CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:59

Nữ sinh “bán thân”vì dính bẫy đa cấp

Trong quá trình thực hiện một loạt bài về gái bán dâm trên thế giới ảo như Zalo, Ola…, chúng tôi đã có cơ hội để thâm nhập vào thế giới tình – tiền đầy dục vọng của một bộ phận giới trẻ ở đây. “Cần. Cần tiền. Cần sự giúp đỡ…”, ít ai biết rằng những status (trạng thái) này là sự mào đầu cho cuộc vui xác thịt. Ở đó có sự trao đổi bằng tiền – tình nhưng những người trong cuộc lại không nhận mình là gái bán dâm, người mua dâm mà chỉ đơn thuần là sự cho – nhận. Đây là kiểu biến tướng mới của hoạt động mại dâm sau khi gái gọi qua mạng, gái đứng đường, thậm chí mại dâm trả góp đã trở nên lỗi thời.

Trong những lần “tìm hàng – share (chia sẻ) hàng” để phục vụ bài viết chúng tôi đã gặp vô số trường hợp như thế. Khác với mại dâm đứng đường, thành viên tham gia “chợ tình di động” này đa phần là nữ sinh và các cô gái trẻ tuổi sử dụng thành thạo các phần mềm chat online. Chỉ cần có smartphone là các cô gái bán dâm dễ dàng tải các phần mềm chat như Ola, Zalo… và sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu tình ái. Lúc này, nhiều khách hay không không chỉ dựa vào nhan sắc mà cơ bản là phải biết “đong” khách.

Để “đong” được khách, các nàng chỉ cần thả “thính” bằng những status kiểu như: “Em đang cần”, “Em cần sự giúp đỡ”, “Giá mà ai đó giúp mình nhỉ”, “Thèm được đi chơi quá…”,… “Hi em. Em cần gì thế, anh giúp em được không?”, tôi mở đầu với nickname cogaidantoc (cô gái dân tộc) đang hiển thị status “Cần giúp đỡ…”. “Anh giới thiệu về mình đi?”, cô gái này hỏi lại ngay lập tức. Sau vài câu giới thiệu ỡm ờ mà ai cũng biết là nói dối nhau, cogaidantoc bắt đầu “trải lòng” về mình. Chúng tôi quen với nữ sinh Nguyễn Thị L. cũng trong một trường hợp như thế.

Chỉ vì dính vào đa cấp Liên minh tiêu dùng, L. đã phải sa chân vào thế giới nhơ nhuốc.

Nói thật, cô gái trẻ nào đi bán thân chả nhận mình là nữ sinh để cao giá và tăng sự thương hại của khách làng chơi. Chúng tôi đã từng nghĩ L. cũng là một người như vậy. Thế nhưng, cái cách “đong” khách bán chuyên nghiệp của cô và cách em đưa thẻ sinh viên ra đã khiến chúng tôi nghĩ lại. Không khó để khai thác thông tin từ một gái bán dâm bán chuyên “non tuổi nghề” như L. Từ lời kể của em và sự xác minh khách quan của chúng tôi, một sự thật trần trụi đến căm phẫn đã dần lộ ra.

Tôi hẹn L. gặp gỡ tại một nhà nghỉ trên phố Nguyễn Khánh Toàn, lắng nghe những câu chuyện đau lòng em chia sẻ. “Em từ quê xuống học ngành Quản trị kinh doanh từ hồi tháng 9/2014. Vì bố mẹ đều là công nhân, em lại theo học ngành chuyên về kinh tế nên em muốn tìm một công việc làm thêm phù hợp với ước muốn kiếm tiền và kinh doanh. Lúc đó, có một người bạn hồi cấp ba rủ em tới địa chỉ 252 Hoàng Quốc Việt bằng giọng rất mập mờ: “Bạn cứ lên đây. Bạn sẽ có cơ hội làm giàu và được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về kinh doanh. Chúng ta học với nhau từ cấp một, mình sao có thể nói dối bạn được”, L. kể về lần đầu bị dụ dỗ tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp của công ty Liên minh tiêu dùng.

Nói chuyện với chúng tôi, cô nữ sinh người Lào Cai vẫn giữ giọng đặc sệt của địa phương miền núi, những từ có dấu “ngã” em thường nói thành dấu “sắc” rất đặc trưng. Sau lần được người bạn học rủ rê, mời chào, sự tò mò trong người cô bé mới lớn cộng với hy vọng kiếm tiền trang trải cuộc sống, L. hí hửng theo bạn. “Nghe bạn ấy nói vậy, em hào hứng đến địa chỉ 252 Hoàng Quốc Việt. Lúc đó, em được bạn này dẫn lên tầng 3 của tòa nhà cao 9 tầng này và thấy hàng trăm con người đang tụ tập ở đây. Họ nói về những cơ hội kinh doanh với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Họ đạo mạo, lịch sự, tự tin. Em bị quay cuồng trong cái vòng quay ấy. Rồi họ hỏi: “Em có muốn làm giàu không? Có muốn nắm bắt cơ hội không?”. Rằng nếu muốn tham gia thì em phải mua một lô hàng là những sản phẩm mà em chẳng có nhu cầu dùng bao giờ. Đó là các loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ. Giá của lô hàng này là 8,5 triệu đồng. Em gật đầu nhưng sực nhớ ra rằng mình chẳng có đồng tiền nào”, cô bé sinh năm 1996 nhớ lại.

Nạn nhân của Liên minh đa cấp

“Đã vào làm ở công ty thì đối xử nhau như người trong gia đình, ai khó khăn sẽ được giúp đỡ, cốt sao để tất cả cùng thành công”, một tuyến trên của L. dẫn dụ khi cô bé bảo không có tiền. Và rồi, sau hôm đó những hào nhoáng thành công, tiền, thù lao cứ quay cuồng trong đầu nữ sinh viên trẻ này. Vài hôm sau, người bạn ấy lại dẫn em lên công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam – Vietnet và lần này họ hướng dẫn cụ thể cách vay tiền. Cụ thể, họ bảo em cầm thẻ sinh viên, chứng minh thư và bằng tốt nghiệp THPT rồi có người sẽ dẫn ra tiệm cầm đồ trên phố Phan Văn Trường để cầm cố. “Em chưa đi cầm đồ bao giờ, nhưng không nghĩ lại dễ dàng đến vậy. Có người của công ty bảo lãnh, họ cầm cố cho em 9 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ngày. Em như bị ma làm đi theo họ như một cái máy. Vay xong, họ lập tức đưa em về để ký hợp đồng”, L. kể lại với giọng hằn học.

Từ khi vào làm cộng tác viên của công ty Liên minh tiêu dùng, cô nữ sinh miền núi này hết hội thảo rồi học việc nhưng cũng không thể rủ rê được bạn nào vào công ty. Trong khi đó, số tiền lãi hàng ngày cô phải đóng lên tới 45.000 đồng.

Mỗi tháng bố mẹ gửi cho em bao nhiêu tiền?, tôi hỏi. “Bố mẹ em là công nhân, sau em còn có hai đứa em nữa, mỗi tháng bố mẹ gửi cho em 1,5 triệu đồng cho tất cả các sinh hoạt. Từ khi dính vào công ty Liên minh tiêu dùng với khoản lãi khổng lồ ấy, mỗi tháng đóng tiền lãi thôi cũng gần hết số tiền mẹ gửi xuống”, L. thẳng thắn kể lại. Để chứng minh cho điều mình nói, L. đưa cho chúng tôi xem hợp đồng mua sản phẩm của công ty và cả thẻ cộng tác viên của công ty Liên minh tiêu dùng.

Không người thân thích, không một khoản thu nhập nào khác, cô nữ sinh mới bước qua tuổi 18 đã phải dồn toàn bộ số tiền bố mẹ gửi hàng tháng để nộp vào tiền lãi. Những bữa cơm cứ được thay bằng bánh mì, bằng mì tôm nhưng cuối cùng những thứ đó cũng trở thành xa xỉ, L. bắt đầu rơi vào bi kịch.

Em sa chân bắt đầu từ đó. L. kể, đã nhiều lần muốn kể toàn bộ câu chuyện với bố mẹ, nhưng nghĩ đến gia cảnh khó khăn, hai đứa em nheo nhóc nên cô bé lại im lặng. “Hồi Tết về, thấy em xanh xao hơn mẹ cứ gặng hỏi nhưng em không dám nói. Cứ đấu tranh tư tưởng mãi anh ạ. Cuối cùng, em lại chọn cách im lặng…”, L. sụt sùi.

Trong cái bi kịch ấy thì một lần lên mạng, L. mới biết nhiều cô gái chọn phương pháp bán “vốn tự có” qua mạng để kiếm tiền. Thiếu tiền, chủ nợ thúc ép, L. bắt đầu học cách bán dâm qua mạng. Em tải các phần mềm chat trực tuyến như Ola, Zalo vào điện thoại để bắt đầu cho những cuộc phiêu lưu xác thịt.

Khi được hỏi, L chia sẻ: "Lúc ấy, em đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Nhưng có lẽ đây là cách duy nhất để em có thể thoát nợ. Em đã nhắm mắt… Em cũng trả nợ. Chắc “đi” như thế này một thời gian ngắn nữa là thoát nợ”.

Tôi góp thêm cho em một ít tiền để trả khoản nợ “cắt cổ” kia trước khi chia tay nhau. Em lặng lẽ cất số tiền ấy vào một ngăn riêng trong ví, nơi mà em bảo chỉ để dành cho trả nợ cầm đồ rồi lặng lẽ bước đi.

“Cầm đồ, lãi suất cắt cổ, Liên minh tiêu dùng, đa cấp…”, những cụm từ cứ xoáy sâu vào tôi và thấy rờn rợn mỗi khi nhắc đến. Hình ảnh nhỏ bé, khắc khổ đến căm phẫn của cô nữ sinh phải bán thân để trả lãi vì trót dính vào Liên minh tiêu dùng sẽ ám ảnh nhiều người.

Theo Đời sống & Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh