THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:38

Ở ngôi làng vùng sâu nói được nhiều ngoại ngữ

 

Vùng đất kỳ lạ

Đó là ngôi làng Le (xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, Kon Tum), ngôi làng của dân tộc Rơ Mâm duy nhất ở cực bắc Tây Nguyên. Người đầu tiên chúng tôi gặp là thôn trưởng A Ren, thấy tôi, A Ren lắc đầu: “Xa thế mà vẫn tìm tới đây được! Lại muốn nghe người dân nói chuyện chứ gì!”. Nói là nói vậy, nhưng A Ren vẫn xởi lởi dắt tôi lên nhà. Lúc ấy trong nhà cũng đã có rất đông người làng đang tụ họp để nói chuyện. A Ren bảo: “Người Rơ Mâm làng mình từ già đến trẻ ít nhất có thể sử dụng được 4 thứ tiếng nước ngoài như Lào, Thái, Miên, Anh. Đấy là chưa kể tới tiếng của những dân tộc anh em sống quanh đây như người Kinh, người Rơ Ngao, người Giẻ Triêng, người Ve, người Jrai… như tiếng mẹ đẻ vậy.

Với vốn “ngoại ngữ” phong phú như vậy nên khi gặp bất kỳ người của dân tộc nào thì đều có thể nói được cả. Nhưng người của dân tộc khác lại ít hiểu, ít nghe được tiếng của người Rơ Mâm. Hóa ra ngay như trưởng thôn A Ren này cũng “bỏ gùi” được cả chục “ngoại ngữ” một cách khá thông thạo. Và như để chứng minh cho tôi thấy, A Ren nói một tràng bằng tiếng Jrai, tất nhiên trong đó có một số từ mà tôi biết khi nhiều lần tiếp xúc mà nghe những người Jrai nói chuyện với nhau. Rồi tiếng Lào, tiếng Thái một cách lưu loát. Đến đoạn này thì tất nhiên những kẻ ngoại đạo như tôi chỉ như vịt nghe sấm, nhưng thấy mọi người gật gù ra vẻ tán thưởng về khả năng ăn nói của trưởng thôn A Ren lắm.

 

                                                  Nhiều thiếu nữ làng Le nói được cả chục thứ tiếng

Để kiểm chứng rõ hơn về khả năng đặc biệt này của người Rơ Mâm, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh thông qua rất nhiều người. Anh A Lunh, một chàng trai người Rơ Mâm cho biết: “Người Rơ Mâm tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trình độ dân trí lại không hề thua kém. Một trong những khả năng đặc biệt nhất của người dân nơi đây là việc trong một thời gian ngắn có thể học nói được rất nhiều thứ tiếng các dân tộc khác nhau!”.

 Nét tài hoa trời phú

 Bên bếp lửa giữa mái nhà sàn, thấy tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên, A Ren liền giới thiệu: “Đấy là già A H’Lới, biết nhiều sử thi lắm, hát khan hay nhất làng, và cũng biết nhiều thứ tiếng lắm đấy. Nét tài hoa này là trời cho”. Dạo đó người Rơ Mâm nghe theo lời bộ đội đã rời khỏi núi Yang Sít ra đây lập làng mới, lớp người già ngày ấy nay chỉ còn sót lại ba người như H’lới. Già A H’Lới kể: “Ngày xưa, xưa lắm, cả trăm mùa trăng trước đếm không hết đâu, người Rơ Mâm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập với người Jrai, người Giẻ Triêng và nhiều người khác. Làng Rơ Mâm của mình ở nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp cách đây hơn nhiều con trăng đã xóa sạch các làng Rơ Mâm, từ 12 làng chỉ còn lại một làng duy nhất đó là làng Le hôm nay thôi!”.

                                                  Trưởng làng cũng là người phiên dịch

Ông H’Lới còn kể cho chúng tôi nghe về những nét văn hóa độc đáo của người Rơ Mâm. Điều khiến chúng tôi khó lý giải nhất là vì đâu mà khả năng học “ngoại ngữ” rất tài tình của người Rơ Mâm lại tốt như thế. A Ren thì chỉ giải thích một cách chung chung rằng do dân số ít, để tồn tại giữa vùng rừng núi này để trao đổi hàng hóa, người Rơ Mâm phải quan hệ với các dân tộc khác, nên đặc biệt là người Rơ Mâm phải biết rất nhiều “ngoại ngữ”. Họ có thể nói tiếng dân tộc Hà Lăng, Jrai, B’râu và thạo cả tiếng Lào như người bên tỉnh Atapư của Lào chính hiệu.

 Chính vì biết được nhiều thứ tiếng của các dân tộc anh em ở vùng này, nên mỗi khi có đoàn cán bộ huyện đi xuống cơ sở để tuyên truyền, trưởng thôn A Ren lại được đưa đi để làm thông dịch viên. Nhiều khi đến các làng khác, người làng ấy buột miệng hỏi: “Mày là người Rơ Mâm mà sao biết nói tiếng của làng ta?”

Trưởng thôn A Ren kể thêm cho chúng tôi nghe những câu chuyện khá vui và thú vị. Những đứa trẻ người Rơ Mâm khi bắt đầu đi học, thường học chung với nhiều đứa trẻ dân tộc khác như: Kinh, Ba Na, Xê Đăng, Jrai… Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, những đứa trẻ người Rơ Mâm có thể dễ dàng nói chuyện được với những đứa trẻ dân tộc khác bằng tiếng của người dân tộc mà chúng giao tiếp. Nhưng ngược lại, nếu chúng nói tiếng Rơ Mâm thì những đứa trẻ kia sẽ không hiểu gì. 

Thanh Thảo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh