Ồ ạt dâng sao giải hạn: Người dân đang bị lừa gạt, bị lợi dụng?
- Văn hóa - Giải trí
- 22:59 - 13/02/2019
Khu vực sát chân cầu vượt Ngã Tư Sở đông kín người dân ngồi ngoài đường vái vọng vào chùa Phúc Khánh, chỉ còn một lối nhỏ cho xe máy di chuyển qua.
Cứ sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân lại tìm đến các chùa, đền, phủ, điện để làm lễ dâng sao giải hạn. Mặc dù việc cúng sao giải hạn không được thừa nhận trong giáo lý Phật giáo khi đi ngược với giáo lý về luật nhân- quả, song việc cúng lễ vẫn được diễn ra công khai.
Chùa Phúc Khánh, chùa Hà, đền Quán Thánh và chùa Bà Đá là bốn điểm tổ chức lễ cúng sao giải hạn lớn nhất tại Hà Nội.
Năm nay, tình trạng hàng nghìn người hành lễ, gương mặt lo âu, thấp thỏm, chen lấn khi xin lộc vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí, nhiều người bất chấp nguy hiểm ngồi lòng đường, bái vọng từ xa. Cũng có người sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để làm lễ cầu bình an cho gia đình...
Trao đổi với phóng viên Dân trí về hiện tượng người dân đi cúng sao giải hạn đầu năm, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thẳng thắn nói: “người dân đang bị lừa, bị lợi dụng!”
“Dâng sao giải hạn, vấn đề gắn với sao trời là đi với vùng của cư dân quan tâm tới chiêm tinh học mà khởi đầu là ở vùng Trung Cận Đông, rồi lan tỏa đi khắp nơi. Các nhà chiêm tinh nhận thấy rằng ở trên bầu trời có một số ngôi sao chủ, mỗi lúc nó khác nhau, có trật tự khác nhau. Người ta nghĩ tới, con người sinh ra giờ khác nhau, thời khắc khác nhau thì nó bị chi phối bởi các ngôi sao đó. Rồi họ cho rằng những ngôi sao ấy sẽ chi phối cho những số phận...
Đi xa dần khỏi trung tâm của vấn đề thì quan niệm cứ ngày càng méo mó đi. Vì nghĩ là sao trời ảnh hưởng đến số phận nên người ta muốn dâng sao giải hạn. Nói đơn giản là hành vi dâng sao giải hạn là cách “nịnh hót” các tinh tú trên trời để tránh tai họa”, GS Trần Lâm Biền lý giải tâm lý người dân chen nhau đi dâng lễ giải hạn.
Tuy nhiên, theo GS Trần Lâm Biền, trên thực tế lại khác: “Có dâng đến nghìn lần, vạn lần, triệu lần đi chăng nữa thì các ngôi sao vẫn vận động như thế. Nó không thay đổi. Và vì thế không thể ảnh hưởng đến số phận con người. Làm sao dâng sao giải hạn được?
Vấn đề ảnh hưởng đến số phận con người là do chính người đó tạo nên. Ở đây có khía cạnh nhân quả - sống như thế nào thì có kết cục tương ứng. Thứ hai là do môi trường sống, cách quan hệ, ứng xử trong cuộc sống.
Thay vì dâng sao giải hạn thì không gì tốt hơn bằng việc hãy ứng xử tốt với tất cả mọi người, quan tâm tới thiện tâm, ứng xử tốt với mình, xây dựng cho mình nhận thức, đạo đức đúng truyền thống thì tự nhiên tinh thần thanh thản. Phải xây dựng lối sống lành mạnh, lành mạnh trong cả nền tảng vật chất cũng như tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt hơn.
Còn người cứ uống rượu tì tì thì sao nào gỡ được?”
Về hiện tượng người dân đi cúng sao giải hạn ngày càng đông, theo lý giải của GS Trần Lâm Biền là vì “thiếu hiểu biết”.
“Trí tuệ phát triển mạnh, tự nhiên sẽ giảm bớt những sai lầm về nhận thức. Tất cả mọi sự ấy, không có trí tuệ thì cái tâm không vững. Tâm không được trí tuệ làm bệ đỡ thì tâm ấy càng phát triển thì càng dễ dẫn đến mê tín dị đoan.
Một đặc điểm khác: con người thiếu sự rèn luyện về tư tưởng thì con người dễ bị hụt hẫng tinh thần. Chính sự hụt hẫng tinh thần ấy, đa số nảy sinh khi điều kiện vật chất ngày càng phát triển, đầy đủ. Nếu không có tinh thần giữ cân bằng, bị hụt hẫng, thì sự hụt hẫng dễ đi tìm sự cân bằng, theo đó dễ bị lừa bịp”, ông nói.
Cũng theo GS Trần Lâm Biền, xoay quanh chuyện dâng sao giải hạn đầu năm có liên quan tới những kẻ lợi dụng: “Đó là những kẻ hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng. Trên nền tảng hoạt đầu tôn giáo tín ngưỡng, họ kiếm lợi cho các cá nhân. Chính vì cái lợi cá nhân ấy đã tuyên truyền sai.
Thực sự, đi dâng sao giải hạn thuộc lĩnh vực của đạo giáo, thuộc những con người tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc tôn giáo, không thuộc đạo phật. Không có tôn giáo nào dính đến dâng sao giải hạn. Tất cả những người đi chùa mà dâng sao giải hạn, đứng ở bậc tín ngưỡng là không có lợi gì hết.
Khi chùa nào đưa dâng sao giải hạn vào chùa thì phải xét lại. Nếu nhà chùa đi đúng theo tinh thần của đạo Phật, không làm chuyện đó, thì ai đi dâng sao? Chính là có người lợi dụng biến cửa chùa thành cửa đền, mang tính chất đạo giáo, yếu tố phù thủy...”
GS Trần Lâm Biền cho rằng người dân đang bị một số kẻ lợi dụng, lừa bịp khi đua nhau đi cúng sao giải hạn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng nhấn mạnh hiện tượng người dân đi cúng sao giải hạn ngày càng đông có thể do sự hiểu biết, giác ngộ về đạo phật chưa cao. Bên cạnh đó là sự tuyên truyền thiếu tử tể, có chủ đích của những kẻ lợi dụng...
“Đức Phật Thích Ca cầm bông sen vàng giơ lên và nói với chúng sinh rằng: ta là phật đã thành, chúng sinh là phật chưa thành. Cho nên, đến chùa là để tìm cái bản thể, cốt lõi trong sáng tốt đẹp nhất của bản thân mình. Hãy vén đám mây mù ngu tối che đậy thân tâm thì tự nhiên ánh sáng trí tuệ sẽ rọi tới.
Ngôi chùa là nơi để chúng sinh đến tìm lấy cái bản thể của mình, làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ phật chứ không đến chùa để tìm sự vô lý, mê tín dị đoan, nhảm nhí, lừa dối chính bản thân mình. Lừa dối chính bản thân mình là lừa dối phật”, GS Trần Lâm Biền chia sẻ.
Về việc các ngôi chùa tổ chức cúng sao giải hạn, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng đó là hành động mê tín dị đoan, trái với giáo lý phật giáo.
“Tục cúng sao có nguồn gốc từ đạo giáo của Trung Quốc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tôn giáo của nước này từ hàng nghìn năm nay. Đạo phật liệt tục cúng sao vào nhóm mê tín, tà kiến”, Thượng tọa Thích Nhật Từ trả lời báo chí.
Để hạn chế tình trạng nhiều chùa mở dịch vụ cúng giải hạn như hiện nay, Thượng tọa Thích Nhật Từ bày tỏ mong muốn Giáo hội ban hành thêm các công văn nghiêm cấm việc cúng sao, tuyên truyền mê tín dị đoan ở các chùa càng sớm càng tốt.