Nước thải nhà máy bột cá gây ô nhiễm, dân bức xúc
- Pháp luật
- 16:58 - 28/05/2015
Nước thải “bức tử” môi trường sống
Đến xã Gio Quang, khi nhắc đến Hồng Đức Vượng (đóng trên địa bàn xã Gio Châu) người dân nơi đây không khỏi lắc đầu ngao ngán bởi việc xả thải làm ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp này. Hàng ngày, nguồn nước từ cống xả thải của nhà máy chảy thẳng vào các kênh mương tự nhiên, rồi đổ về địa bàn hai thôn Trúc Lâm, Kỳ Lâm, làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Trong hai năm qua, đã có hơn 40 ha diện tích đất trồng lúa ở đây lâm vào cảnh mất mùa liên tiếp, lúa bị thối thân, không cho hạt. Các ao cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết hàng loạt. Không những thế, nguồn nước uống của người dân cũng bị ảnh hưởng, hàng ngày người dân phải đi mua nước từ nơi khác về dùng.
Ông Phan Ngọc Hồ phản ánh: “Trời nắng nóng, mùi hôi thối bốc lên từ nguồn nước thải của nhà máy không tài nào chịu được. Ban ngày, ai đi qua khu vực này cũng phải lấy tay che mũi, bịt miệng để tránh mùi hôi. Còn ban đêm, mùi hôi bốc lên không thể ngủ nổi. Mấy đứa con của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác phải đi “lánh nạn” nơi khác để học bài”.
Nước thải từ Nhà máy Hồng Đức Vượng xả thẳng ra môi trường.
Để đối phó với việc nguồn nước giếng bị ô nhiễm, mỗi ngày gia đình ông Hồ cũng như nhiều hộ dân khác phải đi mua 30 lít nước máy dùng để nấu ăn... Ông Hồ khẳng định, cả làng có nhiều hồ cá nằm sát cạnh kênh dẫn nước thải bị ô nhiễm do nhà máy chế biến bột cá trên gây ra, hiện phải bỏ hoang vì không thể nuôi bất cứ loại thủy sản nào.
Ông Nguyễn Đình Sang (thôn Trúc Lâm) than vãn: “Gia đình canh tác gần 2 mẫu ruộng, hiện gần như mất trắng do nước thải ra từ nhà máy bột cá. Chất thải ngấm vào đất, khiến cây lúa chết. Nếu tình trạng này kéo dài, cánh đồng Gio Quang phải bỏ hoang, cả làng phải bỏ xứ mà đi làm thuê, làm mướn thôi.”
Cơ quan chức năng bất lực?
Phó Chủ tịch UBND xã Gio Quang, ông Nguyễn Ngọc Sáng cho biết: “Cứ khi có gió Nồm thì Trúc Lâm lãnh đủ, còn gió nam thì Kỳ Lâm hưởng trọn mùi hôi thối ô nhiễm”. Theo ông Sáng, ngoài hàng trăm hộ dân của 2 thôn Kỳ Lâm, Trúc Lâm đang bị tra tấn bởi mùi hôi thối của nguồn nước thải từ Nhà máy Hồng Đức Vượng, các xã lân cận như Gio Mai, Gio Thành cũng “dính đòn” vì cái “mùi hương” này... bay rất xa.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hóa, Phó Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị thừa nhận, sự việc Nhà máy Hồng Đức Vượng gây nên những ảnh hưởng về môi trường gây ảnh hưởng đến người dân địa phương là có thật.
Ban quản lý Khu kinh tế nhiều lần phối hợp với Sở TN&MT Quảng Trị đi kiểm tra thực tế và cuối năm 2014, đã có văn bản yêu cầu Nhà máy Hồng Đức Vượng tạm dừng hoạt động, hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường.
“Mới đây, họ cho vận hành thử nhà máy để kiểm tra hệ thống xử lý nước thải. Nhưng do chưa có kho lạnh và mắc lỗi vận hành, nên hệ thống này một lần nữa không đảm bảo, vẫn xả thải ra môi trường chất độc hại... Chúng tôi tiếp tục lập đoàn kiểm tra xác định những thiệt hại của các hộ dân và yêu cầu nhà máy bồi thường” - ông Hóa cho biết.
Biên bản kiểm tra từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp cho biết, đến thời điểm hiện tại hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến bột cá Hồng Đức Vượng còn thiếu 3 công đoạn (bể kéo tụ tạo bông; bể lắng; bể tuyển nổi), bên cạnh đó, hệ thống nước thải của nhà máy này vượt mức cho phép 70m3/ngày đêm. Các chất thải ra môi trường không đạt yêu cầu do chưa đầu tư đúng quy mô cam kết.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà máy phải thực hiện đầy đủ các cam kết khắc phục tình trạng xả thải gây ô nhiễm, mới được vận hành tiếp.
Tuy nhiên, trên thực tế theo tìm hiểu của PV, Nhà máy Hồng Đức Vượng vẫn đang hoạt động và “âm thầm” thải ra môi trường nguồn nước gây ô nhiễm nặng nề. Người dân đặt câu hỏi: Tại sao sự việc rõ như ban ngày và kéo dài suốt hai năm nay, nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị lại chậm xử lý?.