ di cư gặp rất nhiều thách thức trong quá trình làm việc ở nước ngoài, nhất là về cơ hội việc làm có mức lương tương ứng, thích hợp, có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại cũng như khó tiếp cận các dịch vụ xã hội. Với vai trò của phái đoàn EU, chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự quan tâm của các bộ, ngành có liên quan vào quá trình di cư an toàn của lao động nữ, để giúp họ vượt qua những thách thức và nguy cơ kể trên. EU luôn thể hiện sự quan tâm và có đóng góp tích cực, mong muốn thúc đẩy sự hợp tác với các bộ, ngành liên quan, các đối tác quốc tế để chung tay hỗ trợ quá trình thúc đẩy quyền bình đẳng và di cư lao động an toàn cho lao động nữ Việt Nam, như: Nỗ lực thúc đẩy thường trú hợp pháp cho lao động nữ, có những chương trình nâng cao năng lực cho lao động nữ di cư. Chúng tôi cũng huy động quan hệ đối tác toàn cầu với nhiều đối tác quốc tế, khuyến khích các sáng kiến và chương trình thúc đẩy và bảo đảm an toàn cho lao động nữ di cư; khuyến thích các sáng kiến của ASEAN cho hoạt động này”.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó 30% là lao động nữ. Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2021, có tổng số 270,415 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 93,214 lao động nữ). Số lượng này có sự sụt giảm đáng kể trong 2 năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 (năm 2019 đưa được 147,387 nghìn người, năm 2020 giảm xuống còn 78,641 nghìn người và 11 tháng năm 2021 giảm còn 44,387 nghìn người).

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh